(QBĐT) – “Đơn giản, đơn giản, Ngon như ớt, bở rợt như khoai”…
Là câu nói đầu tiên của o khi đến nhà ai chữa bệnh hoặc đỡ đẻ, nó như trở thành thương hiệu gắn liền với cuộc đời o và người dân trong xã mỗi lần nhắc đến o.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ở cái làng quê Quảng Lộc, vùng Nam huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn) bốn bề sông nước, muốn đi đâu ra khỏi làng là phải lụy đò. Đò Phù Trịch thì nổi tiếng ai cũng biết rồi, mỗi lần đợi đò có khi mất cả buổi cày, “ăn cơm cho no, chờ đò Phú Trịch”. Hồi đó ai đau ốm, bệnh tật phải đi bệnh viện là nó kinh hoàng lắm, ồn ào lắm, râm ran cả làng ai cũng biết; bởi vậy, dù bệnh tật có nặng đến mấy người ta cũng chỉ nằm ở nhà cậy nhờ vào mấy o y tá của thôn. Đặc biệt là khâu sinh đẻ, cả làng cả xã không ai dám nghĩ đến chuyện sinh con ở bệnh viện, tất tần tật đều phó thác cho bà đỡ trong thôn.
|
Ngày đó ở quê, o Vượng như một vị cứu tinh của những bà mẹ bầu sắp sinh đẻ.Với dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, tóc dài đen nhánh cùng với khuôn mặt phúc hậu xinh xắn của một cô gái nông thôn, hai chân đi thoăn thoắt như không dính đất, từ đứa trẻ lên ba cho đến ông bà già trong xã không ai là không biết o.
Những năm 1972-1973, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, máy bay B52 gầm rú trên bầu trời suốt ngày đêm. Có hôm cả làng đang làm ngoài đồng, thì máy bay trinh sát của địch phát hiện có một chiếc tàu Hải quân ta tại Rào Đờng (một nhánh của sông Gianh thuộc thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc). Lập tức chúng huy động không quân đến bao vây, dội bom xuống tàu. Được lệnh báo động, bà con số thì chạy vào làng, số trốn xuống hầm trú ẩn nằm rải rác giữa đồng. Hôm đó có rất nhiều người bị thương, chỗ này kêu o Vượng, chỗ kia kêu o Vượng, đặc biệt hôm đó trâu bò trúng bom chết rất nhiều. Ban đêm không ai dám ngủ trong nhà, cả làng ai cũng trốn dưới hầm, ngủ dưới hầm, ăn cơm dưới hầm; ngoài đường chỉ có dân quân và bộ đội chủ lực. Lâu lâu lại nghe tiếng rít của động cơ máy bay Mỹ xen lẫn tiếng loa và tiếng kẻng báo động.
Chiến tranh khốc liệt là vậy, nhưng sinh đẻ thì vẫn đều đều mặc cho đạn nổ bom rền, mỗi cặp vợ chồng sòn sòn 7-8 đứa con là chuyện bình thường.
Thế là ở đâu cũng kêu o Vượng, sinh nở hay đau ốm gì cũng o Vượng; trên làng, dưới xóm, cả cái thôn Cồn Sẻ nằm giữa sông Gianh, bất kể là nửa ngày hay nửa đêm, gió mưa hay bão lụt, chấp cả máy bay Mỹ có ném bom hay không, phương tiện đi lại duy nhất vào thời điểm đó là “xe hăng cải” (đi bộ) với chiếc đèn chai xách trên tay (đèn được làm từ cái chai 750ml, cắt bỏ phần cổ chai, đổ dầu mazut vào khoảng 5cm, chế một cái bấc ngoi lên khỏi dầu, ngọn đèn được nằm sâu dưới đáy chai để tránh mưa gió khi xách đi ngoài đường, phía trên đèn che một cái nón rách nhằm che mưa và tránh máy bay Mỹ nhìn thấy). Ánh đèn dầu liu hiu trong màn đêm theo bước chân thoăn thoắt của o dưới làn bom đạn. Có vẻ như bom đạn Mỹ nó chừa o ra!
Sinh đẻ thời bấy giờ tất cả đều phụ thuộc vào kinh nghiệm và lòng nhiệt tình của bà đỡ, có nhiều trường hợp phải trực đến mấy ngày mấy đêm.
O kể chuyện hài, có trường hợp mẹ trẻ sinh con đầu lòng, chờ một ngày một đêm, sốt ruột quá, o cầm cái kẹo giơ giơ trước mặt thằng bé, bảo ra đây, ra đây o cho kẹo, mẹ trẻ bật cười, thằng cu cũng tòi ra luôn!
Một ca đẻ làm o nhớ mãi đó là trường hợp của chị H. xóm Rộc. Hôm đó là chiều 30 Tết, cả làng đang tất bật chuẩn bị mua sắm, quét dọn nhà cửa, soạn sửa bàn thờ cúng tổ tiên đón giao thừa, thì chị H. trở dạ, bố chị H. lật đật tìm đến nhà bà đỡ. Giao mọi công việc bếp núc lại cho chồng con, o tất tả cầm túi đồ nghề và cái ống nghe-“vũ khí bất ly thân” của các chị ngành Y lúc bấy giờ, với hy vọng nhanh nhanh để về kịp còn đón giao thừa. Trời tối dần, rồi mười giờ, mười một giờ đêm và giao thừa đến lúc nào o không biết, cả ngày mồng một Tết o cũng không thể về nhà (mặc dù cách nhà một quãng ngắn). Ông bà nội ngoại thì lo lắng, đọc kinh cầu nguyện, thắp hương vái lạy tứ phương, đêm ba mươi Tết rồi đêm mồng một Tết trôi qua, cả hai gia đình nội ngoại cuống quýt chạy ngược chạy xuôi, mẹ trẻ thì đã đuối sức gần như buông tay, tất cả chỉ trông chờ vào tài năng của bà đỡ và sự che chở của trời đất, thần linh.
Cuối cùng, đến 9 giờ sáng mồng hai Tết, đứa trẻ mới chịu chui ra khỏi bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời giữa tiếng vỡ oà của cả nhà. Nhận đứa cháu kháu khỉnh, khôi ngô từ tay bà đỡ, ông ngoại sung sướng đặt ngay tên cho cháu là thằng cu Lỳ!
Thời đó làm bà đỡ không lấy tiền công, nên nhà o những ngày Tết đông vui như hội, phụ nữ cả làng ai cũng đến để cảm ơn o, ở quê gọi là Tết Mụ bà. Tết Mụ bà vừa trả ơn nhưng vừa để cho con mình mau lớn khỏe mạnh chăm ngoan, quà Tết thì cũng chẳng có gì ngoài mấy lon gạo, chục bánh tráng hoặc một cái chân giò. Thường thì o không nhận, đẩy qua đẩy về một lúc, khách không chịu chủ, chủ không chịu khách, cuối cùng thì chia đôi. Nhận quà của bà con xong o cũng đi phân chia lại bà con, những người còn thiếu thốn trong thôn.
Có lẽ để kể về những tình cảm yêu thương xen lẫn trách nhiệm mà o dành cho bà con, cho người bệnh, cho những mẹ bầu sinh nở trong thời kỳ đó thì không sách vở nào viết hết. Câu cửa miệng của o “ngon như ớt, bở rợt như khoai” đã trở thành giai thoại của cả làng. Nói không ngoa, cái lứa tuổi từ cuối 6X trở lên cho đến 9X trong xã khó đứa nào “thoát” khỏi bàn tay huyền thoại của o Vượng!
Năm nay o gần 80 tuổi, có lẽ tất cả sức mạnh, nghị lực của mình o đã dành hết cho tuổi thanh xuân, để đến bây giờ o không còn sức để đi. Nhưng hình ảnh của o, giọng nói, nụ cười và tình cảm của o đối với bà con vùng quê, cũng như tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của tất cả bà con dành cho o thì không bao giờ phai nhạt…
Toản Quốc Nguyên
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/o-vuong-2222416/