(QBĐT) – Năm 2024, Quảng Bình long trọng tổ chức kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024). Hướng tới kỷ niệm các sự kiện quan trọng này, Báo Quảng Bình trân trọng giới thiệu chuyên mục “Quảng Bình-Hào khí 420 năm (1604-2024)”, qua đó, để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ôn lại lịch sử truyền thống, mảnh đất, con người, văn hóa của quê hương; về những thành tựu to lớn mà Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu đạt được trên mọi lĩnh vực qua mỗi chặng đường lịch sử, nhất là những năm đổi mới.
Phần thứ nhất
ĐIỂM TỰA LỊCH SỬ VÀ HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN
I. Điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa
1. Điều kiện tự nhiên
Quảng Bình nằm ở Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Tây giáp hai tỉnh Khăm Muồn và Sạ-vẳn-na-khệt (nước CHDCND Lào) với chiều dài đường biên giới là 201,87km, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển là 116,04km. Quảng Bình nằm trên trung lộ của các con đường chiến lược xuyên Việt là Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam, cách Thủ đô Hà Nội 450km về phía Nam, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 1.200km về phía Bắc. Quốc lộ 12A chạy từ Đông sang Tây qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và tỉnh lộ 20 qua Cửa khẩu Cà Roòng nối liền với nước CHDCND Lào, một trong những cửa ngõ liên thông với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Quảng Bình là dải đất tương đối hẹp, có diện tích tự nhiên 8.065,27km2, trong đó 85% diện tích là đồi núi. Phần lớn diện tích đồi núi Quảng Bình nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn, là nơi có khu hệ động vật, thực vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm, đặc trưng điển hình cho mẫu hình bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học là vùng karst Phong Nha-Kẻ Bàng và vùng đất thấp thuộc khu vực Động Châu-khe Nước Trong.
Quảng Bình có diện tích rừng khoảng 486.688ha, phần lớn là rừng tự nhiên. Độ che phủ rừng đạt gần 68,69% (năm 2023) đứng thứ 2 trong cả nước về độ che phủ rừng, chỉ sau tỉnh Bắc Kạn. Rừng có trữ lượng gỗ cao và có nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) ở Quảng Bình có kiểu rừng độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất là rừng nhiệt đới thường xanh chủ yếu cây lá kim với ưu thế loài bách xanh núi đá Calocedrus rupestris và dưới tán là các loài Lan hài Paphiopedilum spp, phân bố trên núi đá vôi ở độ cao trên 700-1.000m. Ngoài ra, VQG PN-KB còn có 15 kiểu rừng được xác định đã đem lại tính đa dạng cho các hệ sinh thái, trong đó kiểu rừng thường xanh trên núi đá vôi được xem là có tầm quan trọng quốc tế.
VQG PN-KB là một mẫu điển hình về những giá trị của các hệ sinh thái núi đá vôi trên thế giới, có ý nghĩa toàn cầu đối với bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay, đã xác định được sự có mặt của 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch, 1.394 loài động vật, với 823 loài động vật có xương sống và 393 loài côn trùng. Chúng hầu hết là các loài bản địa trong khu vực. Trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 39 loài có tên trong Nghị định số 32-2006/NĐ-CP, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 1 loài có tên trong các phụ lục CITES.
Sự đa dạng về hệ thực vật ở VQG PN-KB bao gồm cả đa dạng về thành phần loài; về nguồn gen và tài nguyên thực vật. Nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Về động vật có voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, gà lôi các loại…; về thực vật có huê mộc, lim, gụ lau, táu, lát hoa, bách xanh…; dưới tán rừng còn có các loài thực vật có giá trị kinh tế cao như song mây, trầm hương, các loại dược liệu quý như sâm Bố Chính, sâm bảy lá một hoa, sa nhân, giảo cổ lam, cỏ máu…
Sự đa dạng về sinh cảnh núi đá vôi, hang động, núi đất… là điều kiện lý tưởng cho 9/21 loài linh trưởng (chiếm 43% linh trưởng của Việt Nam) sinh sống phân bố ở Quảng Bình. Có 3 loài linh trưởng bị đe dọa nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) và vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys siki), trong số đó voọc Hà Tĩnh là loài đặc hữu hẹp chỉ tìm thấy ở vùng núi đá vôi ở VQG PN-KB và vùng lân cận.
|
Quảng Bình có 5 hệ thống sông chính, gồm các hệ thống sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ. Sông ngòi là mạch máu giao thông nối liền miền núi với đồng bằng, nông thôn và đô thị. Hệ thống sông suối tạo ra những lưu vực đa dạng sinh thái. Đặc biệt, tỉnh có 2 cửa sông lớn là cửa Gianh và cửa Nhật Lệ, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần mở rộng giao thương và hội nhập.
Quảng Bình có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm nước xanh biếc, những cồn cát trắng, những bờ đá với cảnh quan kỳ thú như bãi Đá Nhảy ở bên đèo Lý Hòa, huyện Bố Trạch. Thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, hình thành ngư trường rộng lớn, trữ lượng hải sản khoảng 99.000 tấn với 1.659 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang. Phía Bắc tỉnh, dưới chân đèo Ngang có vịnh nước sâu Hòn La cùng nhiều đảo nhỏ thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Hòn La đã được đầu tư xây dựng trở thành cảng biển nước sâu có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế.
Quảng Bình có nhiều khoáng sản quý như vàng, sắt, titan, đá vôi, cao lanh, thạch anh… Trong đó, đá vôi và cao lanh có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh có 3 mỏ nước suối khoáng, trong đó nổi bật là suối nước khoáng nóng Bang ở huyện Lệ Thủy có điểm nóng tới 105°C, đã được xây dựng thành Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang Onsen Spa & Resort.
2. Truyền thống văn hóa
Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, địa bàn Quảng Bình có vị trí rất đặc thù. Quảng Bình không những có lịch sử lâu đời mà còn là nơi tiềm chứa nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Đây là vùng đất có phong trào đấu tranh yêu nước, chống ngoại xâm rất kiên cường và anh dũng, đồng thời, cũng là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc đấu tranh xã hội gay gắt.
Đặc biệt, vùng đất Quảng Bình là khu vực có sự đan xen và tiếp biến văn hóa giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc, như văn hóa Việt Mường-Champa, Đông Sơn-Sa Huỳnh, Đàng Trong-Đàng Ngoài, Thăng Long-Phú Xuân… Chính những yếu tố đó đã tạo cho Quảng Bình có một sắc diện văn hóa riêng biệt.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hầu như thời nào, Quảng Bình cũng phải đứng ở vị trí tiền tiêu của đất nước như “một sứ mệnh thiêng liêng”. Và để đảm đương sứ mệnh lịch sử đó, nhân dân Quảng Bình đã anh dũng, kiên cường cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, để lại nhiều phong trào, nhiều danh nhân hào kiệt lưu truyền trong sử sách.
Kho tàng văn hóa, nhất là văn hóa dân gian Quảng Bình đa dạng, phong phú và độc đáo, bao gồm: Văn học dân gian, văn hóa-nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán…
Vùng quê nào ở Quảng Bình cũng có những sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc của quê hương, như: Hát đúm, hát sắc bùa, hò thuốc, lễ hội Rằm tháng 3 ở Minh Hóa; hát Kiều, hát nhà trò, hò nhân ngãi, hò hụi ở Quảng Trạch; múa bông, chèo cạn, lễ hội cầu mùa ở TP. Đồng Hới; hò khoan, hò giã gạo, vè, lý ở Lệ Thủy; lễ hội bài chòi, lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch); lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)…
Có thể khẳng định, điều kiện tự nhiên và xã hội đã góp phần xây đắp nên đời sống văn hóa tinh thần của con người Quảng Bình hết sức phong phú. Đây cũng chính là sức mạnh, là động lực giúp con người Quảng Bình vượt qua mọi biến cố thăng trầm của lịch sử, những khó khăn, thử thách luôn đặt ra trong mọi thời đại.
(Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
(Còn nữa)