(QBĐT) – Quảng Bình chịu ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), mưa lớn gây ngập lụt diện rộng ở một số địa phương trong tỉnh. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH) là hiện hữu, vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo các địa phương cùng người dân tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng phòng bệnh SXH.
|
Tính đến sáng 8/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.255 ca mắc SXH kể từ đầu năm, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023; tăng 2 ca tử vong do SXH ở địa bàn Quảng Trạch và Minh Hóa. 8/8 huyện, thị xã, thành phố đều đã ghi nhận ca mắc SXH. Số ca mắc SXH cao nhất ở huyện Bố Trạch (871 ca), Quảng Ninh (428 ca), Lệ Thủy (358 ca), TP. Đồng Hới (312 ca)…
Để chủ động phòng, chống SXH, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã triển khai giám sát véc tơ định kỳ hàng tháng tại 8 xã trọng điểm (Cảnh Dương, Quảng Thuận, Đức Trạch, Hoàn Lão, Bắc Lý, Bảo Ninh, Tân Ninh, Lộc Thủy), theo dõi sát các chỉ số côn trùng để kịp thời chỉ đạo trung tâm y tế các địa phương triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh.
Có trên 44 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng; 28 xã, thị trấn của 7 huyện, thị xã được phun hóa chất diệt muỗi chủ động và 18 xã, thị trấn phun xử lý ổ dịch (bao gồm Quảng Trạch: 2, Bố Trạch: 1, TP. Đồng Hới: 7, Quảng Ninh: 7, Lệ Thủy: 1).
|
Nhờ vậy, các chỉ số côn trùng trung bình đều nằm trong ngưỡng bình thường, tại các địa phương ghi nhận 1 số ổ dịch nhỏ, phân bố rải rác ở các khu dân cư và bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ghi nhận khoảng trên dưới 10 ca SXH.
Tuy nhiên, sau mưa bão số 6, số ca mắc SXH ở các địa phương có chiều hướng gia tăng, mỗi ngày ghi nhận số ca mắc khoảng từ 15-20 ca, tập trung nhiều ở các địa bàn Lệ Thủy, TP. Đồng Hới, Bố Trạch và Quảng Ninh.
Theo Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp, trong bão lụt nước ngập tràn, cuốn trôi theo mọi thứ gây ô nhiễm có trên mặt đất, như: Chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, côn trùng, cây cối… làm nước và môi trường bị ô nhiễm nặng, nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh rất cao. Vì vậy, ngay khi nước rút, người dân cần thực hiện các biện pháp xử lý môi trường để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
|
Những ngày vừa qua, ngành Y tế đã phối hợp vận động, hướng dẫn người dân các địa phương dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, chôn lấp xác súc vật, loại bỏ những vũng nước tù đọng là nơi sinh sản của muỗi; vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
Đồng thời, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng tại các vùng có nguy cơ để đề phòng dịch SXH và các bệnh dịch khác do côn trùng truyền bệnh.
Nội Hà
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202411/tang-cuong-phong-chong-sot-xuat-huyet-sau-ngap-lut-2222225/