(QBĐT) – Ngày Thơ Việt Nam năm 2021, Chi hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Trạch-Ba Đồn tổ chức trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi thơ chủ đề “Tổ quốc và mẹ” do chi hội phát động. Tôi vinh dự được giao trách nhiệm lên trao giải cho các tác giả đoạt giải ba. Bên cạnh các giải cao được trao cho các nhà thơ Việt Nam nổi tiếng trong tỉnh thì Lê Chiêu Huân, một hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình mới kết nạp năm 2019 đoạt giải tư.
Lê Chiêu Huân (SN 1962) tại làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch (Bố Trạch), mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra các vị tướng tài, như: Lê Mô Khởi trong thời Cần Vương, Trung tướng Lê Văn Tri, người trực tiếp chỉ huy trận “Điện Biên Phủ trên không” đốt cháy canh bạc cuối cùng của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Nơi đây cũng đã sinh ra nhà thơ Lưu Trọng Lư nổi tiếng trong phong trào “Thơ mới”.
Sau tập thơ “Nắng” năm 2016, cuối năm 2023, Lê Chiêu Huân đã cho ra mắt tập thơ “Ôm cơn mưa”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành.
“Ôm cơn mưa” gồm 50 bài viết theo nhiều thể loại nhưng thành công nhất vẫn là thể thơ lục bát. Thơ lục bát chiếm 25 bài, đúng một nửa số bài trong tập “Ôm cơn mưa”. Những bài thơ của Lê Chiêu Huân hồn hậu, dung dị, mộc mạc, có phần chân chất nhưng không kém phần sắc sảo. Thơ anh mang nặng tình yêu quê hương, đất nước. Anh yêu từ mái rạ, bờ tre, từ tiếng ve gọi khản sầu trong đêm mùa hạ: Râm ran tấu nhạc dưới trời/Thương con ve cứ khản lời gọi nhau/Tiếng kêu lạc đến đêm thâu/Nghe như nức nở thẳm sâu đan cài (Gọi).
|
Anh yêu từ dòng kênh quê hương trên núi rừng Ba Trại chảy về cánh đồng Cao Lao Hạ. Anh thương dải đất miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh bão lũ và thiên tai: Miền Trung eo ruột cổ chày/Ai vò ai giã mà cay đắng lòng/Gió mưa phủ trắng tầng không/Cuốn trời cuốn đất trôi trong gió ngàn (Thương nhiều miền Trung). Anh thương cái giọng làng Cao Lao Hạ phát âm dấu ngã thành dấu nặng, những phương ngữ mà chỉ quê hương anh mới có: Mô tê răng rứa ạ nờ/Út eng the áo thẫn thờ théc mong/Chè xeng om ấm ngày đông/Đi đàng vơi khát khô hong bọ hè/Lấm bây bùn đất cẳng tề/Mo cau chằm cuốc đọt tre moọc chồi/Toóc rơm tơi lịp làng ơi/Nuôi tui to nậy vượt trời bạo giôông (Tiếng quê). Đó là tiếng mẹ đẻ đằm sâu trong anh từ thuở nhỏ.
Đất miền Trung gió Lào cát trắng, dù nghèo đói nhọc nhằn nhưng đã sinh ra những người con ưu tú của đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp người học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ, vị tướng huyền thoại đã làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu…: Đại tướng chưa bao giờ ngon giấc/Vòng tay ôm trọn tình đất nước/Cây cỏ hồi sinh đá đơm nụ tươi/Từng tấc đất biển trời, máu xương Tổ quốc (Canh giấc ngủ của Người). Đó là sự giao phối tượng trưng-siêu thực. Đại tướng về yên giấc ngàn thu ở Vũng Chùa-Đảo Yến, “cây cỏ hồi sinh” và đá cũng “đơm nụ tươi”.
Làng Cao Lao Hạ nằm về phía Nam bến phà Gianh. Trong cuộc chiến tranh phá hoại hầu như tuần nào máy bay B52 của Mỹ cũng đổ bom xuống núi rừng Ba Trại để hủy diệt bến mới, hòng ngăn chặn những đoàn xe ra chiến trường. Thế mà người mẹ của Lê Chiêu Huân vẫn tần tảo dưới mưa bom để nuôi con khôn lớn: Gánh gồng bao nỗi lâm ly/Áo bay theo gió trước khi nắng tàn/Sương giăng ướt đẫm đoạn tràng/Mẹ tôi năm tháng võ vàng nuôi con (Mẹ tôi). Người mẹ bên bến phà Gianh đã đóng góp trong việc hình thành, tạo dựng nhân cách của Lê Chiêu Huân sau này. Mẹ đã từng ao ước: Mong con như bố một thời/Áo xanh quân phục ra nơi chiến trường (Cánh võng).
Lê Chiêu Huân nhập ngũ năm 1982, giữa lúc cuộc chiến tranh biên giới ác liệt, anh cùng đồng đội giành giật từng chiến hào, từng cao điểm để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Anh được tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Ngày 4/10/1988, người sĩ quan trẻ làng Cao Lao Hạ đã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Chiến tranh biên giới kết thúc, anh trở về quê hương làm thủy thủ trên bến phà Gianh. Trong một lần cùng các văn nghệ sĩ Quảng Bình đến thăm hang Tám Thanh niên xung phong, anh có những câu thơ quặn thắt: Ai làm cho đá vỡ ra/Đá thành tội ác xót xa hại người/Đá mòn nước mắt tuôn rơi/Khóc hồn trinh nữ lặng nơi suối ngàn/Dòng người nhẹ bước lệ tràn/Thương từng tấc đất hòa tan máu đào (Hang Tám Cô). Thực ra tội ác đó không phải là đá mà chính là con người, đế quốc Mỹ, kẻ thù đến gây tội ác trên đất nước Việt Nam. Anh đã từng chứng kiến nhiều đồng đội đã ngã xuống trong các cuộc đấu pháo với địch trên biên giới nên anh rất thấu hiểu sự hy sinh vô bờ của các liệt sỹ trong cuộc chiến tranh giữ nước.
Dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, anh cũng hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong 22 năm làm công tác giao thông vận tải, anh đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tặng kỷ niệm chương “Vì đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam”. Khi về hưu, anh tiếp tục làm bảo vệ Quỹ tín dụng nhân dân xã Hạ Trạch một cách nhiệt tình. Anh say sưa ca ngợi những người đi xây dựng quỹ tín dụng ích nước lợi nhà: Hạ Trạch quê ta đó/Nơi nhân kiệt địa linh/Quỹ Tín dụng nghĩa tình/Mùa hoa thơm trái ngọt (Em đi làm tín dụng).
Mới bước vào làng văn, Lê Chiêu Huân ra sức làm mới thơ mình. Anh tìm tòi cách tân hình thức bằng những dòng thơ chỉ một chữ hoặc hai chữ. Nhà thơ Đỗ Thành Đồng khi viết lời tựa cho cuốn sách này đã nhận xét: “Đọc thơ anh, tôi thấy anh đã cố dụng làm mới mình. Rất ít trong số đó có các bài hay như “Hạt nắng mồ côi” hoặc “Ôm cơn mưa””.
Thật vậy, trong bài “Ôm cơn mưa” anh có những câu thơ xuất thần: Vô tình chạm vào cành nắng/Với tay cầm tiếng gà trưa/Thầm thì hương bưởi vườn xưa/Bồn chồn sương mai chim hót. Đọc đến đây tôi liên tưởng đến hai câu thơ của Trần Thị Thu Huề: Người về toóc rạ rơm khô/Cầm tay cầm phải câu thơ của mình (Người nhà quê).
Những câu thơ giàu chất liên tưởng. Tiếng gà trưa ta phải dùng đến tai mới nghe được, nhưng Lê Chiêu Huân đã nghe bằng tay, chuyển từ thính giác về xúc giác qua động từ “cầm”. Hay muốn cảm nhận được hương bưởi thì phải dùng mũi, cơ quan khứu giác nhưng anh chuyển đổi sang thính giác. Đó là sự chuyển đổi giác quan mà chỉ có thơ ca mới làm được.
Dù làm thơ chưa nhiều nhưng với niềm đam mê một cách hồn hậu, chân thành, chắc chắn Lê Chiêu Huân sẽ thành công trong sự nghiệp thi ca.
Hoàng Minh Đức