(QBĐT) – Vào mùa này, hai bên bờ Kiến Giang, bà con đã bắt đầu làm đất để gieo cải. Năm nay, trận lụt đã mang đến cho quê tôi lớp phù sa màu mỡ. Đất đai bồi tụ lộc trời phì nhiêu, dòng sông sáng trong chảy vắt qua cánh đồng hai huyện tạo nên bức tranh trữ tình độc đáo. Trước đây, theo con sông này, nhiều thế hệ trồng cây mưng để ngắm hoa và hưởng bóng mát vào mùa hè, xuân đến lộc cây bung nở chồi non hấp háy chào năm mới.
Đến độ tháng 12, nhiều gia đình ven sông bắt đầu làm cỏ, xới đất tơi mịn, đánh luống các khoảng đất trống để gieo cải. Trong mấy ngày đầu, hạt cải nằm chen lấn nhau trong các khe đất, những hạt mầm nẻ vỏ nhô ra các đốm nhỏ xíu, tròn xoe mắt nhìn nhau. Nhưng chỉ sau vài ngày, vạt đốm nhỏ li ti đã nhú lên cơ man nào những chiếc lá non xanh mướt. Tôi đi thể dục mỗi sáng và quan sát rất kĩ từng thân cải bé lớn lên, lòng tràn ngập niềm vui kỳ lạ. Cải là loài rau phổ biến trong mỗi phiên chợ, trong mỗi bữa ăn của người quê. Hoa cải xinh tươi nhưng không ngát hương. Nó là hoa của sự gần gũi, bình dị, đẹp đẽ và sâu lắng.
Ngày trước, cải được các gia đình nông dân trồng giữa sân vườn. Hồi đó, nhà nào ở quê cũng đều sử dụng sân đất. Đất không ngừng nghỉ làm việc để giúp người. Người không ngừng lao động để làm giàu cho đất. Tôi còn nhớ, hoa cải dệt nên tấm thảm vàng trước sân nhà xua đi cái rét buốt của những ngày mùa đông. Lúc đó, mẹ hay đội nón, lom khom làm cỏ, từng nhát cuốc gọn gàng, cẩn thận như sợ làm đau những mầm xanh đang vươn mình trong rét.
|
Thuở ấy, hầu như nhà ai cũng nghèo khó, cây cải là thức ăn mỗi ngày. Khi Tết đến, cải là sản vật không thể thiếu để tiếp khách. Quê tôi có truyền thống làm món muối dưa cải. Ngày thường hay ngày Tết, dĩa cải muối giòn cay được trưng bày ra giữa mâm giúp cho gia đình quên đi cái rét, vượt qua cơn lạnh thấu xương. Từng lá cải, từng cánh hoa vàng lặng lẽ như đốm lửa nhỏ trong ký ức. Trong dòng chảy của thời gian, dù đã đi qua bao nhiêu mùa hoa nhưng sắc vàng hoa cải không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi.
Có lẽ, cây cải yêu người quê và đất quê nên vàng rực cả đất trời. Cứ mỗi sáng thức giấc nhìn đám cải, mẹ tôi bảo: “Cải cay chấm với zút tép đồng vừa ăn vừa hít hà thì không có gì bằng. Mấy đứa bây đi đâu chụp ảnh cho xa, xuống mấy vạt cải mà chụp. Đẹp hết nói. Cải vừa ăn được vừa làm đẹp cho người và sông”. Tôi nhớ vào một buổi chiều cuối năm, anh em quây quần bên mâm cơm mẹ nấu, nhìn rá cải xanh giòn trên bàn ăn, mẹ bùi ngùi, biết bao năm đã qua, biết bao mùa cải trên sông, mẹ đã bán rất nhiều cải để mua bút mực và vở cho tui bay ăn học. Dù nghèo khó đến đâu đi chăng nữa nhưng hoa cải nhắc mẹ cho con cái ăn học đàng hoàng. Màu hoa cải lạ lắm. Vàng như sáng sáng của niềm tin. Vàng như đức tin của mẹ về con cái lớn khôn, trưởng thành.
Giờ đây, mẹ tôi đã già, sức khỏe không còn như trước. Chúng tôi đã thay mẹ trồng tỉa, chăm sóc mỗi khi mùa cải trở về. Từng luống cải, từng giờ tưới nước, xới đất như có dáng hình mẹ lom khom lặng lẽ ở bên cùng sự ấm áp và tình thương vô bờ bến của bà dành cho con cái. Hoa cải như nhắc nhở tôi về sự tuần hoàn của đời sống, từ hạt mầm bé nhỏ đến lúc cây cải lớn lên rồi rực rỡ hoa vàng và đến lúc tàn úa nhường đất lại cho mùa mới.
Nhiều hôm, dắt con trai đi dọc bờ sông, lần theo con sóng dưới chân tôi kể cho cháu nghe chuyện bà trồng cải mua được cho bố khăn ấm. Hẳn phải nhiều và nhiều lắm bó cải mẹ tôi mới gom được tiền mua cho con cái thức quà gì đó đầu năm mới. Con tôi nghe chuyện rưng rưng xúc động, nhìn tôi và luống cải: “Cải đã nuôi bố và bố đã nuôi con như bà. Con sẽ nhớ cải như nhớ bà để khi có thời gian con sẽ về với bà để được ăn dưa cải muối”
Với tôi, cây cải không chỉ là loài cây, mà còn là biểu tượng cho cái đẹp, sự vươn lên từ những khó khăn và sự nồng ấm của hương đất, tình đời. Mỗi mầm xanh hé nụ, mỗi bông hoa như một lời chào, một lời nhắn nhủ về cuộc sống luôn đẹp đẽ, rực rỡ dẫu cho bao lam lũ, rét mướt trong cuộc đời. Đi dọc bờ sông đầy gió, tôi như tìm lại ký ức tuổi thơ. Hoa cải như chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Trong lòng đất, những hạt giống nhỏ bé đang ngủ say, chờ đợi ngày nảy mầm. Tôi tự nhủ sẽ kể cho con trai mình nhiều hơn về hoa cải, về những ký ức, những bài học mẹ đã dạy. Biết đâu, những câu chuyện về cải sẽ giúp con tôi thấy được sắc vàng của cái đẹp và niềm tin vào cuộc sống.
Ngô Mậu Tình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/mua-cai-ven-song-2223448/