(QBĐT) – Chiều 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại biểu Nguyễn Xuân Tuyến, Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch đề xuất một số giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) tỉnh trong thời gian tới.
Nhiều khó khăn, thách thức
Năm 2024, Quảng Bình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình phát triển KT-XH của tỉnh.
|
Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; trong đó, chú trọng các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển mạnh du lịch, thu ngân sách, xử lý nợ đọng, phát triển quỹ đất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh… Nhờ đó, KT-XH năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, có 24/25 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, công tác bồi thường GPMB, cải cách hành chính đã được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, một số ngành, địa phương, chủ đầu tư còn chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, chậm tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh.
Đề xuất một số giải pháp
Đại biểu Nguyễn Xuân Tuyến đề xuất một số giải pháp, kiến nghị, như:
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các chủ đầu tư; kịp thời kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, bố trí kịp thời khu tái định cư, khu nghĩa địa, hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, như: Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
|
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư quan trọng, gồm: Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay-Cảng hàng không Đồng Hới; đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; các thủ tục đầu tư tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2… Sớm khởi động các dự án hạ tầng cấp thiết theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, như: Mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu, nâng cấp Quốc lộ 12A, các dự án khách sạn, du lịch, các dự án khu đô thị ven biển Bảo Ninh; tiếp tục đẩy nhanh thực hiện dự án đường nối từ Quốc lộ 1 đến Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các di tích lịch sử…
Kịp thời giải quyết các vướng mắc về quy hoạch, về giá đất nhằm thu hút đầu tư thực hiện các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao vào khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhằm phát huy giá trị di sản. Thực hiện hiệu quả đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, giai đoạn 2021-2030. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án phát triển quỹ đất, dự án nhà ở thương mại, các khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị, nông thôn.
|
Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng thiết bị, hạ tầng mạng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng nhu cầu cải cách thủ tục hành chính; chú trọng phát triển nhanh sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ kịp thời người dân và doanh nghiệp mua bán hàng hóa. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Kịp thời sắp xếp, tổ chức hợp lý các trường, trung tâm, cơ sở đào tạo, dạy nghề để nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động ra nước ngoài nhằm cải thiện đời sống của nhân dân. Trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cần đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân; tăng cường công tác dân vận chính quyền, phát huy hiệu quả các mô hình dân vận khéo; làm tốt công tác tiếp công dân; tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Nội Hà (lược ghi)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202412/tang-cuong-thao-go-kho-khan-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2222920/