(QBĐT) – Dòng chảy cuộc sống cứ trôi đi một cách hối hả, xô bồ với đầy rẫy những thị phi khiến con người ta đôi lúc đánh rơi niềm tin vào lòng tốt, sự tử tế đang hiện hữu mỗi ngày. Thế nhưng, đâu đó, có những con người bình dị vẫn âm thầm gieo vào đời những hạt mầm thiện lành. Bởi với họ, việc thiện là nên làm, phải làm và xuất phát từ trái tim yêu thương chân thành.
Anh Lê Huy Hoàng (SN 1989), thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) là một người như thế. Nhiều năm qua, anh vẫn lặng thầm “giúp người, giúp đời” như một lẽ tự nhiên mà không cần hồi đáp hay ghi nhận.
Sống hướng thiện
Một buổi sáng đầu tháng 10, hẹn gặp anh ở quán cà phê bên dòng sông Roòn lững lờ màu phù sa. Dù thi thoảng liên lạc nhưng cũng mấy năm chúng tôi mới gặp lại, lần gần nhất là trong những chuyến cứu trợ sau trận lũ lịch sử tháng 10/2020. Anh vẫn vậy, vóc người gầy, khuôn mặt góc cạnh, lam lũ bởi cuộc sống bươn chải từ nhỏ của con nhà cực, nhưng nụ cười luôn hiền hậu, chất phác và ánh mắt lấp lánh lạc quan, yêu đời.
|
Cuộc trò chuyện chốc lát lại gián đoạn vì điện thoại của bạn hàng, đối tác như thường ngày. Anh lăn lộn với đủ nghề, nay thì gắn bó với nghề bán sơn và cũng chưa phải giàu có nhưng chỉ hơn 10 ngày trước, người thanh niên ấy đeo mình theo những chuyến xe đưa hàng cứu trợ cho bà con các bản làng ở miền núi phía Bắc chịu thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Sau bão, đồng bào cả nước đều hướng về các tỉnh phía Bắc với tinh thần sẻ chia yêu thương. Có lẽ chỉ những lúc thiên tai, địch họa chúng ta mới cảm nhận, bộc lộ rõ nét tình dân tộc, nghĩa đồng bào mạnh mẽ đến vậy. Những người sống hướng thiện như anh Hoàng chắc chắn không đứng ngoài cuộc. Tài khoản mạng xã hội của anh tạm dừng những quảng cáo về sản phẩm mưu sinh thường ngày, thay vào đó là những chia sẻ về tình hình mưa bão, lũ lụt và lời kêu gọi ủng hộ đồng bào vượt qua lúc khốn khó. Cũng như trận lũ lịch sử năm 2020 ở Quảng Bình, anh cùng những người bạn làng chài chèo thuyền thúng đưa những suất cơm, thùng nước cho bà con ở vùng Nam ở TX. Ba Đồn đang bị cô lập nhiều ngày do mưa lũ.
Và sau đó là những lời kêu gọi, kết nối với đồng bào cả nước ngược sông Gianh đưa hàng hóa cứu trợ đồng bào tái thiết cuộc sống sau mưa lũ. Hay trước đó là các trận bão lũ năm 2013, 2016, 2017… Và tôi biết, ngày thường anh vẫn âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, dù là vật chất, tiền bạc với khả năng có thể trong tâm thế “hạnh phúc là được cho đi”. Anh Hoàng thường tâm niệm, “giúp được gì thì giúp, người với người sống để thương nhau”.
Của cho không bằng cách cho
Ngày 11/9/2024, khi nhiều địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc đang chìm trong bão lũ, chia cắt, sạt lở, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của anh Hoàng cũng chuẩn bị lên đường. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ kêu gọi, anh Hoàng đã gom đủ gần 10 tấn hàng, gồm: Áo phao, nước lọc, nhu yếu phẩm và quần áo mới. Chuyến hàng được một nhà xe trên địa bàn nhận chở miễn phí kịp thời hỗ trợ các địa phương đang ngập lụt nặng, như: Quy Vinh, Kim Bình, Lĩnh Phú… của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chuyến thứ hai từ ngày 16-19/9 cũng trên 10 tấn hàng (muối, gạo, thực phẩm, áo quần, giày dép) ngược lên các xã Lương Sơn, Kim Sơn, Tân Tiến… huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
|
Anh Hoàng chia sẻ: “Sau khi kêu gọi bà con các địa phương lân cận, anh em bạn bè từ Bắc đến Nam đều nhiệt tình hỗ trợ. Có người thì góp tiền mặt, người thì hàng hóa, nhu yếu phẩm. Nói chung tấm lòng của bà con có gì mình nhận nấy xong tập kết để phân loại. Như áo quần mới thì để nguyên tem, áo quần cũ thì phải chọn lọc, xếp lại gọn gàng, hàng hóa bánh kẹo, nước, sữa thì phải kiểm tra hạn sử dụng để đóng gói cẩn thận… Chuyến thứ 2, mình phải kêu gọi anh em, bạn bè, bà con trong làng nổi lửa cả đêm rang hơn 2 tấn muối, đóng vào hộp nhựa kỹ càng để tránh bị thấm nước, hư hỏng…”.
“Mình giúp, mình cho được bà con lúc khốn khó là mừng nhưng cho như thế nào để bà con được nhận cũng thấy ấm lòng dù giá trị phần quà có thể không lớn, đó mới là điều tử tế. Trong chuyến thứ 2, biết đoàn mình phải đi vòng quãng đường gấp 3 lần tránh các điểm sạt lở mới vào được bản, những bao gạo, hộp muối, túi quần áo được gấp nếp gọn gàng không chỉ bà con địa phương mà cán bộ xã họ cũng cảm động vô cùng. Lúc ra về, người cho người nhận đều ôm nhau khóc, bởi ai cũng cảm nhận được yêu thương, chân thành trong đó…”, anh Hoàng bộc bạch.
Nghĩa đồng bào động lại
Trở về sau chuyến thiện nguyện ở phía Bắc, anh Hoàng tụt mấy ki-lô-gam vì những khó khăn, thậm chí là nguy hiểm để trao đi những yêu thương, sẻ chia với đồng bào vùng thiên tai. Song điều khiến anh mãn nguyện là chứng kiến và cảm nhận được sâu sắc nhất 2 tiếng “đồng bào”.
Anh chia sẻ, những lúc khốn khó như vậy mới thấy tình ấm áp của đồng bào. Đó có thể là cụ bà hàng xóm thâu đêm rang muối hay chị hàng xén chợ Cảnh Dương với những tờ tiền được vuốt thẳng góc trước khi đem quyên góp. Đó có thể là anh lái xe tải tình cờ gặp giữa đường nhưng sẵn sàng nhận chở hàng không đồng khi biết đoàn thiện nguyện ở Quảng Bình ra đang kẹt. Đó là chiếc bánh gạo bẻ đôi của anh cán bộ xã vùng cao khi tắc đường hay cái vòng tay cảm ơn của em gái người Tày khi nhận được túi áo quần mới…
Thiên tai đến rồi đi nhưng tình người luôn đọng lại. Và ở đâu đó ngoài kia, còn nhiều, rất nhiều người như anh Hoàng. Họ bình dị với cuộc sống mưu sinh nhưng khi xuất hiện vẫn lặng lẽ tỏa hương cho đời…
“Sau khi kết thúc kêu gọi, kết nối hỗ trợ từ thiện, mình phải nhanh chóng thống kê và công bố một cách rõ ràng, chi tiết để mọi người cùng biết nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai. Trước khi tổ chức cứu trợ, cần tìm hiểu kỹ thông tin và đặt niềm tin ở chính quyền địa phương để hàng hóa đến đúng địa chỉ đang cần, tránh lãng phí…”, anh Lê Huy Hoàng chia sẻ kinh nghiệm đi cứu trợ vùng thiên tai. |
X.Phú
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202410/song-binh-di-lang-le-lam-dieu-thien-2221906/