(QBĐT) – Trong nhiều năm qua, chương trình quốc gia phòng, chống sốt rét tại Quảng Bình đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. 3 năm liên tục không có ca sốt rét nội địa, không có dịch sốt rét và 2/8 huyện, thị xã, thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Đây sẽ là cơ hội lớn để tỉnh phấn đấu tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2026.
3 năm liên tục không ghi nhận ca sốt rét nội địa
Cách đây hơn 3 năm, trung tuần tháng 3/2021, khi phát hiện một ca sốt rét nội địa tại bản Dốc Mây, xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã cử đoàn công tác đặc biệt phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh băng đèo, lội suối mang các thiết bị y tế, thuốc men vào tận bản sát biên giới Việt-Lào để giúp người dân phòng, chống sốt rét.
Cùng với việc khám sức khỏe, lấy lam máu xét nghiệm, phát thuốc phòng ngừa sốt rét, phun hóa chất diệt muỗi, cán bộ hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh để ngăn muỗi sinh sản, ngủ màn chống muỗi; cán bộ CDC tỉnh đã lấy thân mình “làm mồi” bắt muỗi về nghiên cứu để nhanh chóng tìm ra cách ngăn chặn sự gia tăng ca mắc bệnh sốt rét tại đây.
|
“Những con muỗi bắt được đưa về labo xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) để đánh giá tình hình véc-tơ truyền bệnh sốt rét tại vị trí xuất hiện muỗi và các khu vực lân cận. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong kìm hãm sự gia tăng ca mắc sốt rét mới. Việc nghiên cứu muỗi bắt được tại nơi phát hiện ca bệnh giúp ngành Y tế tỉnh có những đánh giá chính xác về tình hình sốt rét và khu vực có nguy cơ bùng phát sốt rét, kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Nhờ đó, bản Dốc Mây đã không phát sinh ổ dịch và không còn ca mắc sốt rét từ đó đến nay”, Phó Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng đoàn công tác đặc biệt ở Dốc Mây thời điểm đó nhớ lại.
Nhiều năm qua, miền Trung-Tây Nguyên luôn được xem là khu vực trọng điểm sốt rét của cả nước. Với vị trí địa lý có đường biên giới kéo dài tiếp giáp Lào và Campuchia cùng với sự có mặt của các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia và là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nghề nghiệp của họ đều liên quan nhiều đến rừng/rẫy… đây là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sốt rét tại khu vực.
Cả nước hiện có 46 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Trong đó, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có TP. Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt các tiêu chí về loại trừ sốt rét (năm 2019), tiếp theo là tỉnh Thừa Thiên-Huế (năm 2022) và các tỉnh còn lại trong khu vực đang phấn đấu hoàn thành loại trừ sốt rét theo lộ trình Bộ Y tế đề ra: Việt Nam loại trừ sốt rét vào năm 2030. |
Quảng Bình trước đây cũng là một trong những tỉnh trong khu vực có sốt rét lưu hành nặng, nhưng nhờ các biện pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả, đến nay, số ca mắc sốt rét đã giảm rất nhiều, không còn dịch sốt rét xảy ra và phạm vi lưu hành bệnh sốt rét cũng dần được thu hẹp. Đặc biệt, trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh ta đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phòng, chống và loại trừ sốt rét. Số ca mắc sốt rét giảm nhiều từ 609 ca năm 2015, đến năm 2021 chỉ còn 3 ca (1 ca sốt rét nội địa tại bản Dốc Mây và 2 ca sốt rét ngoại lai). Năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 6 ca sốt rét ngoại lai; năm 2023, tiếp tục ghi nhận 2 ca sốt rét ngoại lai về từ châu Phi và 9 tháng năm 2024, ghi nhận 1 ca sốt rét ngoại lai về từ Thái Lan.
Như vậy, hơn 3 năm liên tục (từ tháng 4/2021 đến nay), trên địa bàn tỉnh không phát hiện ổ dịch sốt rét, không có ca bệnh sốt rét nội địa. Cuối năm 2023, có 2 địa phương là TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn thành phố và toàn thị xã. Với những thành tựu đạt được cho thấy, Quảng Bình đang có cơ hội lớn để tiến tới loại trừ sốt rét trên toàn tỉnh vào năm 2026 (sớm hơn 5 năm so với lộ trình của Bộ Y tế đề ra).
|
Phấn đấu năm 2026, Quảng Bình công bố loại trừ sốt rét
Nhiều năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của ngành Y tế mà trực tiếp là đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch bệnh ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở đã góp phần rất lớn trong công cuộc phòng, chống và loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc giám sát dịch tễ sốt rét được triển khai chủ động và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở; tăng cường hoạt động của các điểm kính hiển vi kết hợp sử dụng test chẩn đoán nhanh nhằm hạn chế sốt rét ác tính và tử vong do sốt rét. Bên cạnh đó, công tác chẩn đoán, điều trị sốt rét cho người dân được chú trọng nâng cao chất lượng thông qua hoạt động phát hiện bệnh chủ động tại các thôn, bản và sử dụng thuốc sốt rét phối hợp có hiệu lực cao để điều trị bệnh nhân sốt rét…
Đặc biệt, với sự tài trợ của dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin giai đoạn 2021-2023” được triển khai tại 6 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa với 62 xã (có 507 thôn, bản) tham gia dự án. Nhờ đó, những địa phương nằm trong khu vực lưu hành sốt rét đã đạt được những mục tiêu nhất định: Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế; bảo vệ người dân trong vùng nguy cơ bằng các biện pháp phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét thích hợp; nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ sốt rét và bảo đảm năng lực đáp ứng dịch sốt rét; nâng cao kiến thức và hành vi của người dân nhằm chủ động bảo vệ bản thân trước bệnh sốt rét…
|
Theo thống kê, mỗi năm tỉnh có hơn 200.000 người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng hóa chất diệt muỗi; hơn 10.000 bệnh nhân được cấp thuốc dự phòng, điều trị sốt rét miễn phí. Tỉnh đặt ra mục tiêu: Tiếp tục đẩy lùi nguy cơ dịch sốt rét tại các khu vực trọng điểm, không để dịch sốt rét xảy ra; phấn đấu hạ tỷ lệ mắc cũng như tử vong do bệnh sốt rét trên địa bàn xuống dưới 0,10/1000 dân; nâng cao chất lượng phòng, chống sốt rét ở các tuyến, dần đạt các yếu tố bền vững trong phòng, chống sốt rét; triển khai các biện pháp đề phòng bệnh sốt rét quay trở lại ở các vùng đã loại trừ bệnh sốt rét… để đến năm 2026, Quảng Bình công bố loại trừ sốt rét trên toàn địa bàn.
Cần sự nỗ lực của cả cộng đồng
Theo Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp: Sốt rét là bệnh truyền nhiễm, do ký sinh trùng Plasmodium gây nên mà muỗi Anophen là vật chủ trung gian truyền bệnh. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có KSTSR hoặc do bị muỗi đốt. Mọi người đều có thể nhiễm sốt rét nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi, nơi có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ trở nặng và ác tính, khó điều trị, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ông Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh: Mặc dù tỉnh ta đã đạt được những thành công nhất định nhưng vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trên thực tế, bệnh sốt rét vẫn là mối nguy cơ tiềm ẩn và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Là địa phương nằm trong địa bàn trọng điểm sốt rét của cả nước, đặc biệt, huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy là khu vực trọng điểm sốt rét của tỉnh, nên nguy cơ sốt rét quay trở lại vẫn còn cao. Cùng nhiều vấn đề, như: KSTSR kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất cùng với mầm bệnh luôn có trong cộng đồng… là nguyên nhân gây lây lan sốt rét trong khu vực.
|
Bên cạnh đó, sự di biến động dân cư khó kiểm soát (dân di cư tự do, giao lưu biên giới, dân đi rừng, ngủ rẫy). Sinh thái môi trường tại các vùng sốt rét lưu hành luôn có nhiều biến động do yếu tố khí hậu, thời tiết; điều kiện kinh tế-xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; ngân sách địa phương dành cho công tác phòng, chống sốt rét gần như không có… là những nguyên nhân có thể làm gia tăng bệnh sốt rét.
Việc phòng, chống và loại trừ sốt rét có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sức khỏe của người dân, góp phần làm giảm gánh nặng bệnh tật, đặc biệt đối với các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, năm 2024, với chủ đề “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, ngành Y tế tỉnh kêu gọi các cấp, ngành và toàn thể người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về sốt rét và tích cực phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch sốt rét trong cộng đồng. Ngành Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương và người dân chủ quan, lơ là thì nguy cơ sốt rét quay trở lại sẽ rất lớn.
Hiện, chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt rét. Phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh bằng việc phun hóa chất, tẩm màn bằng hóa chất để diệt muỗi, ngủ màn, mặc áo dài tay, quần dài khi đi rừng, làm nương rẫy; vệ sinh nhà ở sạch sẽ, loại bỏ các vật dụng đọng nước, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà. Những người khi trở về từ vùng rừng núi hoặc vùng có sốt rét lưu hành nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, kịp thời phát hiện bệnh. |
Nội Hà
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202410/phan-dau-loai-tru-sot-ret-vao-nam-2026-2221999/