(QBĐT) – Trong quá trình phát triển của du lịch Quảng Bình, chuyển đổi số (CĐS) là chiến lược tất yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Marketing và thanh toán số là hai lĩnh vực then chốt giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với khách hàng, tăng cường trải nghiệm du lịch và tạo sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh.
Mới đây, một hội thảo về CĐS trong marketing và thanh toán du lịch do Công ty TNHH Netin và Công ty CP Appota phối hợp tổ chức có sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đây được xem là cơ hội để du lịch Quảng Bình tiệm cận hơn với các phương thức CĐS trong thanh toán, marketing du lịch, mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Lựa chọn của du khách trẻ
Quảng Bình chưa phải là điểm đến của người trẻ. Top 20 điểm đến nội địa mà du khách trẻ muốn đi nhất không có Quảng Bình. Đó là kết quả nghiên cứu của Appota thông qua việc tìm hiểu nhu cầu thị trường du lịch trong thời gian qua. Theo nghiên cứu này, mặc dù lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt sau dịch Covid-19 nhưng địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nhóm khách hàng trẻ tuổi (18-32 tuổi).
|
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Marketing Appota Pay cho rằng, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn đi du lịch thường xuyên hơn, khi mà có đến 49% người ở độ tuổi 18-32 đi du lịch ít nhất 2 lần/năm. Nhiều người thậm chí còn xây dựng kế hoạch cho du lịch năm sau và xác định điểm đến trước 3 tháng. Điều đáng nói là người trẻ thường mong muốn trải nghiệm độc đáo, tự chủ hơn, không bị bó buộc trong khuôn khổ tour. Hơn 60% du khách thuộc độ tuổi này ưu tiên tìm kiếm thông tin du lịch qua mạng xã hội như tiktok, facebook và youtube. Đồng thời, họ cũng muốn chia sẻ những thông tin chuyến đi thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, chiến dịch quảng bá số tại Quảng Bình chưa đủ mạnh mẽ và chưa thực sự thu hút nhóm khách hàng này, khi tỷ lệ booking online và thanh toán số vẫn còn hạn chế.
Thanh toán số đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc trong ngành du lịch, không chỉ đối với khách quốc tế mà còn đối với du khách nội địa. Dữ liệu cho thấy, 97% du khách trẻ ưu tiên các hình thức thanh toán số như ví điện tử, thẻ tín dụng và internet banking. Sự tiện lợi trong thanh toán số giúp người trẻ hoàn toàn có thể đến một nơi xa mà không mang theo tiền mặt. Điều đó đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ phải đáp ứng được và chấp nhận các cách thức thanh toán mới. Trong khi đó, việc triển khai thanh toán số tại Quảng Bình vẫn còn rời rạc, hạn chế, gây bất tiện cho du khách trong việc thanh toán các dịch vụ như đặt vé máy bay, khách sạn và tour du lịch. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân chính khiến Quảng Bình chưa phải là lựa chọn hàng đầu của du khách trẻ.
Du lịch trước, thanh toán sau
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt, trong đó, lượng khách Hàn Quốc dẫn đầu danh sách với 367.000 lượt. Theo nghiên cứu của Công ty CP Appota, “sang-xịn-mịn” là từ khóa cho đối tượng khách Hàn Quốc khi mà khách du lịch nước này luôn lựa chọn các dịch vụ tốt nhất, cao cấp nhất và sẵn sàng chi tiền nhất. Trong số này, hơn 60% sử dụng dịch vụ đặt phòng trực tuyến (booking online) và 33% sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Cũng như khách Hàn Quốc, các dịch vụ, thanh toán số là phương thức mà du khách quốc tế lựa chọn khi đi du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, CĐS trong marketing và thanh toán giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới trong ngành du lịch. Với việc nắm bắt, áp dụng công nghệ vào mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh, từ quảng bá đến thanh toán, du lịch Quảng Bình hoàn toàn có thể vươn xa, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. |
“Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, có hơn 83% du khách Mỹ và 87% khách châu Âu sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán khi đi du lịch nước ngoài. Du lịch trước, thanh toán sau được coi là xu hướng mà du khách lựa chọn ngày càng nhiều bởi nhiều lợi ích mà phương thức này mang lại. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là tại Quảng Bình, nhanh chóng nắm bắt xu hướng để đáp ứng nhu cầu du khách”, ông Lê Đức Anh cho biết thêm.
Du lịch trước, thanh toán sau không chỉ giúp du khách dễ dàng trải nghiệm các dịch vụ du lịch mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế biến động. Phương thức này mang lại sự linh hoạt tài chính cho du khách, cho phép họ lên kế hoạch chuyến đi mà không cần phải trả toàn bộ chi phí ngay lập tức. Điều này cũng khuyến khích họ chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ cao cấp và các tour du lịch trải nghiệm đặc biệt, từ đó tạo động lực phát triển cho ngành dịch vụ du lịch.
Theo một khảo sát gần đây của Appota, các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đang bắt đầu tích cực triển khai các hình thức thanh toán linh hoạt như trả góp hoặc thanh toán sau để thu hút thêm khách hàng quốc tế và nội địa. Theo các chuyên gia tại hội thảo, Quảng Bình cần tận dụng lợi thế này để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng trưởng lượng khách du lịch. Trong tương lai, hình thức du lịch trước, thanh toán sau sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo, thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đồng thời mang lại lợi ích bền vững cho cả doanh nghiệp và khách hàng.
Cơ hội trong chuyển đổi số Marketing du lịch
Ông Đặng Phú Vinh, Giám đốc điều hành Công ty CP Adsota chia sẻ, trước xu hướng du lịch ngày càng có nhiều chuyển dịch như hiện nay, việc áp dụng các công cụ marketing số là điều cần thiết để tăng khả năng tiếp cận và tương tác với du khách. Các nền tảng mạng xã hội đang trở thành kênh quảng bá chính, giúp lan tỏa hình ảnh du lịch đến hàng triệu người chỉ qua những video ngắn. Việc phát triển nội dung chất lượng, hấp dẫn là yếu tố tiên quyết trong chiến lược marketing du lịch. Quảng Bình cần khai thác những ưu thế về thiên nhiên, tận dụng công nghệ để quảng bá những trải nghiệm độc đáo như tour khám phá hang động, du lịch cộng đồng hay các hoạt động du lịch mạo hiểm khác. Những video về cảnh đẹp Quảng Bình được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, sẽ giúp xây dựng hình ảnh điểm đến hấp dẫn đối với nhóm khách hàng trẻ.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng để thực hiện thành công CĐS trong du lịch, Quảng Bình cần một kế hoạch hành động dài hạn, bao gồm việc xây dựng hệ sinh thái công nghệ du lịch đồng bộ. Trước tiên, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, bảo đảm việc kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và các nền tảng công nghệ được liền mạch. Điều cốt lõi của mọi vấn đề là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu CĐS. “Một trang web du lịch có giao diện thân thiện, dễ dàng sử dụng cùng các tính năng đặt phòng, đặt tour trực tuyến là điều cần thiết. Cần áp dụng các công nghệ tối ưu trải nghiệm người dùng và các phần mềm cải thiện chất lượng dịch vụ trên nền tảng số. Ngoài ra, tích hợp hệ thống chatbot hỗ trợ khách hàng 24/7 qua các trang mạng xã hội cũng là cách giúp tăng cường sự tương tác và chăm sóc khách hàng”, ông Đặng Phú Vinh gợi mở.
Diệu Hương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/chuyen-doi-so-trong-marketing-va-thanh-toan-du-lich-nam-bat-de-vuon-xa-2222319/