Trong quá trình dựng nước và giữ nước, việc mở mang bờ cõi có một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Mở mang bờ cõi không chỉ để có đất đai, nhân tài vật lực xây dựng quốc gia cường thịnh mà còn là sự thống nhất hợp lý các triều đại phong kiến để có một quốc gia rộng lớn hơn. Lịch sử hình thành các quốc gia phong kiến phương Tây bằng việc thống nhất các tiểu vương quốc cổ. Việc mở mang bờ cõi trong lịch sử hầu như quốc gia nào cũng từng trải qua. Có nhiều hình thức để mở rộng lãnh thổ, ở châu Âu đó là sự thống nhất của các tiểu vương quốc để thành lập vương quốc rộng lớn hơn trong thời trung cổ.
Ở nước ta, sau khi Lý Thái Tổ lên ngôi lập nên triều Lý, dời đô về Thăng Long, lãnh thổ của Đại Việt mới đến vùng phía bắc Đèo Ngang và thường xuyên bị quân Chiêm Thành phía Nam quấy phá. Năm 1069, Lý Thánh Tông xuống chiếu thân chinh, chọn Lý Thường Kiệt làm nguyên soái đi tiên phong dẫn quân đánh vào kinh đô của Chiêm Thành bắt sống vua Chiêm là Chế Củ.
Để chuộc mạng, Chế Củ dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ họa đồ hình thể núi sông của ba châu, vua Lý Thánh Tông đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh xuống chiếu chiêu mộ dân chúng đến ở và tổ chức việc cai trị. Vùng đất Quảng Bình trở thành lãnh thổ của quốc gia Đại Việt, mở đầu trang sử mở mang bờ cõi về phương Nam.
Dưới thời Trần, vùng đất Quảng Bình là vùng biên cương phía nam, bảo vệ lãnh thổ của Đại Việt tạo điều kiện cho công cuộc mở mang lãnh thổ đến Thuận Châu và Hóa Châu.
Đến thời Lê, công cuộc khai thiết Quảng Bình được mở rộng, kinh tế phát triển tạo điều kiện cho triều Lê trong những cuộc viễn chinh bảo vệ vùng lãnh thổ phía nam. Dưới thời các chúa Nguyễn, việc bảo vệ vững chắc phòng tuyến phía Bắc ở Quảng Bình đã tạo điều kiện cho các chúa Nguyễn mở rộng lãnh địa xuống phía Nam, xây dựng tiềm lực kinh tế, quân sự ngày càng vững mạnh.
Khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa kiêm lãnh xứ Quảng Nam, đất cực nam của Quảng Nam là huyện Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn tức Tuy Phước, Bình Định ngày nay. Phía bên kia đèo Cù Mông là lãnh thổ của Chiêm Thành.
Năm Tân Hợi (1611), Nguyễn Hoàng sai quân đánh Chiêm Thành lấy đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi đặt phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Đó là bước nam tiến đầu tiên của các chúa Nguyễn.
Lãnh thổ của các chúa Nguyễn lúc đó từ đèo Ngang (lúc này chưa có chiến tranh Trịnh Nguyễn nên phần bắc sông Gianh đến đèo Ngang thuộc châu Bố Chính, trấn Thuận Hóa của Nguyễn Hoàng) đến núi Thạch Bi. Chính vì lẽ đó mà trước khi mất, Nguyễn Hoàng căn dặn Nguyễn Nguyễn (chúa Hi Tông) rằng: “Đất Thuận, Quảng phía bắc có núi Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và Thạch Bi vững bền; núi sẵn vàng, sắt; biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng, nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với nhà Trịnh thì đủ để xây dựng cơ ngơi muôn đời”. Ý tưởng mở mang bờ cõi về phía Nam như các triều đại Lý, Trần, Lê được Nguyễn Hoàng nung nấu khi mở mang lãnh địa qua đèo Cù Mông đến Thạch Bi năm 1611.
Năm Kỷ Tỵ (1629) Lưu thủ Phú Yên là Văn Phong dùng quân Chiêm làm phản. Lúc này quân Nguyễn đã đuổi quân Trịnh khỏi chiến tuyến trên sông Nhật Lệ năm 1627, chúa Sãi có điều kiện đưa quân đi đánh dẹp và đổi phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên. Mở đất Phú Yên ngoài việc di dân, lập ấp, chúa Sãi còn chủ trương đưa 3 vạn quân Trịnh bị bắt trong cuộc chiến tranh năm Mậu Tý (1648) ở Quảng Bình khẩn hoang để “trong khoảng mấy năm, thuế má có thể giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản nhiều thêm có thể thêm vào quân số”. Số quân binh này được đưa về ở các địa phương từ Thăng, Điện đến Phú Yên, cứ 50 người làm một ấp, cấp cho lương ăn nửa năm, lại cho họ được khai thác mối lợi ở núi, đầm phá và ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay. Từ đó vùng Phú Yên làng xóm mọc lên liền nhau.
Năm Quý Tỵ (1653), đời chúa Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần) vượt núi Thạch Bi chiếm đến sông Phan Rang đặt dinh Thái Khương (sau đổi làm Bình Khương tức tỉnh Khánh Hòa ngày nay) chia làm hai phủ Thái Khương và Diên Ninh.
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H
Sau cuộc chiến tranh Nhâm Tý (1672) ở Quảng Bình thắng lợi, quân Trịnh rút lui về bờ bắc sông Gianh chấm dứt việc xâm lấn, chúa Nguyễn đẩy mạnh công cuộc khai thiết vùng đất mới ở Bình Khương và tiếp tục công cuộc Nam tiến về phương Nam. Thời chúa Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu), năm Nhâm Thân (1692) vua Chiêm là Bà Tranh đem quân đánh phủ Diên Ninh, Chúa sai Cai cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh con của Nguyễn Hữu Dật làm Thống Binh, Văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu đem quân đi đánh. Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại quân Chiêm bắt được Bà Tranh, nhưng công cuộc bình định vùng đất mới còn tiếp tục một thời gian sau đó. Chúa Hiển Tông giao cho Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh và Văn chức Trinh Tường chỉ huy, dẹp loạn.
Năm Đinh Sửu (1697), đặt phủ Bình Thuận, lấy đất từ Phan Rang, Phan Rí trở về phía tây chia làm hai huyện An Phước, Hòa Đa xây dựng quan hệ hòa hiếu giữa người Việt và người Chiêm ở vùng đất mới.
Không chỉ dừng lại ở vùng đất Nam Trung Bộ, trong thời các chúa Nguyễn, công cuộc Nam tiến không ngừng mở mang bờ cõi về phương nam. Năm Canh Ngọ (1690) đời chúa Anh Tông sai cai cơ Nguyễn Hữu Hào (con Nguyễn Hữu Dật, anh của Nguyễn Hữu Cảnh) vào Chân Lạp buộc vua Nặc Thu quy phục chúa Nguyễn.
Đặc biệt, năm Mậu Dần (1698) chúa Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu) sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía nam, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay); lấy xứ Sài Gòn đặt huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay). Mỗi dinh đều đặt chức Lưu Thủ, Cai Bạ, Ký Lục và các cơ, đội, thuyền, thủy, bộ, tinh binh và thuộc binh. Chúa còn sai chiêu mộ thêm lưu dân từ Bố Chính trở vào Nam đến ở, thiết lập xã, thôn, phường, ấp, chia rang giới, khai khẩn ruộng đất, đánh thuế tô, thuế dung, làm bộ đinh, bộ điền. Với phủ Gia Định bấy giờ số dân lên đến 4 vạn hộ.
Công cuộc Nam tiến sau đó vẫn tiếp diễn cho đến khi hoàn thành công cuộc mở cõi để có giang sơn thống nhất đến tận Cà Mau như ngày nay.
Công cuộc mở cõi bắt đầu từ nhà Lý qua Trần, Lê và nhất là dưới thời các chúa Nguyễn, Quảng Bình không chỉ là vùng đất mở đầu cho quá trình Nam tiến, mà còn là bàn đạp quan trọng cho quá trình mở mang bờ cõi dưới thời các chúa Nguyễn. Trong suốt gần 50 năm (từ 1627 đến năm 1672) trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn, người dân Quảng Bình phải đau nỗi đau chia cắt và nạn binh lửa triền miên.
Biết bao sức người sức của, máu và nước mắt của người dân nơi đây đã đổ để giữ phòng tuyến Lũy Thầy, vùng phên dậu Đàng Trong giúp cho chúa Nguyễn mở mang cương vực vào phía Nam. Có những trận quyết chiến trên sông Nhật Lệ, trên những chiến lũy Trường Dục, Động Hải, An Náu, Sa Phụ các chúa Nguyễn mới có điều kiện tiến vào mở dinh Trấn Biên (Phú Yên), Bình Khương (Khánh Hòa) và sau đó lấy xứ Đồng Nai đặt huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa); lấy xứ Sài Gòn đặt huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn (Gia Định).
Như một cơ duyên, lịch sử giao cho hai người con Quảng Bình là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những người lính ấn tiên phong. Nguyễn Hữu Hào vào Đồng Nai, Mỹ Tho năm 1690 thay Mai Vạn Long buộc Nặc Thu vua Chân Lạp quy phục chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Cảnh làm Cai cơ trấn thủ dinh Trấn Biên (Phú Yên), Chưởng cơ trấn thủ dinh Bình Khang và dinh Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn. Cùng với Nguyễn Hữu Cảnh, người dân Quảng Bình có mặt ở những vùng đất mới ở Phước Long, Tân Bình rồi đi xuống dần về Tân An, Mỹ Tho, Rạch Gầm, Long Hồ, suốt vùng đồng bằng giữa sông Tiền, sông Hậu, qua cù lao Ông Chưởng đến tận Châu Đốc, Hà Tiên.
Vào mở cõi phương Nam xa xôi, người Quảng Bình lòng vẫn nhớ cố hương, mới đem tên đất, tên làng đặt cho những vùng đất mới. Những Tân Bình, Bình Đông, Bình Tây như hoài niệm về vùng đất Lâm Bình-Tân Bình-Tiên Bình-Quảng Bình của cha ông. Có lúc họ nhắc lại tên một huyện như Phong Phú (Lệ Thủy) hay một huyện và một xã như Phong Đức (huyện Phong Lộc xã Đức Phổ). Nhiều thôn ấp được đặt tên như cũ: Phú Nhuận, Phú Thọ, An Lạc (Lệ Thủy), Phú Mỹ, Thanh Hà (Bố Trạch), Vĩnh Lộc (Quảng Trạch). Ở vào địa đầu binh lửa trong cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn, người xưa mang theo khát vọng hòa bình, và hoài cảm những tên đất, tên làng đến những vùng đất mới.
Trong cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn có nhiều người con Quảng Bình đã trở thành những người lính tiên phong trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ và mở đất về phương nam. Điển hình có dòng họ Nguyễn Hữu và Trương Phúc ở Phong Lộc (Quảng Ninh ngày nay).
Về dòng họ Nguyễn Hữu, trong suốt gần 50 năm cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, dòng họ Nguyễn Hữu ở Phong Lộc có tham tướng Nguyễn Triều Văn và con là Nguyễn Hữu Dật luôn luôn là vị tướng tiên phong, đứng mũi chịu sào lập công xuất sắc. Các con Nguyễn Hữu Dật là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Hữu cảnh đều lập công lớn và trực tiếp đưa quân vào phía phía nam mở rông cương vực lãnh thổ cho các chúa Nguyễn.
Nguyễn Hữu Hào là một vị tướng mưu lược, có tài dùng binh lại có lòng nhân từ, để lại nhiều ân đức cho tướng sĩ và nhân dân được phong tước hầu, tước công. Năm 1689 chúa Nguyễn Phước Trăn sai Nguyễn Hữu Hào làm thống binh đưa quân vào Nam đóng ở Bích Đôi, bảo vệ vùng lãnh thổ của chúa Nguyễn ở vùng Bà Rịa.
Đặc biệt có Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh , người có công kinh lược mở đất vùng Đồng Nai Gia Định, thành lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (Gia Định) đưa dân đến khai thác vùng đồng bằng rộng lớn ở phương Nam.
Về dòng họ Trương Phúc có Trương Phúc Gia và con là Trương Phúc Phấn là những vị tướng tài từng làm trấn dinh Quảng Bình cùng với Nguyễn Hữu Dật lập nhiều chiến công trên các chiến lũy Đào Duy Từ. Con của Trương Phúc Phấn là Trương Phúc Hùng, Trương Phúc Cương từng là những tướng lĩnh tài ba của các chúa Nguyễn. Trương Phúc Phan, con của Trương Phúc Cương, cháu của Trương Phúc Phấn, đã cùng nhiều tướng sĩ tâm phúc là người đồng hương Quảng Bình kề vai sát cánh cùng Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh tiến về phương Nam.
Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh mất, Trương Phúc Phan được chúa Nguyễn Phúc Chu giao giữ chức Trấn thủ dinh Trấn Biên. Đồng thời với việc xác lập chủ quyền, ngay từ những ngày đầu lập đất, chính quyền của chúa Nguyễn ở Trấn Biên đã tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ mà tiêu biểu là chiến công đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo Côn Lôn (Côn Đảo) trong những năm đầu thế kỷ XVIII.
Sau khi lấy lại Côn Lôn, Trương Phúc Phan cho tổ chức lại lực lượng bảo vệ đảo theo phương thức nửa dân sự, nửa quân sự. Theo sách Gia Định thành thông chí thì “Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi là Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Ba đội trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ lấy đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bàn, không cần kêu gọi chỗ khác đến cứu giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá tôm để sinh sống…”
Nhờ có lực lượng bảo vệ đảo, trong thời gian Trương Phúc Phan là Trấn thủ dinh Trấn Biên mấy lần người Anh âm mưu chiếm lại Côn Lôn đều thất bại.
Lịch sử của công cuộc Nam tiến mở mang lãnh thổ Đại Việt kéo dài suốt mấy thế kỷ từ thời đại Lý, Trần, Lê cho đến các chúa Nguyễn. Trong công cuộc vẻ vang ấy, Quảng Bình là vùng đất có nhiều đóng góp xứng đáng để lại dấu ấn đậm nét trong trang sử hào hùng của dân tộc.
Theo Báo Quảng Bình