|
“Mẹ” của những em bé trong lồng ấp
Trò chuyện cùng bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) ngay tại đơn nguyên Hồi sức tích cực-Chống độc nhi-Sơ sinh khi chị vừa kết thúc theo dõi quá trình bơm thuốc cho trường hợp bé sinh non, nặng hơn 800 gam mới được đưa vào phòng hồi sức tích cực. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài và ánh nhìn đầy hy vọng hướng vào trong của người nhà trẻ sơ sinh cùng những bước chân hối hả của các y bác sĩ trong phòng bệnh, chúng tôi mới cảm nhận hết sự khốc liệt của cuộc chiến níu giữ những sinh linh bé nhỏ đang trên lằn ranh sinh tử. Khi xúc cảm chỉ chực chờ trào ra, bác sĩ Hân nhẹ nhàng đưa tôi trở lại cuộc trò chuyện. Chị bảo: “Đây là công việc thường ngày của chúng tôi”.
Khoa Nhi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả các bệnh nhân nhi từ khi mới lọt lòng đến 16 tuổi. Nhưng có lẽ cuộc chiến giành giật sự sống cho những em bé sinh non là khốc liệt nhất và cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất cho đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Họ đã có lúc vỡ òa niềm vui khi các bé cứng cáp được trao vào vòng tay mẹ và rồi cũng có những giây phút thật khó khăn, khi phải ngậm ngùi buông tay những thiên thần quá bé nhỏ rời xa cõi tạm.
|
Bước ngoặt lớn nhất là từ năm 2018, khi khoa được thành lập đơn nguyên Hồi sức tích cực-Chống độc nhi-Sơ sinh. Với máy móc, trang thiết bị hiện đại cùng nguồn nhân lực được bổ sung và đào tạo bài bản, khoa đã tự tin làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong hồi sức tích cực sơ sinh. Đặc biệt, bác sĩ cùng điều dưỡng của khoa đã làm chủ được đường truyền tĩnh mạch trung tâm cho trẻ đẻ non, bao gồm cả các thủ thuật rất khó như đặt longline, đặt catheter tĩnh mạch rốn. Đây là một thành tựu trong điều trị, giúp hồi sinh sự sống cho những em bé sinh non có cân nặng rất thấp.
Không cần lật giở bệnh án, bác sĩ Hân vẫn nhớ như in từng trường hợp sinh non được điều trị tại đây bởi mỗi cháu là một câu chuyện gian nan. Đó là cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm quê Lệ Thủy. Khi được sinh ra, 1 bé nặng 730 gam, bé còn lại chỉ nặng 670 gam. Nhưng 2 chiến binh tý hon đã kiên cường cùng “mẹ” Hân và các cô dì chú bác trong khoa chiến đấu hơn 3 tháng ròng rã và đã chiến thắng tất cả bệnh tật ở tình trạng rất nặng.
Nay 2 bé đã hơn 2 tuổi, phát triển tốt, nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Hay trường hợp của 1 bé trai ở Bố Trạch nặng 1,2kg. Khi sinh ra, bé đã ngừng tim trong 30 phút, các y bác sĩ chạy đua với thời gian hồi sinh sự sống cho bé. Trong quá trình điều trị, bé bị rất nhiều biến chứng quá nặng, có lúc tưởng chừng phải buông tay. Nhưng sau hơn 1 tháng kiên trì của các thầy thuốc Khoa Nhi và Khoa Ngoại, bé đã hồi sinh thần kỳ, xuất viện trong niềm vui sướng vỡ òa của gia đình.
Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH Nguyễn Đức Cường không khỏi tự hào khi nói về cán bộ của mình: Là bác sĩ nội trú chuyên khoa nhi và CKII sơ sinh, nhiều năm qua, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân là “đầu tàu” dẫn dắt Khoa Nhi đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhi. Đặc biệt, với trẻ sinh non, bằng chuyên môn sâu, kỹ thuật cao, sự kiên trì và trái tim nhân hậu, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân như “người mẹ” thứ hai hồi sinh những em bé tý hon, mang lại niềm vui và tin tưởng của bao gia đình đối với bệnh viện. |
Bệnh viện HNVN-CBĐH là bệnh viện đa khoa nên có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các khoa phòng, đặc biệt là giữa Khoa Nhi và Khoa Sản. Khi nhận cuộc gọi từ Khoa Sản, bất kể thời gian nào, ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Nhi cùng đón bé ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Bác sĩ Hân kể: “Một lần nhận cuộc gọi lúc 5 giờ sáng từ Khoa Sản mời kíp nhi vào phòng mổ đón bé sinh non sa tay, nhận thấy tình trạng khẩn cấp, kíp trực chạy như bay vào phòng mổ trước cả khi sản phụ được rạch da. Những giây phút căng thẳng chờ đợi khi bác sĩ sản cố hết sức để đưa em bé ra ngoài. Rốn quấn chặt 4 vòng, bác sĩ sản vừa gỡ vừa nín thở… Một cơ thể mềm nhũn, tím tái, không còn dấu hiệu của sự sống. Tập trung cao độ và mọi thao tác đã được chúng tôi thực hiện chính xác đến từng giây. Cuối cùng hạnh phúc cũng vỡ òa khi nghe tiếng khóc đầu tiên của bé. Những trận chiến như thế này vẫn diễn ra hàng ngày và những người thầy thuốc chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận với tinh thần khẩn trương nhất. Nhờ vậy, trong vòng 10 năm trở lại đây, Khoa Nhi đã điều trị và nuôi dưỡng thành công hơn 200 trẻ sinh non, mang lại niềm tin và hy vọng cho nhiều gia đình”.
Vui buồn cùng bệnh nhân HIV/AIDS
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình (CDCQB) đang quản lý và điều trị 352 bệnh nhân HIV trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng trong năm 2023, đã sàng lọc phát hiện 20 trường hợp HIV dương tính, cao hơn 4 trường hợp so với năm 2022. Bệnh nhân HIV được phát hiện ngày càng trẻ hóa.
Bác sĩ Dương Thị Bé, Phó trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, CDCQB cho biết, hoạt động điều trị ARV rất quan trọng cho sức khỏe bệnh nhân và công tác phòng, chống HIV/AIDS. ARV là thuốc kháng HIV ức chế sự nhân lên của vi rút, duy trì nồng độ vi rút trong máu ở mức thấp nhất có thể. Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV vẫn khỏe mạnh, lao động, học tập, có gia đình hạnh phúc…
|
Là bác sĩ nữ duy nhất đồng hành cùng những bệnh nhân HIV hơn 10 năm qua, ngoài việc tư vấn điều trị bệnh, bác sĩ Bé còn là người bạn, người chị, người em tin cậy để các bệnh nhân giãi bày tâm sự, giúp họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, nhất là những bệnh nhân đến tuổi dậy thì thay đổi tâm sinh lý. Khi nhận được sự sẻ chia, quan tâm tận tình từ bác sĩ, những bệnh nhân HIV có thêm động lực điều trị lâu dài. Dần dần, họ xem bác sĩ như người thân, trao gửi mọi tâm tư, tình cảm trong cuộc sống. Từ những người hoang mang, tuyệt vọng khi được bác sĩ Bé tư vấn điều trị, nhiều bệnh nhân HIV dần cải thiện sức khỏe, tham gia lao động, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Hay những lần bệnh nhân HIV/nghiện ma túy điều trị Methadone chống đối, bỏ điều trị, dọa dẫm…, bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng thuyết phục của bác sĩ Bé và đồng nghiệp, các bệnh nhân lại hợp tác và tích cực điều trị. “Đồng hành cùng bệnh nhân HIV trong thời gian dài, nghe họ tâm sự, sẻ chia chuyện buồn vui, chúng tôi không còn thấy khoảng cách mà chỉ nghĩ họ là những người chị, người anh, người em đang gặp khó khăn, tuyệt vọng trong cuộc sống cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn. Nhìn thấy bệnh nhân tìm lại được sức khỏe và niềm vui sống khiến chúng tôi càng nỗ lực nhiều hơn”, bác sĩ Bé chia sẻ.
Theo bác sĩ Bé, hiện nay, thuốc điều trị kháng vi rút HIV được cung cấp đầy đủ cho bệnh nhân. Khi được điều trị liên tục, bệnh nhân sống khỏe mạnh bình thường. Ở Quảng Bình, bệnh nhân HIV đa số đã và đang duy trì điều trị phác đồ bậc 1, chỉ có một số ít chuyển sang điều trị phác đồ bậc 2. Khi tải lượng vi rút thấp đạt dưới ngưỡng ức chế thì độ lây nhiễm cũng rất thấp. Có một số chị em thổ lộ mong muốn có con khi thấy sức khỏe bình thường, được bác sĩ Bé hỗ trợ tư vấn điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Đặc biệt, bác sĩ Bé và đồng nghiệp luôn theo sát và trực tiếp có mặt khi thai phụ sinh nở tại bệnh viện để cho bé uống thuốc dự phòng khi vừa lọt lòng mẹ. Nhờ tuân thủ liệu trình điều trị, một số trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV nhưng em bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là sự kỳ thị, khiến bệnh nhân HIV tự ti, mặc cảm, không dám bước ra hòa nhập cộng đồng. “Còn rất nhiều những mảnh đời, những câu chuyện của bệnh nhân HIV đang gặp khó khăn, rất cần sự quan tâm, sẻ chia bằng các chính sách hỗ trợ xã hội, như: Đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống, vượt lên mặc cảm sống một cuộc đời có ý nghĩa… và quan trọng hơn là sẽ góp phần giảm tỷ lệ người mắc HIV/AIDS”, bác sĩ Bé mong mỏi.
Kiên trì “bước vào thế giới người bệnh tâm thần”
|
Bệnh tâm thần là do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, tư duy, hành vi, tác phong, tình cảm…, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tại Quảng Bình, thời gian gần đây, bệnh tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều bệnh nhân khởi phát bệnh sớm trong độ tuổi từ 20-30; nhiều trường hợp không được quản lý điều trị dẫn đến tình trạng bệnh nặng, khi được đưa đến cơ sở y tế đã ở giai đoạn sa sút, hành vi manh động, nguy hiểm khó lường.
Đã quá quen với hình ảnh bệnh nhân trong tình trạng đầu bù tóc rối, áo quần bốc mùi, tâm trí kích động…, cán bộ y tế luôn đối mặt với nguy cơ bị thương tích. Nhưng biến nỗi sợ thành tình thương cảm với những phận đời không may mắn ấy, bác sĩ Hạnh đã nhẹ nhàng và kiên trì thuyết phục bệnh nhân điều trị đúng phác đồ. Ngoài những bệnh nhân được đưa đến phòng khám, nhiều trường hợp khó bác sĩ Hạnh cùng đồng nghiệp phải đến tận nhà để hỗ trợ, bởi những bệnh nhân này thường có hành vi hung hãn, bất hợp tác, gia đình không thể đưa đi khám và điều trị.
Không thể nhớ hết đã hỗ trợ bao nhiêu gia đình có người bệnh tâm thần trong ngần ấy năm gắn bó với nghề, nhưng từng trường hợp bệnh nhân, mức độ điều trị thì bác sĩ Hạnh lại rõ mồn một. Bác sĩ Hạnh kể: “Dạo trước, một người cha ngoài 70 tuổi dẫn theo 1 thanh niên ngoài 30 tuổi, vượt hơn 400km từ 1 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế ra Quảng Bình để được gặp bác sĩ chữa bệnh cho con. Dù đã uống thuốc và điều trị ở bệnh viện về nhưng bệnh nhân vẫn không ngủ được, tinh thần hoảng loạn. Sau hơn 1 giờ trò chuyện cùng bệnh nhân và tư vấn điều trị, 2 cha con ra về. Nhìn theo bóng dáng họ rời đi, tiếp tục hành trình quay trở về Huế trong đêm mà lòng chúng tôi nặng trĩu. Ngày hôm sau, nhận được cuộc gọi của người cha. Ông nói rằng con trai đã đỡ nhiều. Chỉ vậy thôi mà người làm nghề như chúng tôi thấy thật ấm lòng”.
Tốt nghiệp bác sĩ CKI chuyên ngành tâm thần, bác sĩ Hạnh đã từng khám, điều trị cho biết bao nhiêu bệnh nhân, giúp cho bao nhiêu người ổn định tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi bệnh nhân là mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh. 20 năm trong nghề, điều chị mong muốn nhất là chuyên ngành tâm thần cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Còn nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần rất đáng thương, cần đến sự chung tay góp sức, giúp đỡ của cộng đồng. “Nếu gia đình nào có người bị bệnh tâm thần trong tình trạng chống đối, không biết làm cách nào để đưa đi khám thì hãy liên hệ với CDCQB để được tư vấn hỗ trợ hoặc gọi trực tiếp cho tôi bất cứ lúc nào: 0912130177”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Giám đốc CDCQB Đỗ Quốc Tiệp khẳng định: Các bác sĩ Hoàng Thị Hạnh, Dương Thị Bé là một trong số ít nữ bác sĩ của CDCQB đảm nhận công việc ở các chuyên khoa đặc biệt (tâm thần và HIV/AIDS). Họ không ngại khó, ngại khổ và cả nguy cơ rủi ro luôn thường trực, tận tâm với nghề, yêu thương, sẻ chia với bệnh nhân như người nhà, tạo được niềm tin cho bệnh nhân yên tâm chữa bệnh lâu dài. Dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào các nữ bác sĩ cũng chưa bao giờ sao nhãng công việc, luôn hết lòng vì người bệnh, sẵn sàng lên đường khi bệnh nhân cần hỗ trợ. Họ là những tấm gương sáng, là người truyền cảm hứng để mỗi cán bộ, viên chức và người lao động CDCQB nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
|
Nội Hà