(QBĐT) – Ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị nông sản, nâng tầm thương hiệu là nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Vì vậy, nhiều hộ nông dân trồng lúa trong tỉnh đã tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất, đồng thời liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Sản xuất theo hướng hữu cơ…
Với diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm hơn 90 nghìn ha, từ lâu Quảng Bình đã trở thành một trong những vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là phần lớn diện tích canh tác vẫn sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, trong khi phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này không chỉ khiến đất canh tác ngày càng suy giảm về chất lượng dinh dưỡng mà còn làm cho tình hình sâu bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Đặc biệt, nguy cơ tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản ngày càng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết này, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ đã triển khai đề tài “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo hướng hữu cơ tại tỉnh Quảng Bình”.
Theo đánh giá của Sở KH-CN, sau hơn hai năm thực hiện, đến nay, kết quả ứng dụng không chỉ đạt được nhiều thành tựu quan trọng mà còn góp phần tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
|
Một trong những kết quả nổi bật của đề tài là việc xây dựng thành công quy trình sản xuất lúa gạo hữu cơ phù hợp với từng thời vụ trên địa bàn. Quy trình này được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tối ưu hóa điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để người nông dân có thể áp dụng vào thực tiễn, từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống dựa vào phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sang hướng hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường.
Dựa trên quy trình này, ba mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã được triển khai thí điểm và đạt kết quả khả quan. Trong vụ hè-thu năm 2023, mô hình trồng giống lúa HN6 tại xã Quảng Phương (Quảng Trạch) đã thu được năng suất 51,8 tạ/ha. Tiếp đó, vụ đông-xuân năm 2023-2024, hai mô hình sản xuất giống lúa ST25 tại xã An Thủy (Lệ Thủy) và Quảng Phương đã đạt năng suất vượt trội từ 55,25-55,65 tạ/ha. Những con số này không chỉ cho thấy tiềm năng của lúa gạo hữu cơ mà còn minh chứng cho hiệu quả rõ rệt của việc ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp.
… Và xây dựng chuỗi giá trị
Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, đề tài còn đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ lúa gạo hữu cơ. Hai mô hình quản lý sản xuất, kinh doanh gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được thiết lập tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) tổng hợp Quảng Phương và HTX sản xuất, kinh doanh DVNN Mỹ Lộc Thượng.
Thông qua các đơn vị này, sản phẩm lúa hữu cơ được thu mua với tổng sản lượng đạt 17,6 tấn, tương đương 52,9% tổng sản lượng của các mô hình sản xuất. Đây là số liệu cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, giúp nông dân ổn định đầu ra, giảm thiểu rủi ro về thị trường và bảo đảm giá trị sản phẩm.
Để nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm, đề tài đã xây dựng hai nhãn mác gạo An Thủy và gạo Quảng Phương. Việc gắn nhãn mác không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng gạo hữu cơ, còn được xem là một bước tiến lớn trong việc xây dựng thương hiệu nông sản sạch của Quảng Bình. Từ đó, mở ra cơ hội đưa sản phẩm gạo hữu cơ đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Đề tài còn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân về nông nghiệp hữu cơ. Có 150 nông dân và cán bộ nông nghiệp được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ. Thông qua các chương trình này, người nông dân không chỉ được trang bị kiến thức mà còn có cơ hội thực hành và áp dụng trực tiếp vào thực tế sản xuất. Đó chính là nền tảng quan trọng để mở rộng mô hình lúa hữu cơ tại các địa phương khác trong tỉnh.
Phó Giám đốc Sở KH-CN Phạm Thanh Nam khẳng định, những kết quả đạt được của đề tài không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đất và nước do lạm dụng hóa chất nông nghiệp. Đồng thời, các sản phẩm lúa gạo hữu cơ được sản xuất theo tiêu chuẩn cao sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị thương hiệu lúa gạo Quảng Bình trên thị trường nông sản sạch cả nước.
Kết quả của đề tài “Ứng dụng KH-CN xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo hướng hữu cơ” là tiền đề quan trọng để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ và mở rộng nghiên cứu sang các loại cây trồng khác. Điều này không chỉ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong Đề án số 2154/ĐA-UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp tỉnh nhà. |
Hương Trà
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202412/nang-tam-thuong-hieu-2222864/