(QBĐT) – Những ngày cuối năm. Tôi bắt đầu cảm thấy thời gian đang trôi hối hả. Thời gian giống như một con thoi miệt mài chảy từ mùa xuân cho đến hết mùa đông rồi lại tiếp tục tới mùa xuân. Những ngày này, trong tôi lúc nào cũng dâng trào một cảm xúc thật đặc biệt: Bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến… Đặc biệt, hình ảnh những bông hoa cải vàng lúc nào cũng hiện hữu trong từng ý nghĩ, khoảnh khắc.
Chắc có lẽ, bởi vì tôi đã có một khoảng thời gian dài gắn bó với triền sông nở đầy hoa cải cuối năm. Với tôi, đó cũng là những ngày đẹp nhất. Tôi nhớ, khi cái nắng đông bắt đầu hanh hao trên ngọn cỏ may tím biếc, vài cơn gió lạnh phe phẩy gọi tháng mười âm lịch trở về là cũng lúc người dân ra bãi sông làm đất trồng cải. Mùa cải được kéo dài từ tháng mười âm lịch cho tận tháng một năm sau.
Tôi nhớ những hạt cây vừa nảy mầm trên mặt đất. Chúng tưởng chừng yếu ớt, nhỏ xíu non run rẩy nhưng lại có một sức sống vô cùng kiên cường, mạnh mẽ. Chúng xuyên qua đám đất nâu được người nông dân làm tơi xốp, uống nước sông và những giọt sương mai tinh khiến rồi lớn lên xanh tươi. Một điều thú vị mà mãi những năm về sau tôi mới nhận ra, không phải loài cải nào cũng có thể nở ra những bông hoa màu vàng. Và cũng không phải loài cải nào tôi cũng thích thú. Chỉ những cây cải ngồng mới có thể tạo ra được những bông hoa màu vàng nhỏ xíu như cánh bướm, phất phơ trước gió.
Thân và lá cải ngồng có một mùi hăng dịu nhẹ. Cái mùi không đến nỗi người ta phải xa lánh mà tạo một cảm giác tò mò, kích thích vị giác. Nhất là khi ta vô tình chạm nhẹ vào lá, chúng tiết ra cái mùi đặc trưng đó. Nó đánh thức vị giác hơn nữa khi được xào nấu hay luộc lên.
Một dĩa cải ngồng xanh mơn mởn trên mâm là bữa ăn đầy ký ức của tôi ngày ấy. Đó là những bữa cơm đạm bạc của nhà nghèo. Mâm cơm suốt mùa cải lúc nào cũng chỉ quanh quẩn dĩa cải ngồng luộc, bát nước mắm cáy chấm và chút cá khô rim mặn. Có lẽ do thói quen chịu khổ hoặc vì một điều thần kỳ nào đó mà tôi chẳng bao giờ ăn thấy chán. Tôi nhẩn nha từng cọng cải, vị ngọt thấm vào đầu lưỡi rồi tan chảy đi xuống khoang bụng. Vị nước cải luộc cũng ngọt theo một cách thật riêng. Mẹ tôi nói, vị ngọt cải ngồng đến từ tự nhiên, được chắt lọc từ những hạt phù sa mà sông quê bồi đắp. Tôi thì thấy hình như vị ngọt ấy đến từ quê hương nghĩa tình. Nghe chừng cũng rất hợp lý.
|
Hồi nhỏ chăn bò, những đứa trẻ mục đồng chúng tôi lúc nào cũng thích được quẩn quanh bãi sông để tiện ngắm hoa cải. Chúng tôi chơi trò trốn tìm, cô dâu chú rể, hoàng tử công chúa… Và dùng những bông hoa cải tết thành vương miện đội lên đầu. Thật rực rỡ và lộng lẫy. Như một khung cảnh trong câu chuyện cổ tích ngoài đời thường. Không có một cô công chúa, một cô dâu mà tất cả những bạn gái đều là công chúa, cô dâu, tất cả đám con trai đều là hoàng tử, chú rể. Chúng tôi đã có những khoảnh khắc tít mắt cười lên thích thú, âm thanh hòa cùng gió đông gió từ sông thổi ngược lên phả lọn tóc mây mát rượi. Trước mắt tôi, một màu hoa cải thật bình yên trải dài vô tận, dường như chúng chạy xa tít tắp tận cuối chân trời.
Bao mùa cải đã qua, bao ngọn gió đông đã thổi rạt khắp triền sông, bao điều đã trở thành xưa cũ và bao điều mới mẻ chợt hiện ra. Tôi thênh thang bước trên đường đời rộng lớn, đôi khi ngoái nhìn lại tôi thấy những mùa cải ấy, triền sông vẫn vàng rực, thật tinh khôi, thơm tho và nhiều ước vọng. Ký ức của tôi! Mùa cải của tôi! Tôi muốn ôm trọn vào trong ngăn nhỏ trái tim.
Mai Thị Trúc
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202412/mua-cai-ky-uc-2222842/