Theo Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, đến ngày 31/12/2023, 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. Trong đó, tổng số đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị cấp huyện, 1.243 đơn vị cấp xã.
Công tác sắp xếp phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.
Thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp chỉ còn khoảng sáu tháng. Đây là công việc quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như định hướng, quy hoạch phát triển của địa phương, song trong kiến nghị từ cơ sở gửi tới Ban Chỉ đạo cho thấy còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
Bên cạnh các vấn đề vẫn tồn tại từ giai đoạn 2019-2021 chưa được tháo gỡ căn bản liên quan xử lý nhà, đất, tài sản công dôi dư; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại các địa bàn khó khăn sau sắp xếp… giai đoạn 2023-2025 còn nổi lên thực trạng cần lưu ý, đó là có một số địa phương né tránh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện ở nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị, vì cho rằng sẽ làm cho đơn vị hành chính đô thị bị “xuống hạng”, ảnh hưởng công tác lập quy hoạch và chương trình phát triển, phân loại đô thị, chất lượng đô thị.
|
Có 19 đơn vị hành chính cấp huyện, 515 đơn vị hành chính cấp xã dựa theo các yếu tố đặc thù, đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán đề nghị không sắp xếp, vì cho rằng dễ dẫn tới mất ổn định quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Việc sắp xếp không thực hiện cơ học, máy móc, không nên áp đặt mà cần thấu hiểu, đồng hành và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để phù hợp thực tiễn. Song để đạt mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, cần quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò tháo gỡ điểm nghẽn chính sách của các bộ, ngành Trung ương.
Trong đó, lưu ý các trường hợp thuộc diện sắp xếp nhưng địa phương đề xuất chưa hoặc không sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 phải giải trình thuyết phục và có thể chuyển sắp xếp sang giai đoạn 2026-2030 khi đã bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí. Trường hợp đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng theo quy định tại Nghị quyết số 35 thì phải được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm định, cho ý kiến.
Vấn đề trọng tâm nữa là các bộ, ngành liên quan cần chủ động tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan sắp xếp đơn vị hành chính về lập đề án, thẩm định đề án, triển khai thực hiện… để kịp thời báo cáo cấp trên chỉ đạo các cơ quan hữu quan giải quyết theo thẩm quyền.
Trong quá trình tổng hợp và giải quyết, nếu có nội dung phức tạp, còn ý kiến khác nhau, nội dung liên quan lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành hoặc vượt quá thẩm quyền giải quyết, các bộ, cơ quan ngang bộ cần kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện.
Tại địa phương, căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đã được Bộ Nội vụ cho ý kiến, cần gấp rút xây dựng đề án sắp xếp giai đoạn 2023-2025, tổ chức lấy ý kiến cử tri, trình hội đồng nhân dân các cấp thông qua và gửi Bộ Nội vụ để tổ chức thẩm định liên ngành.
Công việc này làm tốt sẽ sớm hoàn thiện được hồ sơ đề án của địa phương theo ý kiến thẩm định và trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thời gian để hoàn tất công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 không còn nhiều, do đó, cần đưa kết quả thực hiện là một tiêu chí quan trọng đánh giá công tác thi đua-khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Cần kiên quyết xem xét trách nhiệm đối với trường hợp không quyết liệt, có biểu hiện né tránh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo NDĐT