(QBĐT) – Đọc “Ngược dòng Linh giang” (Tập Nghiên cứu, phê bình văn học-Nhà xuất bản Hội nhà văn của Trần Đình).
Nói Linh Giang, không nhiều người am hiểu. Nhưng, nhắc tới sông Gianh, cả nước tỏ tường, nhiều người trên thế giới biết, mặc dù bản đồ 160km chiều dài con sông này không được trình lên ở Giơ-ne-vơ như sông Hiền Lương.
Sông Gianh trầm mặc, mạnh mẽ và đau thương. Sông Gianh chảy nghiêng nghiêng giữa một bên là núi dựng liền dãy và một bên là bờ bãi xanh bốn mùa nương dâu, bãi bắp…
Đầu thiên niên kỷ 21 có một nhà giáo, một cây bút đa năng ngược Linh Giang trong giai điệu giọng nam cao vời vợi “Ơi dòng Gianh dòng Gianh… bây chừ qua sông không phải đợi đò, bắc cầu sang… cho đôi lứa hẹn hò…”. Trần Đình ngược dòng Gianh cũng để thực hiện một công việc nhân văn và rất thực tiễn: Gom nhặt, điều nghiên, lý giải những giá trị văn hóa-văn nghệ lưu vực sông Gianh. Và, hơn thế nữa, tác giả ngược dòng, lật giở từng trang huyền tích vừa bí ẩn vừa thơ mộng của đất Bố Chính xưa. Cả một vùng văn học dân gian và lịch sử được Trần Đình đánh thức và phân giải.
|
Là một nhà giáo dạy văn, cựu sinh viên đại học Sư phạm Huế, Trần Đình biết trân quý và thấu cảm những chủ thể sáng tạo văn học, nghiên cứu văn hóa xuất hiện trong hơn một phần ba thế kỷ qua, chân dung và tác phẩm bậc văn nhân nổi tiếng thế kỷ XIX của vùng Linh giang Nguyễn Hàm Ninh, lý giải những tồn nghi văn chương hay một vấn đề trong nhà trường còn ý kiến trái chiều, cập nhật cả một hiện tượng thời sự nóng hổi mà không kém chiều sâu thế sự-Tôn giáo: Hiện tượng Thích Minh Tuệ với những kiến thức về lịch sử Phật giáo.
*
Chưa phải là bản “Tổng phổ giá trị nhân văn” một vùng đất, nhưng, với tâm thức và năng lượng dồi dào, đa năng, Trần Đình đã bước đầu thực hiện thiên chức một nhà giáo-nhà văn-nhà nghiên cứu văn hóa yêu tha thiết dòng sông Gianh huyền thoại, mảnh đất và con người quê mình, khắc họa chân dung một vùng văn hóa với nhiều gam màu, nhiều cỡ cảnh, tác giả-tác phẩm nhân vật và sự kiện.
Một ấn phẩm rất đáng lưu tâm cho đông đảo bạn đọc, cho những ai yêu thương và quan tâm vùng văn hóa Linh giang, những ai đã và đang đứng trên bục giảng và các thế hệ học sinh hướng về khoa học xã hội và nhân văn.
Hãy cùng Trần Đình “Ngược dòng Linh giang”!
Nguyễn Thế Tường
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/nguoc-dong-song-gianh-2222622/