(QBĐT) – Nhà thơ Phan Bá Linh, hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ, bắt đầu sáng tác từ năm 1980 khi ở chiến trường Campuchia. Đề tài thơ của anh tập trung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, người lính, cũng như những trăn trở về thân phận con người; trong đó, nỗi nhớ quê hương Quảng Bình luôn đậm sâu, đau đáu trong anh.
Phan Bá Linh sinh ngày 18/8/1958 tại xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy). Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm 10+2 khóa I, anh được điều về dạy học tại xã Ngư Thủy. Tháng 8/1978, anh tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn Công binh 25, Quân khu 9. Tiếp đó, anh tham gia đoàn quân tình nguyện trong đội hình Mặt trận 979 làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Những năm tháng chiến đấu nơi đất nước Chùa Tháp ấy, ký ức quê nhà lúc nào cũng hiển hiện trở thành niềm ao ước trong anh:
“Về thăm biển nắng chiều xiên
Câu thơ ghi vội dọc triền cát sôi
Cha oằn lưng cõng mặt trời
Đi qua năm tháng tìm lời biển êm
Mẹ đưa vai đỡ trăng lên
Lời ru con lặn vào đêm tỏ mờ
Biển trong con tuổi ngày thơ
Sóng òa bãi đá giấc mơ mặn mòi…”.
Trong nỗi nhớ giữa núi rừng trùng điệp ở Campuchia, anh lại thấy:
“… Bây giờ biển trước mặt con
Hình như tiếng sóng mặn hơn mọi lần
Cúi đầu nương bóng mái tranh
Lặng nghe tiếng biển quanh vành môi xưa”.
(Trở về trước biển)
|
Nhắc đến biển Lệ Thủy không thể thiếu bờ cát trắng mịn thoai thoải và bao đồi cát trắng mênh mông xen kẽ những bụi cây dọc dài ven biển. Cũng như bao người con vùng này, khi Bá Linh đi xa luôn nhớ quắt quay và chợt nhận ra:
“… Nên bây giờ tôi mến yêu thêm
Làng quê cát sau nhiều năm xa cách
Càng muốn sống một cuộc đời thanh bạch
Mà ngang tàng như cát trắng quê tôi”.
(Cát)
Không chỉ hình ảnh người thân, quê nhà đậm nét trong thơ mà những rung động đầu đời thời trai trẻ cũng được anh chia sẻ:
“… Tôi xa em đã ngàn đêm lẻ
Gửi nhớ vào gió thổi rừng hoang
Giờ tóc em thơm hương lúa mùa màng
Tôi nắng gió da xám vàng trận mạc…”
(Từ Kô Kông nhớ)
Năm 1988, khi đang là trung úy, Đội trưởng Đội Chiếu bóng số 2, Cục Chính trị Quân khu 9, Phan Bá Linh chuyển ngành về Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, tỉnh Hậu Giang. Anh Bá Linh kể: “Lúc đó tôi bắt đầu học cách nuôi trồng thủy sản chuyên ngành cá da trơn để mỗi năm xuất khẩu đạt chỉ tiêu 1.000 tấn cá. Từ quân đội ra làm kinh tế, kiến thức không mà kinh nghiệm cũng chẳng có, tôi lần mò từng bước vừa học vừa làm để khẳng định tinh thần tôi luyện trong mười năm quân ngũ và sự kiên cường của người con “khúc ruột miền Trung”.
Tuy lắm lúc khó khăn, nặng nợ áo cơm bảo đảm cuộc sống cho vợ và hai con (một trai một gái) nhưng anh vẫn ưu ái cho thơ như là cách bày tỏ nỗi lòng:
“Ba mươi tuổi âm thầm khóc nhớ mẹ
Hình bóng quê hương rưng rưng nắng hàng cau
Mười mấy năm qua đêm nào cũng thế
Mẹ với quê hương đan bện niềm đau
…
Con đã sống một thời xa vắng mẹ
Nay con đi xa ngái nửa quê nhà
Tuổi trẻ rụng rơi dọc thời dâu bể
Mỗi chiều về thương tiếc một ngày qua…”
(Mẹ)
Nhiều lần tôi trò chuyện cùng anh bên chén trà hay chung rượu, anh nói rằng ai cũng có một miền quê để yêu và để nhớ khi xa. Đó là nơi ta chào đời và nuôi nấng từng ngày lớn khôn, trưởng thành, dù có gian nan, thiếu thốn nhiều thứ. Như quê anh, người dân lao động lam lũ, chắt chiu dành dụm nhưng khi lũ về lại cuốn trôi tất cả và khi lũ rút thì làm lại từ đầu. Vì vậy, mỗi khi nghe tin lũ lụt ở miền Trung, trong anh bật lên những ý thơ mà chỉ có người trong cảnh mới hiểu người trong cuộc:
“Nhà mình bây giờ nước dâng tới rốn
Bàn ghế, tủ giường trôi như bèo Tây
Nước liên tục đổ về cuồn cuộn
Mái tol vừa bị thổi bay
…
Vợ chồng em làm ăn vất vả
Sau trận lụt này coi như trắng tay
Cứ động viên nhau chả làm sao cả
Miễn sao người còn sống là may…”.
(Tin nhắn từ rốn lũ)
“Anh không giúp được cho em
Trong cơn lũ lớn nước lên ngập nhà
Anh giờ đang ở nơi xa
Lòng như lửa đốt đêm qua tới giờ
Nước trên nguồn đổ bất ngờ
Mình em xoay trở biết nhờ cậy ai
Thương em nước mắt vắn dài
Thương quê Lệ Thủy buồn lai láng buồn”.
(Buồn lai láng buồn)
Và ở nơi xa ấy, anh không giúp được gì, chỉ biết cầu mong:
“Xin đừng mưa phía em tôi nữa
Trận lũ vừa qua quá đủ rồi
Có người chết, người mất nhà cửa
Sau cơn hồng thủy đã hụt hơi
…
Xin đừng mưa phía em tôi nữa
Có bao nhiêu nước trút về đây
Để tôi có được niềm an ủi
Của người Lệ Thủy ở miền Tây”.
(Xin đừng mưa phía em tôi)
Nhà thơ Phan Bá Linh đã xuất bản 4 tập thơ gồm “Đi hết tầm ngọn gió” (NXB Cà Mau, năm 1987), “Tình yêu người lính” (NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2007), “Tay cầm tháng giêng” (NXB Quân đội nhân dân năm 2011), “Bình minh giữa nắng chiều” (NXB Hội Nhà văn năm 2012). Anh Phan Bá Linh đoạt giải 3 cuộc thi thơ tỉnh Hậu Giang năm 1983, giải 2 “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1986… Hơn mười năm qua chưa thấy Bá Linh xuất bản tập thơ nào, những tưởng anh không còn thiết tha với thơ nhưng vẫn âm thầm sáng tác. Đến nay, gia tài của anh trên 1.400 bài thơ, trong đó hơn 50% đăng trên các báo, tạp chí. Anh cho biết dự định in 5 tập thơ theo từng chủ đề làm quà tặng quê hương, người thân, bạn bè…
Có thể nói, nỗi nhớ quê của Phan Bá Linh sâu sắc, chân thật qua từng con chữ giúp người đọc cảm nhận tấm lòng của người con Quảng Bình trên đất Tây Đô. Chính sự chân thành đó tạo cho thơ cái tình nồng nàn, dẫu có lúc ray rứt như “Nỗi nhớ hình giọt lệ” luôn đau đáu trong anh:
“… Tôi trở về quê là trở về nguồn
Nơi lần đầu bàn chân tôi chạm đất
Nơi những khi xa tôi nhớ về quay quắt
Lòng thắt đau mỗi tin lụt bão về
Tôi mang theo hình bóng làng quê
Đi đánh giặc đầu non cuối bể
Có nỗi nhớ mang hình giọt lệ
Vẫn nguyên lành như thế đến hôm nay”.
Hồ Kiên Giang
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/tam-long-cua-nguoi-con-quang-binh-tren-dat-tay-do-2222897/