(QBĐT) – Nếu có dịp ngược miền sơn cước trên Quốc lộ 12A, hoặc theo đò dọc thưởng ngoạn cảnh đẹp đôi bờ sông Gianh, hay chỉ tình cờ ngang qua chốn này bằng tàu hỏa, bạn sẽ bắt gặp một ngôi làng trù phú, tươi đẹp tựa non bồng thủy tú. Đó là hình ảnh của một Minh Cầm đang trên đường phát triển với nhiều đổi thay trên tất cả các lĩnh vực nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, tinh khôi đến diệu kỳ.
Minh Cầm là tên gọi chung của vùng đất nằm ở bờ Bắc sông Gianh, thuộc xã Phong Hóa (Tuyên Hóa). Bao gồm các thôn Minh Cầm Trang, Minh Cầm Nội, Minh Cầm Ngoại và Yên Tố. Vốn trước đây là một trang (tương đương cấp xã, phường, thôn) dưới thời phong kiến, gọi là trang Minh Cầm, sau phát triển và chia tách thành 4 thôn như ngày nay. Là vùng đất nổi tiếng nhân kiệt, địa linh, sơn thanh, thủy tú. Bởi vậy, kể từ khi huyện Tuyên Hóa được thành lập (năm 1875) cho đến nay, phần lớn thời gian trung tâm hành chính của huyện đều đóng ở đây.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Huyện lỵ Tuyên Hóa năm Tự Đức thứ 28 (1875), đặt ở phường Xuân Canh. Năm thứ 34 (1881) dời đến trang Minh Cầm. Năm Thành Thái thứ 12 (1900), xây gạch đá, lợp ngói. Năm thứ 16 (1904), dời đến phường Đồng Văn, chu vi 170 trượng.
Không rõ lỵ sở Tuyên Hóa lúc đó dời đến phường Đồng Văn được bao lâu nhưng sau đó lại chuyển về Minh Cầm cho đến năm 1945 khi cách mạng cướp chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1977 cơ quan hành chính của huyện Tuyên Hóa vẫn chủ yếu đặt ở Minh Cầm. Tháng 4 năm 1977, hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa sáp nhập thành một đơn vị hành chính lấy tên là Tuyên Hóa thuộc tỉnh Bình-Trị-Thiên. Lúc này, trung tâm hành chính của huyện mới chuyển lên Đồng Lê như hiện nay.
|
Minh Cầm được hiểu là cây đàn đẹp đẽ hoặc tiếng đàn trong trẻo, tươi sáng. Theo từ điển Hán-Việt, chữ “Minh” có nhiều nghĩa, nhưng phổ biến nhất là “sáng sủa, quang minh, hiểu biết, rõ ràng, minh bạch…”. “Cầm” là cây đàn. Đặt tên cho vùng đất này, hẳn người xưa đã kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và ước vọng về một đời sống thanh cao, phồn thịnh.
Theo nhà giáo ưu tú Hồ Duy Thế (87 tuổi), thôn Yên Tố, xã Phong Hóa thì làng Minh Cầm được hình thành cách đây khoảng 500 năm do 7 dòng họ từ các nơi tụ về. Trong đó, tổ tiên họ Hồ ở Minh Cầm từ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An di cư đến. Ba cha con ông Hồ Công Cao đi từ Nghệ An vào Hương Khê, Hà Tĩnh rồi theo sông Gianh xuôi về đến đây gặp thế đất đẹp, khí hậu trong lành, sơn thủy hữu tình nên đã quyết định dừng chân định cư nơi đây.
Làng nằm dựa lưng vào dãy Hoành Sơn hùng vĩ ở phía Bắc, hướng mặt ra dòng sông Gianh xanh biếc quanh co uốn lượn ở phía Nam. Phía Tây có lèn Phúc Lâm sừng sững nhìn xuống, phía Đông có hòn Động Hương như một bức bình phong. Bức tranh làng quê càng trở nên tươi đẹp hơn từ màu xanh của đồng lúa, bãi ngô và những hàng tro (cọ) trăm năm tỏa bóng bên Quốc lộ 12A, sen hồng nở rộ vào mùa hè giữa cánh đồng thơm ngát, những con đường nông thôn mới sạch sẽ, nhà cửa khang trang, đời sống của người dân đang đổi thay từng ngày.
Đứng trên cầu Sảo Phong phóng tầm mắt về xuôi ngắm trùng trùng núi đá, mây trắng bồng bềnh, sông xanh vời vợi khiến ta không khỏi vấn vương về một vùng quê yên bình như cổ tích. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng cùng lối sống hiền hòa, bình dị của người dân nơi đây khiến Minh Cầm trở thành điểm dừng chân bao người phải xao xuyến.
Hang Minh Cầm nằm ở bờ Nam sông Gianh, dưới chân núi đá vôi sừng sững, là một di tích có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, du lịch. Nơi đây cũng từng được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí, lương thực, che chở cho bộ đội và nhân dân trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Minh Cầm là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, là niềm tự hào của mỗi người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Theo những người cao tuổi, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở xã Phong Hóa làng nào cũng có đình làng, hàng năm người dân tổ chức lễ hội để tưởng nhớ những người có công với làng, với nước. Trong đó, đình làng Minh Cầm Trang được xây dựng to đẹp, bề thế nhất bằng nhiều loại gỗ quý.
Trong những ngày lễ hội, đình làng không chỉ là nơi diễn ra lễ cúng tế các vị thần, thành hoàng làng, các vị tiền khai canh, mà còn là một sân chơi lớn, một sân khấu, một câu lạc bộ chung của nhân dân trong làng với nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao sôi nổi. Rất tiếc, vào năm 1968 đình làng Minh Cầm Trang đã bị bom Mỹ phá hỏng, sau chiến tranh, xã Phong Hóa đã cho chủ trương tháo dỡ.
Ngoài lễ hội đình làng, người dân Minh Cầm, xã Phong Hóa trước đây còn tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi. Đồng thời, đây cũng là dịp để trai gái thi thố tài năng, rèn luyện sức khỏe. Trong các dịp lễ hội hoặc những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú trong làng thường tụ tập giao lưu văn hóa văn nghệ bằng những điệu hò đối đáp, hát giao duyên…
Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đã tạo cho con người Minh Cầm có nhiều đức tính tốt đẹp. Đó là đức tính cần cù lao động, tôn trọng tình làng nghĩa xóm, hiếu khách. Người dân Minh Cầm nói riêng, xã Phong Hóa nói chung còn có truyền thống đoàn kết, yêu nước, anh dũng kiên cường trong kháng chiến; chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất; thông minh, hiếu học.
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân nơi đây đã nghe lời kêu gọi của các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Mai Lượng lập căn cứ kháng chiến chống Pháp. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết: “Thân hào các phủ huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch thuộc hạt Quảng Bình khởi loạn dựng các hiệu cờ “Cần vương cử nghĩa”.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, người dân Minh Cầm đã sát cánh cùng với các lực lượng cách mạng nhất tề đứng lên đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, dành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Minh Cầm nói riêng, xã Phong Hóa nói chung ra sức sản xuất, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Ở hậu phương, nhân dân nhường nhà cho bộ đội ở, cho các cơ quan của tỉnh, của huyện sơ tán về, nhường cơm sẻ áo cho bà con các vùng bị tạm chiếm lên tản cư, làm tốt nhiệm vụ hậu phương với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, các thế hệ con em Minh Cầm không ngừng nỗ lực rèn luyện, học tập, phấn đấu. Nhiều người đỗ đạt, trở thành cán bộ khoa học, lãnh đạo chủ chốt của huyện, lãnh đạo các ban, ngành cấp tỉnh, Trung ương. Có nhiều con em là tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ trung, cao cấp trong Quân đội, Công an; nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú…
Hội tụ đủ các yếu tố vị trí địa lý, lịch sử văn hóa và con người nghĩa tình, kiên trung, Minh Cầm đã trở thành vùng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của xã Phong Hóa và huyện Tuyên Hóa.
Văn Tư
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/minh-cam-vung-dat-lich-su-van-hoa-2223569/