(QBĐT) – Khoảng hơn 20 năm trước, Báo Quảng Bình số Tết âm lịch có đăng bài thơ “Nón lá” của tôi: “Trắng từ trong trắng ra ngoài/Tự bao giờ vẫn trắng hoài vậy thôi/Những người chằm nón quê tôi/Kết từng lớp lá giấu lời vào trong…”. Quê tôi chính là làng Thổ Ngọa, một trong “Bát danh hương” của Quảng Bình, một làng nghề truyền thống nón lá đã được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận.
Ẩn tích làng nón Thổ Ngọa
Nón lá xuất hiện khoảng 2.500-3.000 năm trước công nguyên. Hình ảnh của nón đã được chạm khắc trên những cổ vật Việt Nam như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn… đã nói lên điều đó.
Nhưng với các nhà nghiên cứu, vẫn chưa xác định rõ nón lá ra đời từ khi nào trong lịch sử nước Việt. Từ điển bách khoa Việt Nam giải nghĩa từ “nón” đã đưa ra nhận định: “Truyền thuyết Thánh Gióng đội nón sắt đánh giặc Ân, cho phép ta tin rằng nón có từ lâu đời trên đất Việt cổ…”. Từ thời Lý trở về sau, sách sử đã ghi nhận chiếc nón trong bộ trang phục Việt, chủ yếu là trang phục dân gian. Đến thời Nguyễn, nón đã trở thành trang phục phổ biến trong dân chúng, che nắng mưa của người dân và binh lính.
|
Truyền thuyết ở quê tôi kể rằng: “Ngày xửa ngày xưa, có một năm trời đổ mưa như trút, kéo dài hàng tuần, khiến cho nhà cửa, đất đai ngập lụt, cuộc sống vô cùng bi đát. Bỗng một nữ thần xuất hiện trong mưa, đội một chiếc mũ khổng lồ làm từ bốn chiếc lá lớn được khâu lại bằng những thanh tre. Những nơi nữ thần đến, mây đen tan đi, thời tiết trở nên mát mẻ. Nữ thần còn dạy cho dân nhiều nghề trước khi biến mất. Để tưởng nhớ công ơn của nữ thần, người ta đã xây dựng đền thờ và cố gắng tạo ra một chiếc nón bằng cách xâu những lá cọ lại với nhau. Kể từ đó, chiếc nón lá trở nên vô cùng thân thuộc và gần gũi với người nông dân Việt Nam”.
Còn thực tế nghề nón xuất hiện ở làng Thổ Ngọa từ bao giờ, thì cũng chỉ là… truyền thuyết. Bởi vậy, người ta vẫn cứ tranh cãi nhau chưa có hồi kết. Trong các tộc phả của các dòng họ định cư lâu đời ở làng, chẳng có dòng nào nói về nghề nón cả.
Mặc dù vậy, người làng tôi vẫn thống nhất rằng, nghề nón xuất hiện ở làng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Nhưng lại không thống nhất về người đã truyền nghề nón. Người họ Trần, dòng họ lớn trong làng, đã cung cấp cho báo chí về tìm hiểu rằng, một người trong dòng họ mình đã truyền nghề nón. Cụ họ Trần ấy thấy dân Thổ Ngọa ít ruộng, lại ngập mặn nên thường xuyên đói kém mà đau lòng. Cụ bèn “băng đồng vượt bể” vô Huế học nghề rồi về truyền dạy cho dân làng. Nhưng tài liệu mà người ta chứng minh điều này thì chỉ là: “chúng tôi nghe kể rứa”.
Khác hẳn với người họ Trần, cụ Nguyễn T. năm nay đã 96 tuổi khẳng định với các phóng viên một nhà đài, khi tôi dẫn họ đến nhà cụ để làm phim “Chuyện của nón” rằng: “Người đem nghề nón về làng chính là một người xóm Dinh (nay là tổ dân phố Dinh). Tuy nhiên, ông ta là một người ích kỷ. Ông ta chỉ công khai ngồi làm nón giữa ban ngày. Còn mọi khâu chế biến nguyên liệu như lá nón, vành, xây nón rập khuôn đều đóng cửa, làm bí mật trong đêm. Có một người làng thấy vậy thì tức giận lắm. Hàng đêm, ông trèo lên mái nhà, vạch tranh ra mà rình xem. Sau một thời gian thì ông nắm được mọi bí quyết. Nghề nón nhờ đó mới rộ ra cả làng…”. Cụ T. cũng chẳng có tài liệu gì, chỉ nói ông nội tôi và cha tôi kể lại. Tôi cho rằng, lời kể của cụ T. có độ tin cậy cao hơn. Bởi theo gia phả, ông nội cụ T. hơn cụ những 118 tuổi, nên có thể nắm rõ câu chuyện truyền nghề nón để kể lại cho con cháu.
Nghề nón thường ngồi tụm với nhau để làm cho vui, câu chuyện về truyền nghề lại càng vui hơn nữa. Mấy bà hay chép miệng, ai truyền, truyền khi nào không quan tâm làm gì. Quan trọng là, làng ta nhờ có nghề làm nón không thì đói rã họng!
Sẽ chỉ còn là… hoài niệm?
Người làng tôi đa số bắt đầu biết làm nón khi mới 7-8 tuổi. Xuất phát từ thiếu đói nên phải tận dụng tối đa sức lao động của trẻ thơ và cụ già. Những đứa trẻ còi cọc như tôi, khi ngồi làm nón, còn bị khuôn nón che kín mặt. Nghề nón có thu nhập thấp, nhưng lại tận dụng được sức lao động mọi tầng lớp, có thể làm, bán, chạy ăn hàng ngày.
Tôi biết làm nón vào cái thời nón chỉ bán cho Nhà nước. Lúc thịnh, mua xong là cửa hàng trả tiền ngay. Nhưng đến cuối những năm 70 thế kỷ trước thì họ nợ tiền nón triền miên. Dân đã đói lại càng thêm bức bối. Cửa hàng mua nón giải thể, nhờ đó tư nhân đi buôn nón có cơ hội phát triển. Nghề nón những năm 80 của làng tôi vô cùng rầm rộ.
Hằng đêm bên ngọn đèn dầu, cha vót vành, mẹ ủi lá, con chằm nón, những âm thanh phức hợp chen nhau nghe cứ soàn soạt. Nhà nào khá thì có cái đài bán dẫn nghe ca nhạc. Có nhà đã có đài cát sét, lại có thêm cái đèn tọa đăng nữa thì bạn đến làm nón đông lắm.
Lúc này, lứa chúng tôi đã đến tuổi tán gái. Hằng đêm từng tốp thanh niên rong ruổi xe đạp đến các “Hội làm nón” của bạn gái trong làng vui chơi, đàn hát. Về khuya, thường “chốt” lại ở hội có người yêu. Nàng làm xong nón, chàng đứng dậy đưa về, đứng ở một góc đường nào đó chuyện trò. Thường trong đêm mờ, chiếc nón lá trắng là nổi bật nhất, có khi nó còn làm vật che chắn cho những nụ hôn say đắm.
|
Người làm nón sợ nhất là gió Lào, thứ gió làm cho lá nón khô, xoăn cứng không thể bắt ra, ủi bóng được. Những lúc này, mẹ tôi phải buộc từng chùm lá, thả xuống gần mặt nước giếng. Có những đêm tôi trở về nhà, thấy bàn tay mẹ, vuốt lá, ủi lá nghe cứ rờn rợn, những câu thơ tôi bật ra: “Bàn tay khô vuốt lá non/Lá thành hoa nón mẹ mòn tuổi xuân…”. Đêm đêm, nhà nhà ủi lá, mùi khói than, mùi lá chín và cả mùi vải cháy khen khét từ cái đùm ủi lan vào trong giấc ngủ của tôi.
Những năm 90, người miền Bắc không chuộng nón nữa. Nón Thổ Ngọa phải quay vào Nam, thông qua người buôn ở Huế. Từ đó, cách làm lá bằng luộc, làm vành của Huế xâm nhập, có cả nón lá dừa từ Nam bộ ra. Cách làm nón truyền thống xưa nay của làng mai một dần rồi mất hẳn.
Sang thế kỷ XXI, kinh tế phát triển, phố phường hiện đại tấp nập xe cộ khiến cho chiếc nón vướng víu, không mấy an toàn khi gió thổi mạnh, đến người đi xe đạp, đi bộ cũng thay bằng cái mũ cho phù hợp. Chủ yếu chỉ còn nhà nông ở làng quê đội nón ra đồng. Người làm nón quê tôi có thu nhập quá thấp so với mặt bằng, họ bỏ nón đi làm việc khác. Đến nay, số người làm nón sống bằng nghề rất ít ỏi. Người buôn nón phải đi mua nón thô từ các xã khác trong vùng đem về, trẻ em và cụ già quê tôi làm gia công phần còn lại.
May mắn thay, vì vẻ đẹp vốn dĩ của mình, nón lá Thổ Ngọa vẫn còn mãi trong thi ca, không thể vắng trên những sàn diễn thời trang áo dài. Nón vẫn là “vật trang sức” đi liền với chiếc áo dài để chụp ảnh, quay phim khi Tết đến, xuân về, và để… hoài niệm!
Đỗ Thành Đồng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/que-toi-lang-cham-non-2224019/