(QBĐT) – Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp tỉnh đã có sự phát triển khởi sắc ở nhiều mặt. Nổi bật là tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 60,7% (năm 2003) lên 68,7% (cuối năm 2023), đứng thứ 2 cả nước; hơn 11 nghìn ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 65 triệu USD (năm 2023)… Để có được kết quả đáng ghi nhận này, những năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp, hướng đến sự bền vững, hiệu quả.
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Quảng Bình năm 2023, toàn tỉnh hiện có trên 469 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 121 nghìn ha rừng trồng. Số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm, kể từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh trồng được 30.335ha rừng trồng tập trung (trong đó trồng rừng sản xuất trên 28.982ha, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 1.353ha); khai thác rừng trồng ước đạt 34.933ha, sản lượng ước đạt 2,443 triệu m3 (số liệu dự kiến đến hết năm 2024)…
Với mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thời gian qua, ngành lâm nghiệp tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp liên quan đến công tác: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV-PTR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng (như: Trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán, khai thác rừng trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên); quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
|
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tích cực phối hợp để hoàn thành quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia làm cơ sở triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh; thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch, giải pháp phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đã phát huy được thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp của các địa phương trong công tác QLBV-PTR. Qua đó, từng bước xã hội hóa ngành lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững còn góp phần hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp hiệu quả; giảm nhanh số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lâm nghiệp cũng như diện tích rừng bị thiệt hại. Hiện nay, hầu hết các diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh đều được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt, góp phần giữ vững ổn định độ che phủ rừng; phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; tạo tiền đề phát triển tính đa dạng của hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng rừng trồng ngày càng được cải thiện đáng kể.
Bên cạnh những thành tích đạt được, thực trạng phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật tuy đã giảm dần qua các năm nhưng vẫn còn xảy ra ở một số nơi, một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Đến thời điển này, toàn tỉnh đã hoàn thành nghiệm thu, đưa vào quản lý 571,7ha rừng phòng hộ và 147.448ha rừng có phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt. Đặc biệt, hiện toàn tỉnh có hơn 11 nghìn ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC (trong đó năm 2024 là 4.502ha)… |
Việc huy động các nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện các chính sách, các thành phần kinh tế đầu tư vào QLBV-PTR, đặc biệt là rừng tự nhiên còn hạn chế, nên các địa phương, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong công tác QLBV-PTR, PCCCR. Giá trị gỗ rừng trồng chưa cao, chủ yếu là sản phẩm gỗ nhỏ, khai thác để phục vụ nguyên liệu dăm giấy. Diện tích rừng trồng gỗ lớn còn ít, chưa thực sự có chuyển biến mạnh mẽ. Công tác phát triển rừng sản xuất chưa thực sự đi theo hướng thâm canh, tăng năng suất và giá trị. Tình trạng trồng rừng quảng canh, không đúng kỹ thuật của các hộ gia đình, cá nhân vẫn còn xảy ra…
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Long chia sẻ, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ nhằm tiến hành đổi mới, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp về quản lý nhà nước, tổ chức thực thi pháp luật lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chi cục tăng cường tham mưu, chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV-PTR; tham mưu chỉ đạo thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 3646/QĐ-UBND, ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh và kế hoạch thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025…
Đặc biệt, chi cục luôn quan tâm tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và thực hiện có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững, như: Tập trung QLBV-PTR phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có một cách bền vững, hiệu quả; nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; chú trọng khai thác hiệu quả các loại hình dịch vụ như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tham gia thị trường tín chỉ carbon; phát triển rừng trồng sản xuất theo hướng thâm canh, quản lý rừng bền vững, chứng chỉ FSC sản phẩm gỗ rừng trồng; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ bền vững, hiệu quả; tiếp tục giữ ổn định độ che phủ rừng ở mức 68,7%; chú trọng làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, chủ động PCCCR, giữ vững an ninh rừng; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, số hóa trong công tác QLBV-PTR, PCCCR, theo dõi diễn biến rừng và các công tác chuyên môn…
Văn Minh
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/phat-trien-kinh-te-lam-nghiep-theo-huong-ben-vung-2221763/