(QBĐT) – Nhạc phụ là bố vợ, tế tử là con rể. Ở xứ Đàng Trong, trong khoảng hơn 70 năm (1627-1700) liên tiếp ba lần có ba bậc bố vợ tiến cử con rể cho các chúa Nguyễn, mà tất cả họ về sau trở thành mưu sĩ, tướng công, văn nhân, những bậc lương đống của triều đình. Điều đáng nói là những người liên quan đến các sự kiện này đều đã cùng để lại dấu ấn văn hóa, lịch sử hiển hách khó phai mờ trên mảnh đất Quảng Bình, mặc dù không ai trong số họ có sinh quán ở nơi đây.
Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ nhạc phụ-tế tử thường rất lỏng lẻo, nên có truyền ngôn: Dâu là con, rể là khách. Ý thức hệ trọng nam khinh nữ đương thời coi con gái là “nữ nhân ngoại tộc”, theo đó, chàng rể cũng chỉ được coi là “khách” mà thôi. Nhưng, với các bậc đại nhân, đại trí khi “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” thì họ sẵn sàng bước qua ý thức hệ, tin tưởng tiến cử các tế tử tài năng của mình cho triều đình, vì lợi ích quốc gia.
Theo lịch đại mà bàn, trước hết phải kể đến trường hợp nhạc phụ Trần Đức Hòa tiến cử tế tử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1627). Trần Đức Hòa, vị quan Khám Lý tài giỏi người phủ Quy Nhơn, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin yêu, coi là “nghĩa đệ” (em kết nghĩa), thường cho vào phủ bàn việc quân chính. Ngay khi gặp Đào Duy Từ dưới thân phận người chăn trâu khốn cùng, Trần Đức Hòa đã nhận thấy đó là một kẻ sĩ tài trí hơn người, nên gả con gái cho và tiến cử tế tử Đào Duy Từ của mình với chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
|
Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Đức Hòa lấy bài Ngọa Long cương ngâm ra tiến, nói rằng: “Bài này do thầy dạy học ở nhà tôi là Đào Duy Từ làm”. Chúa xem thấy lạ, giục sai đi mời đến gặp”. Sau khi Trần Đức Hòa mất, ông được chúa phong tặng phúc thần, dân lập đền thờ và đời vua Gia Long xếp làm “công thần bậc nhất”. Còn với Đào Duy Từ (1572-1634), kể từ khi nhạc phụ Trần Đức Hòa tiến cử và được chúa “tức thì trao cho chức Nha úy nội tán, tước Lộc Khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính”, chỉ vỏn vẹn ít năm hành chức từ 1627 đến 1634, Đào Duy Từ đã trở thành một mưu thần đa tài, đứng đầu trong các công thần về nhiều lĩnh vực: Quân sự, chính trị, văn hóa, kiến trúc…
Ông có nhiều kế sách yên đời, trị nước mang tính chiến lược…, góp phần giúp chúa Nguyễn giữ vững bờ cõi, dần định hình bản sắc xứ Đàng Trong. Trong các thành tựu ấy, đặc biệt phải ghi nhận công lao Đào Duy Từ đã tham mưu, thiết kế, tổ chức thi công hệ thống thành lũy kiên cố mang tên ông (lũy Đào Duy Từ) trên đất Quảng Bình, dùng để ngăn chặn sự xâm nhập của quân chúa Trịnh ở phía Bắc, đồng thời là điểm tựa để Đàng Trong phát triển dần vào phía Nam. Hệ thống thành lũy vĩ đại này nay vẫn còn di tích, trong đó có Quảng Bình quan, một quan ải quan trọng, trải qua các đợt trùng tu đã trở thành biểu tượng văn hóa-lịch sử của tỉnh Quảng Bình.
Ngoài ra, ông còn để lại các tác phẩm có giá trị, trong đó đáng chú ý là cuốn binh pháp Hổ trướng khu cơ viết về nghệ thuật quân sự “độc nhất vô nhị” của Việt Nam. Năm 1634, Đào Duy Từ mất, chúa Nguyễn và nhà Nguyễn truy phong nhiều tước vị cao quý, cho thờ ông ở Thái Miếu nơi kinh thành và ở miếu Hội Đồng “phía đông nam tỉnh thành” Quảng Bình; còn nhân dân Quảng Bình xây đền thờ Đào Duy Từ ở huyện Phong Lộc (thôn Lệ Kỳ) phía tả cổng Võ Thắng, một ải quan trong lũy Trường Dục, chiến lũy đầu tiên do ông thiết kế, xây dựng.
Đào Duy Từ, danh nhân kiệt xuất của đất nước, hẳn nhiên cũng là danh nhân Quảng Bình, bởi cuộc đời, sự nghiệp của ông còn mãi vang vọng trên đất và trong lòng người nơi đây. Và đến lượt mình, khi trở thành nhạc phụ, với trách nhiệm một mệnh quan triều đình, Đào Duy Từ tiến cử thành công tế tử Nguyễn Hữu Tiến cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1631).
Nguyễn Hữu Tiến (1602-1666) ngụ ở Bình Định, có chí lớn, tự học văn chương, say sưa rèn văn, luyện võ. Năm 1631, khi Nguyễn Hữu Tiến chủ động xin diện kiến Đào Duy Từ, mệnh quan họ Đào nhận thấy Nguyễn Hữu Tiến là người thông minh, mưu lược, có chí lớn, nên gả con gái cho và tiến cử lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa tin dùng, giao cho Nguyễn Hữu Tiến giữ chức đội trưởng trong đội thủy quân, rồi phong dần qua các chức vụ quan trọng, từng thống lĩnh hơn 3.000 quân, đóng ở đồn Võ Xá (còn gọi đạo Lưu Đồn, hoặc Dinh Mười), Quảng Bình để phòng thủ.
Hai lần cầm quân chống quân Trịnh xâm nhập đất Quảng Bình, Nguyễn Hữu Tiến đều giành chiến thắng oanh liệt: Năm 1648 tiêu diệt, phá tan quân Trịnh ở cửa Nhật Lệ, được sử nhà Nguyễn khen là “võ công bậc nhất” trong suốt thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh; năm 1655-1660 cùng Nguyễn Hữu Dật đánh đuổi quân Trịnh khỏi Nam Bố Chính, vượt sông Gianh đánh chiếm, làm chủ Bắc Bố Chính (Quảng Bình) và 7 huyện phía nam sông Lam nhiều năm trời.
Sau chiến cuộc 1662, Nguyễn Hữu Tiến được giao trông coi việc xây đắp lũy Trấn Ninh và lũy Sa Phụ nhằm hoàn chỉnh hệ thống Lũy Thầy huyền thoại trên đất Quảng Bình, do nhạc phụ Đào Duy Từ khởi xướng. Sau khi Nguyễn Hữu Tiến qua đời (1666), chúa Nguyễn truy tặng tước Tiết chế Thuận Quận công, nhà Nguyễn thờ ông trong Thái Miếu và Võ Miếu ở kinh thành, còn nhân dân Quảng Bình lập đền thờ ông ở ấp Tráng Tiệp (xã Gia Ninh, Quảng Ninh). Những chiến công của ông trên đất Quảng Bình làm nên danh tiếng bậc khai quốc công thần Nguyễn Hữu Tiến.
|
Cuối cùng là trường hợp nhạc phụ Trần Đình Ân tiến cử tế tử Nguyễn Khoa Chiêm cho chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Trần Đình Ân (1625-1706) người Quảng Trị, làm quan đại thần cho 4 đời chúa Nguyễn. Ông hiểu biết sâu rộng, có tài dùng binh, được các chúa tin dùng, người dân đương thời yêu mến. Trong trận chiến với quân Trịnh ở chiến lũy Trấn Ninh, Quảng Bình (1672), ông hiến cho chúa Nguyễn Phúc Tần kế “dĩ hư phá hư” phao tin đánh lừa quân Trịnh, làm nên chiến thắng, từ đó chấm dứt giao tranh Nam-Bắc suốt 100 năm trời.
Đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Trần Đình Ân được trao chức vụ Tham chính đoán sự, tước Đông Triều hầu. Ông xin từ quan năm 78 tuổi (1703), được chúa nhận xét: “Khanh trải thờ bốn triều, quốc chính triều cương có nhiều giúp đỡ, bề tôi siêng năng duy khanh hơn cả” và đích thân viết bài thơ tặng, có câu: “Về ở Quảng Bình chi bận nhỉ/Non xanh nước biếc thỏa tinh thần” (lúc này vùng đất Hà Trung đang thuộc phủ Quảng Bình).
Còn về Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736), tiên tổ người Hải Dương, là người thông minh, thạo văn sách. Chính Trần Đình Ân phát hiện ra “Chiêm là người có tài”, gả con gái cho và tiến cử ông lên chúa Nguyễn Phúc Chu. Nhờ tài năng và có nhiều công lao phò chúa, giúp nước, nên Nguyễn Khoa Chiêm được chúa tin dùng, dần giao nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng và cho dự bàn việc quân cơ trong triều. Nguyễn Khoa Chiêm cũng đã từng có mặt ở Quảng Bình theo lệnh chúa, đem binh lính, mộ dân phu sửa sang chính lũy Đồng Hới (1700), sửa sang thành quách, cầu cống, đường sá ở hai dinh Lưu Đồn và Quảng Bình (1710), nên hiểu rất rõ miền đất biên viễn này.
Thành tựu quan trọng của Nguyễn Khoa Chiêm là để lại tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí (soạn năm 1719), tiểu thuyết lịch sử chương hồi đầu tiên ở Việt Nam, phản ánh khá trung thực sự nghiệp khai phá Đàng Trong của các chúa Nguyễn cùng với nhiều nhân vật lịch sử tài giỏi ở cả hai miền Nam Bắc, giai đoạn từ 1558-1691. Đây là cuốn tiểu thuyết có giá trị lịch sử cao, nên về sau Quốc sử quán triều Nguyễn sử dụng nhiều tư liệu từ sách này để biên soạn các bộ chính sử: Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục.
Điều đáng quý là sách Nam triều công nghiệp diễn chí đề cập đến nhiều tư liệu đa dạng về tỉnh Quảng Bình: Nhân vật, địa danh, xã hội, thành lũy, các trận chiến… trong giai đoạn lịch sử này, rất có giá trị tham khảo. Ông mất năm 1736 thời chúa Nguyễn Phúc Chú, được tặng hàm Đại lý Thượng Khanh, ban tên thụy là Thuần Hậu.
Thấy rằng, chỉ trong khoảng hơn 70 năm (1627-1700), ở xứ Đàng Trong có đến ba lần các bậc nhạc phụ tiến cử tế tử của mình, những người tài cho triều đình và tất cả đều thành công, đó là một hi hữu của lịch sử. Vả chăng các sự kiện này đã hội tụ được các yếu tố: Sự chịu trách nhiệm, khả năng phát hiện người tài của những người tiến cử, sự thẩm định người tài công tâm của các minh chúa và sự tận hiến khi “quốc gia hưng vong” của các người tài được tiến cử, mà thành.
Và, giữa những ngày xuân tươi mới đất trời, tươi mới lòng người, bên lò hương trầm thơm ngát hồi cố chuyện xưa tiến cử nhân tài cho đất nước là để tưởng nhớ đến công đức của các bậc tiền nhân và từ đó có thể khởi lên những bài học hữu ích cho đương đại vậy.
Trần Hùng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202501/nhac-phu-va-te-tu-nhung-tien-cu-lich-su-o-xu-dang-trong-2224034/