(QBĐT) – 1.Quê tôi ở một vùng châu thổ đất tương đối cao, lại có con sông nhỏ chảy ngang như cái “mương tiêu” dẫn nước thừa ra biển. Vậy nên suốt thời ấu thơ hầu như tôi chưa lúc nào biết mùi lụt lội. Không biết nên hiếu kỳ: Cứ đến mùa mưa nghe các vùng khác lụt cũng mong cho vùng mình… lụt một trận xem sao?
Miền Trung tháng mười, tháng mười một hay mưa dầm lê thê, đi học đội mưa rất thích. Càng thích hơn nếu nước duềnh lên ngập đường để phải xắn quần bì bõm lội. Liên tiếp vài ngày mưa to, cánh đồng làng không rút nước kịp, nước sẽ dâng chìm cuống rạ thành một biển trắng mênh mông nhìn rất nên thơ. Ấy là chỗ bày trò chơi lý tưởng cho lũ trẻ chúng tôi sau những buổi tan trường. Thả thuyền giấy, thuyền mo; chặt chuối đóng bè leo chống đi chơi… Nước không sâu nên cái bè nặng di chuyển cứ chốc chốc lại… mắc cạn, cả đám phải leo xuống đẩy. Đương nhiên không nói ra nhưng đứa nào cũng thầm ao ước: Mong sao trời lụt… to to chút, đồng ngập nước sâu để cái bè chuối di chuyển được dễ dàng. Tưởng tượng cảnh cả bọn đứng hiên ngang trên bè, vung sào chống để bè trôi phăng phăng đứa nào cũng khoái…
|
2. Năm ấy lần đầu tiên quê tôi biết mùi lụt. Nghe nói do triều cường, sóng đánh cát vào bồi lấp cửa sông. Nước sông không lối thoát tràn lên đồng. Nước đồng tràn vào ngõ, vào sân, leo luôn vô nhà luôn trong đêm. Một đêm thức trắng, hì hục dọn, kê, khiêng vác đồ đạc, lúa má lên cao để chạy lụt. Khiêng xong, cả nhà xúm xít ngồi xổm trên giường, lom lom canh chừng mức nước dâng dưới ánh đèn dầu leo lét. Còn may, năm ấy nước chỉ vào nhà dâng cao chừng 3 tấc rồi rút nhưng hậu quả nó để lại cũng đủ cho cả nhà hùng hục lo dọn dẹp, dội rửa mất mấy ngày, mệt phờ! Đã vậy, tôi còn bị mẹ trêu: Biết mùi lụt chưa; còn ước nữa không con? Hết rồi ạ, tôi đáp, mặt ỉu xìu… Vậy nhưng đó mới là cuộc “thử lửa” đầu tiên; cho những người dân quê tôi có khái niệm thế nào là lụt.
3. Phải tới hơn mười năm sau, vùng quê tôi mới thật sự biết mùi một trận lụt lớn. Lần này nguyên do không phải cát lấp cửa sông mà do hồ thủy điện thượng nguồn xả lũ. Nước vào nhà, lên nhanh không thể tưởng, nhanh chóng cắt đứt mọi tuyến đường “di tản”. Đồ đạc không kịp dọn. Cả gia đình gồm người già em bé chỉ đủ thời gian rút nhanh lên chiếc rầm (gác) bằng đất sét nện sát mái nhà. Vài con vật nuôi nhỏ may mắn thoát kịp cũng được mang lên theo.
Trên cao nhìn xuống, chứng kiến cảnh mặt đất xanh tươi từng là chốn bình yên giờ hóa mênh mông biển nước, mắt những con vật lạc thần vì kinh hãi. Sợ đến mức chủ ngồi đâu con vật lẽo đẽo theo đó, rất thương…Tạm sắp xếp xong cho cả người cả vật nuôi, tôi đánh liều leo xuống, cố dò dẫm tìm phương án thoát thân trong trường hợp khẩn cấp. Vô phương! Hướng nào cũng chỉ cách nhà mươi mét nước đã dâng đến ngực. Giờ thì đến phiên mắt tôi lạc thần: Từ ngoài nhìn vô, nhà tôi như hòn đảo nhỏ chơ vơ giữa bốn bề cuồn cuộn nước…
Đến sáng, may thay, nhìn xuống thấy nước đưng (không lên thêm), cách cái rầm nhà tôi chỉ độ chừng… 2 tấc; sau đó từ từ rút xuống. Sống rồi! Vợ tôi reo lớn mà nước mắt chảy dài!
*
Lần chạy lụt nhớ đời ấy đã khiến tôi sợ lụt tới mức sau này xây nhà-kệ tốn kém-kiên quyết đầu tư cho hạng mục công trình một căn gác thật vững, thật cao để phòng lụt. Đã hơn phần tư thế kỷ; nhưng ám ảnh của trận lụt năm nào vẫn cứ như mới hôm qua. Lại một mùa mưa bão về…
Y Nguyên
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/nho-nhung-mua-lut-2222085/