(QBĐT) – Nghe tôi hỏi, dùng danh từ này có sao không? Chị trả lời rất tự tin, có sao đâu, chỉ là cách gọi thôi mà, trong vốn từ giao tiếp hàng ngày, tiếng Việt mình vay mượn nhiều từ nước ngoài đấy chứ! Tôi yên tâm, nhưng dù sao cũng đóng kép lại khi mà “nó” chưa hoàn toàn được Việt hóa.
Năm 2004, gia cảnh khó khăn, chị đăng ký xin đi Đài Loan giúp việc nhà. Sau hai tháng học tiếng Đài ở TP. Hồ Chí Minh, chị “không dám” về phép như người khác mà chờ ngày “bay” sang Đài Loan. “Tôi ngại, về thăm nhà rồi không muốn đi nữa. Quê tôi đang đẹp lên, nhà tôi cũng rất ấm êm, chỉ thiếu tiền cho con ăn học”- chị tâm sự. Năm ấy, tái lập tỉnh được 15 năm, thị trấn Quán Hàu quê chị đang “đẹp lên” từng ngày.
Sang Đài, may, chị gặp được gia đình tử tế, công việc không nhẹ nhàng lắm nhưng với bản tính siêng năng, đảm đang, chị hoàn thành không mấy vất vả. Còn thời gian, chị tranh thủ học thêm tiếng Đài để tiện giao tiếp. Chị kể, lạ, tự dưng tôi phát hiện mình có năng khiếu ngoại ngữ. Chữ Đài cũng giống chữ Trung (Đại lục) nhưng tiếng Đài cơ bản khác. Tôi không học chữ vì khó lắm mà làm gì có thời gian, chỉ học tiếng thôi. Vậy là, chỉ hơn một năm, cơ bản tôi giao tiếp được khá bình thường. Sang năm thứ hai, nỗi nhớ nhà nhớ chồng con, nhớ quê hương bắt đầu dày vò. “Lúc rỗi, tôi đọc báo tiếng Việt ở hải ngoại và bỗng nghĩ, tại sao mình không viết báo. Viết để giới thiệu quê hương mình với cộng đồng người Việt ở xứ Đài, để chia sẻ nỗi lòng và giao lưu với người bản địa”.
|
Khi sang Đài, chị đã 40 tuổi, đã hiểu khá kĩ vùng văn hóa quê hương hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. “Tôi biết, “văn phổ thông” và “văn báo chí” có khoảng cách. Hồi học phổ thông tôi học văn cũng khá nhưng vì hoàn cảnh gia đình tôi nghỉ học sớm, giúp ba mẹ để cho các em tôi học lên cao. Vậy mà sau một hai lần mày mò viết, gửi, bài của tôi được đăng. Lần đầu tiên cầm tờ báo có bài viết và tên mình ở dưới cùng một khoản nhuận bút, tôi vui quá. Tiếc là, ở Đài lâu và viết cũng nhiều nên tôi chủ quan đã không giữ được tờ báo có đăng bài đầu tiên ấy”.
Chị kể, hồi học phổ thông cũng đã đọc và ngấm bài thơ “Tiếng Việt’ của nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ nên khi thấy chữ Việt mình trên tiêu đề bên cạnh chữ Trung, thấy tự hào và xúc động. Thời gian trôi đi, việc viết báo cũng làm chị tự tin hơn với chủ nhà và thêm quan hệ thân thiết với cộng đồng người Việt. Chị kết nối thân mật hơn với chị em ở các tỉnh bạn. Sau này, nhờ viết báo nhiều mà trong giao dịch với chính quyền bản địa chị có nhiều thuận lợi và còn giúp được chị em khác.
Kể vậy rồi chị cho tôi xem một số tờ báo mà chị nói “vơ vội” nhét vào hành lý mang về nhà kỷ niệm. Lướt qua các tiêu đề, dễ dàng biết tình yêu và nỗi lòng người làm ăn xa xứ vọng về quê: “Quảng Bình trong câu hát”, “Quê hương trong nỗi nhớ”, “Về Quảng Bình cùng em”, “Sông quê”: “Quê tôi ở một thị trấn nhỏ miền Trung có dòng sông hiền hòa năm tháng chở ráng chiều về biển. Nơi đó, ngày xưa có bến phà tấp nập người và hàng hóa qua lại ngày đêm” …
“Giờ đây, được sống và làm việc giữa Đài Loan xa hoa tráng lệ nhưng tôi không khỏi bồi hồi mỗi khi nhớ về quê hương. Tôi rất tự hào vì mình được sinh ra từ nơi ấy và được nuôi dưỡng bởi dòng sông quê để khôn lớn, trưởng thành. Nhật Lệ ơi, hẹn gặp một ngày không xa”. Đọc đoạn “văn báo” trên đây của một “Ôsin” người Việt ở hải ngoại, hẳn mọi người sẽ giật mình vì câu văn viết về Nhật Lệ nghe như thơ “… dòng sông hiền hòa năm tháng chở ráng chiều về biển”. Phải chăng, khi người ta đi xa một khoảng không gian, thời gian cần và đủ, giữa nỗi nhớ khắc khoải, quê hương trong ký ức sẽ hiện lên với đường nét và màu sắc được thăng hoa nhiều chất lãng mạn hơn đời thường?
|
Tò mò một chút, tôi hỏi, vậy nhuận bút khá không?. “Cũng không nhiều đâu, chừng hơn một trăm “khoai” (tiền Đài), tức là khoảng vài ba trăm tiền mình, nhưng chắc chắn tôi viết báo không phải mục đích kiếm tiền”. Lại hỏi, vậy, vốn tiếng Đài chị học được về nước hơi lãng phí?. Chị kể, về nước đã được hơn 10 năm. Có chút vốn, chị mua một vị trí kinh doanh nhỏ ở chợ Quán Hàu.
Cách nay vài năm, đang ngồi bán hàng, chợt có đoàn khách người Trung Quốc vào chợ. Họ giao dịch với bà con mình bằng “ngôn ngữ cử chỉ” nhưng nói với nhau bằng tiếng Đài. Khi họ tiếp cận quán của chị vừa hỏi vừa “vung chân vung tay”, chị buột miệng “Đi coong sà mi?” (Ông nói cái gì?). Người khách thích thú hỏi lại “Di è heo koong tài ghi bổ?” (Bạn có biết tiếng Đài không?). Chị: “Goa chai chỉn su a là.” (Tôi biết một ít). Vậy là họ reo lên, nhờ chị làm phiên dịch dẫn đi mua hàng quanh chợ. Nghe vậy, tôi khuyên, hay chị đăng ký với Sở Du lịch để khi nào có đoàn khách Đài Loan sang thì gọi chị đi phiên dịch?! Chị cười không nói gì. Khu vườn nhà chị ở ngoại ô thị trấn Quán Hàu xum xuê rau xanh, con gà, buồng chuối. Các cháu nội ngoại còn tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đang chờ chị làm “Ô sin cao cấp”, chắc cũng không còn nhiều thời gian rỗi…
Những người lao động bình thường dù bất kì ở đâu, hoàn cảnh nào cũng có thể tỏa sáng ở một chiều kích nào đấy để làm đẹp cho chính mình, cho quê hương và đất nước mình trong mắt bạn bè bốn phương.
Chị là Phạm Thùy Dung.
Nguyễn Thế Tường
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/o-sin-viet-bao-hai-ngoai-2223928/