Hiện nay, Bộ Nội vụ đã hoàn tất tờ trình về cải cách tiền lương và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Chiều 2/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2-2024. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì họp báo.
Kinh tế-xã hội phục hồi tích cực
Thông tin tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm của Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới.
|
Nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm (tháng 1 đạt 50,3 điểm), thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 912.000 tấn, kim ngạch 639 triệu USD); bảo đảm được cân đối cung cầu lao động.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%). Thu hút FDI đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước tăng lên.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng đầu năm có hơn 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41.000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
|
Sắp trình Bộ Chính trị chính sách mới để cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024
Đáng chú ý, liên quan đến tiến độ xây dựng các văn bản để triển khai cải cách chính sách tiền lương, đại diện của Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ được phân công xây dựng tờ trình để báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới, đồng thời phải nêu được các tác động khi cải cách chính sách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm xã hội, ưu đãi đối với người có công và các trợ cấp xã hội. Xây dựng nghị định trình Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Xây dựng nghị định để điều chỉnh chế độ tiền lương và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai chế độ tiền lương mới.
|
Hiện nay, Bộ Nội vụ đã hoàn tất nhiệm vụ xây dựng tờ trình, chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến sẽ là cơ sở để các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản.
Đó là, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết, nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước; bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Bộ Nội vụ đang cố gắng bảo đảm tiến độ theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo Báo QĐND