(QBĐT) – Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các địa phương vùng dự án trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT), tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KT-XH. Nhờ đó, diện mạo vùng bãi ngang, ven biển của tỉnh ngày càng khởi sắc.
Diện mạo khởi sắc
Là 1 trong 4 địa phương trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, từ năm 2022 đến nay, xã Liên Trạch (Bố Trạch) được hỗ trợ 15 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình hạ tầng gồm đường giao thông, trường học và các thiết chế văn hóa. Tận dụng nguồn vốn được hỗ trợ, địa phương đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, trong đó, công trình có tổng mức đầu tư lớn nhất là nhà lớp học và các phòng chức năng Trường mầm non Liên Trạch (tổng mức đầu tư 4,1 tỷ đồng).
Theo Chủ tịch UBND xã Đinh Xuân Chinh, nguồn vốn từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững không chỉ góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo địa phương mà còn giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện tại, cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn xã đều bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo với 100% phòng học kiên cố của nhà trẻ, lớp mẫu giáo; 48% hộ gia đình tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt, 90% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% đường trục xã, liên xã, trục thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, cứng hóa; 75% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ là 9,96%, đến cuối kỳ giảm xuống chỉ còn 2,91%…
|
Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình có 4 xã, gồm: Liên Trạch, Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) và Phù Hóa (nay là xã Phù Cảnh, Quảng Trạch). Đây là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển năm 2016, đời sống của nhân dân khó khăn, cơ bản thiếu hụt về tiêu chí CSHT…
Cũng giống như Liên Trạch, 3 xã còn lại được hưởng lợi từ dự án đã khai thác hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ để đầu tư nâng cấp, cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo sức bật cho công tác giảm nghèo ở địa phương. Các xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân trong việc nỗ lực thực hiện dự án.
Việc xây dựng các công trình từ nguồn hỗ trợ của dự án tại các xã nói trên bảo đảm về chất lượng, phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Các xã được giao làm chủ đầu tư đã sử dụng tốt nguồn vốn của chương trình để xây dựng CSHT thiết yếu theo đúng quy định, công tác thẩm định, phê duyệt, phân bổ, quản lý nguồn vốn bảo đảm.
Nhờ vậy, CSHT ở các xã được đầu tư xây dựng đồng bộ hơn, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương. Những con đường cứng cáp, những khu chợ kiên cố, hệ thống kênh mương nội đồng và cả những trường học khang trang… được đầu tư xây dựng đã và đang làm thay đổi đời sống của người dân vùng bãi ngang, ven biển…
Còn lắm khó khăn
Công tác giảm nghèo ở các xã bãi ngang, ven biển thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ các chính sách hỗ trợ đặc thù đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, nhưng sự chuyển biến ấy chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Mặc dù được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư đáng kể, song CSHT thiết yếu của các địa phương vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Các xã vẫn còn thiếu nhiều công trình thiết yếu phục vụ dân sinh, như: Xã Ngư Thủy vẫn còn đến 8/9 công trình CSHT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh chưa đạt, bao gồm: Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế chỉ đạt dưới 20% (chưa có trạm cấp nước tập trung); tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt dưới 94%; chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao đạt chuẩn; tỷ lệ phòng học kiên cố của nhà trẻ, lớp mẫu giáo chỉ đạt 60%…
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đầu tư 73.053 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng 43 công trình (23 công trình đầu tư khởi công mới, 14 công trình đầu tư chuyển tiếp); trong đó có 30 công trình giao thông, 7 công trình giáo dục, 2 công trình thủy lợi, 1 công trình nhà văn hóa, 6 công trình được duy tu bảo dưỡng… trên địa bàn 4 xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển. |
Xã Ngư Thủy Bắc còn 4/9 công trình CSHT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh chưa đạt, bao gồm: Cơ sở vật chất của 2 trường mầm non, tiểu học chưa đạt mức 2 chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo; chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao đạt chuẩn; tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt theo quy định là 0% (100% hộ gia đình vẫn sử dụng nước giếng khoan); các đường trục chính nội đồng vẫn chưa được cứng hóa…
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hồ Tân Cảnh, nguyên nhân của thực trạng này là do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, CSHT kém; việc triển khai các chính sách và mục tiêu giảm nghèo của một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo; một bộ phận người nghèo thiếu kiến thức sản xuất, kinh nghiệm làm ăn; công tác tổ chức huy động, vận động nguồn lực có nơi, có lúc còn nặng về hành chính, hiệu quả vận động chưa cao, chưa thu hút được nhiều nguồn tài trợ, giúp đỡ của doanh nghiệp và sự tham gia, đóng góp tích cực của nhân dân cho công cuộc giảm nghèo.
Để câu chuyện giảm nghèo tại các xã ven biển đạt hiệu quả cao, thời gian tới, thiết nghĩ, bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực được hỗ trợ thì việc phát huy nội lực trong nhân dân cần chú trọng hơn nữa. Bởi đây chính là tiền đề góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển…
Tâm An
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202412/no-luc-giam-ngheo-o-cac-xa-kho-khan-ven-bien-2223126/