KỶ NIỆM 59 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH NỘI CHÍNH ĐẢNG (5/1/1966-5/1/2025)
(QBĐT) – Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTN, LP, TC) các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc TN, TC, nhất là các vụ án, vụ việc TN nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, công tác phát hiện TN, TC có những kết quả bước đầu, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm minh hành vi TN, TC. Số lượng các vụ án, vụ việc TN, TC được khởi tố, truy tố, xét xử tăng qua các năm; việc xử lý nghiêm minh hành vi TN, TC đã tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần cảnh tỉnh, răn đe.
Ban Nội chính Tỉnh ủy-Cơ quan Thường trực BCĐ đã tham mưu BCĐ PCTN, LP, TC tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác PCTN, TC, trong đó có công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án vụ việc TN, TC; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa TN; trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức để kịp thời phát hiện, chuyển giao các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về TN, kinh tế, TC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên về công tác PCTN, TC, LP nói chung và công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm nói riêng.
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện rà soát 287 cuộc thanh tra, 388 kết luận thanh tra kinh tế-xã hội năm 2023; giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án, vụ việc trên địa bàn.
Các ngành Công an, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân đã tập trung chỉ đạo, chủ động phối hợp, thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc đạt nhiều kết quả tích cực.
Cơ quan Cảnh sát điều tra và cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh thụ lý điều tra 375 vụ án/644 bị can, tăng 23 vụ án (6,5%) so với quý III/2024 và giảm 16 vụ án (4,1%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kết thúc điều tra chuyển VKSND truy tố 168 vụ án/302 bị can; tạm đình chỉ 6 vụ án/1 bị can; đình chỉ điều tra 2 vụ án/2 bị can; nhập 1 vụ án/0 bị can; chuyển đi 1 vụ án/3 bị can; tiếp tục điều tra 197 vụ án/336 bị can.
|
VKSND hai cấp thụ lý 214 vụ/402 bị can (tăng 40 vụ (23%) so với quý III/2024), trong đó thụ lý mới 193 vụ/330 bị can; đã giải quyết 214 vụ/402 bị can, đạt tỷ lệ 100% (truy tố chuyển tòa án 213 vụ/401 bị can; đình chỉ 1 vụ/1 bị can). Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 1.671 vụ, việc các loại (giảm 51 vụ, việc so với với quý III/2024, giảm 33 vụ, việc so cùng kỳ năm 2023); trong đó, sơ thẩm 1.549 vụ, việc; phúc thẩm 122 vụ, việc.
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu BCĐ tỉnh chỉ đạo giải quyết tốt các vụ án, vụ việc do các đoàn kiểm tra, đoàn công tác của BCĐ Trung ương giao chỉ đạo xử lý; tham mưu đưa vào danh mục một số vụ án TN, TC dư luận xã hội quan tâm, phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, việc giải quyết các vụ án, vụ việc TN, TC của các cơ quan tố tụng ngày càng đi vào nền nếp, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc PCTN, LP, TC của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy đối với BCĐ tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc TN, TC vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Việc phát hiện hành vi TN, TC để xử lý theo quy định chưa tương xứng với tình hình TN, TC hiện nay; số vụ án, vụ việc được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra còn ít; việc tự kiểm tra, phát hiện TN của một số đơn vị còn yếu, chủ yếu qua đơn thư tố giác, tin báo tội phạm, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra; hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự vẫn còn vướng mắc nhất định (như nhiều vụ việc phức tạp, tài sản yêu cầu định giá có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao); quy định pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng dân sự nhiều bất cập…
Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy đối với BCĐ tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc TN, TC, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục chú trọng, duy trì nâng cao hơn hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cả chiều sâu và chiều rộng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN, LP, TC, đặc biệt là các chỉ đạo về công tác phát hiện, xử lý các vụ án kinh tế, TN, TC; trong đó, chú trọng tuyên truyền, quán triệt các quy định của Bộ Chính trị và các kế hoạch thực hiện quy định của Bộ Chính trị do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành về kiểm soát quyền lực, PCTN, LP, TC.
Tham mưu BCĐ tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động, duy trì việc xây dựng, ban hành, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác PCTN, LP, TC hàng năm; thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP, TC trong tình hình mới (thay thế Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 11/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác phát hiện TN, LP, TC nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu, lĩnh vực dễ xảy ra TN, TC, như: Thuế, hải quan, quản lý, sử dụng đất đai, ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, mua sắm công… ; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các đơn vị đã ký kết, nhất là các cơ quan, đơn vị tố tụng trong việc phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc các cấp ủy theo dõi, chỉ đạo.
Nâng cao hơn nữa vai trò chủ trì của Cơ quan thường trực BCĐ tỉnh trong tham mưu cho BCĐ, Thường trực BCĐ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc TN, LP, TC. Chỉ đạo cơ quan tố tụng các cấp tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ tỉnh, Thường trực huyện ủy theo dõi chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc nhằm bảo đảm nghiêm, đúng quy định của pháp luật và yêu cầu về chính trị, xã hội của địa phương. Kịp thời rà soát đánh giá thực tế và có kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền; có giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của hoạt động định giá, thẩm định giá tài sản trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu BCĐ tỉnh chỉ đạo Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Tổ Nội chính Đảng cấp huyện, ủy ban kiểm tra và thanh tra cấp huyện chú trọng, chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý hành vi TN, LP, TC qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác tự kiểm tra, giám sát và công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của đơn vị; đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ hội nghị giao ban tố tụng cấp huyện và chế độ báo cáo, thông tin theo quy định.
Hồ Quốc Long
(Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Ban Nội chính Tỉnh ủy)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202501/ky-niem-59-nam-ngay-truyen-thong-nganh-noi-chinh-dang-511966-512025-nang-cao-chat-luong-tham-muu-xu-ly-cac-vu-an-vu-viec-tham-nhung-tieu-cuc-2223467/