(QBĐT) – Không hiểu sao khi bước vào tháng giêng tôi lại thường hay nghĩ về mẹ. Tháng giêng như một cánh cửa khép lại năm cũ và bước sang năm mới với bao hồi hộp, bao ước vọng, bao khấp khởi mừng vui.
Không hiểu sao khi bước vào tháng giêng tôi lại thường hay nghĩ về mẹ. Tháng giêng như một cánh cửa khép lại năm cũ và bước sang năm mới với bao hồi hộp, bao ước vọng, bao khấp khởi mừng vui. Mẹ tôi người suốt đời chăm lo đàn con mà quên mình, quên tuổi già.
Những đêm canh khuya mẹ có nghe thấy từng sợi tóc rì rầm bạc không? Sợi tóc lật đêm sang ngày, sợi tóc như chuốt bao nắng mưa, sương gió, sợi tóc như sợi chỉ vá may một đời, thêu dệt bao nỗi niềm, chuốt lại bao buồn vui, để mong sao mọi lành lặn, mọi đủ đầy, mọi vuông tròn. Với mẹ, hai chữ hoàn hảo là một ước vọng, một khát khao, một tận hiến. Khi sinh con ra, điều mong mỏi đầu tiên của mẹ là: “Dù mẹ có mất gì thì mất/Nhưng con không bao giờ được thiếu hụt con ơi”.
Và một tháng giêng tròn đầy, tháng giêng tươi mới, tháng giêng tinh khôi đã về với mẹ. Cây vườn ra lộc xanh non. Ôi những con mắt lá như dấu môi cứ thế xanh, như: “việc của mình là xanh”, cứ thế lấp lánh nắng, nắng xuân đến ngỡ ngàng dịu dịu, nắng như một hồi quang, hồi sinh diệp lục.
|
Tháng giêng là mùa lễ hội với bao dự định bao ước ao, bao thấp thỏm đợi chờ khi thời gian chùng chình chậm rãi. Bước chân mẹ thật ung dung tự tại khi bước qua con đê vòng, qua bến chợ quen, qua bao mấp mô đồng ruộng để thong thả lên chùa. Tháng giêng như một cây gậy chống để mẹ chậm bước chân mình, nhẩm tuổi mình để miếng trầu xua đi nếp nhăn, rạng rỡ làn da tươi tắn nụ cười.
Nhưng tháng giêng mẹ đã đâu hết âu lo, mẹ sinh ra để lo những cơ nhỡ thiếu hụt, những vơi đầy phấp phỏng, mẹ ít khi được nhân lên mà thường sẻ chia, ít khi được cộng vào mà thường bị trừ đi. Nào là dự phòng, nào là lo tích trữ vun vén. Ít khi hai chữ đủ đầy đến với mẹ mà bao giờ cũng có cảm giác thiêu thiếu. Mẹ có bao giờ rảnh rỗi đâu, chỉ một vuông sân gạch nhỏ mà mẹ phơi, mẹ quét, mẹ sàng, mẹ sảy quanh năm.
Mẹ thường gọi tháng chạp là “giỗ chạp” có bao nhiêu việc phải lo trong ngày cận Tết mà phải tới tháng giêng sau Tết mẹ mới đằm mình trong những phút phiêu diêu với tiếng mõ gõ đều đặn, lần chuỗi hạt luân hồi của thời gian. Tháng giêng đã trả về cho mẹ những đằm thắm thương mến, những nghĩa tình ở một bề sâu tâm linh, ở một cõi mơ nhân hậu để cân bằng lại những lo toan, những bộn bề ngày Tết mới qua.
Tháng giêng như một phép cộng nhân ái, cộng vào lễ hội với bao chan chứa sẻ chia, cộng vào lộc xuân với bao niềm vui tươi mới, cộng vào nắng non với bao ngọt lành mong đợi. Và sau giêng hai là tháng ba lại về. Tháng ba với bao sắc hoa: Trắng hoa bưởi, tím hoa xoan và đỏ của hoa gạo, hòa vào nhau như trắng của vôi, xanh đậm lá trầu, nâu của cau cho nước trầu đậm đà đỏ thắm.
Trong tiết trời tháng giêng sương mù vẫn ánh lên những tia nắng xuân không gãy. “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc”, trong rét vẫn có hồi âm sức ấm nóng của tình người, đó là lộc của cuộc đời, lộc của bao yêu thương nhân hậu.
Mùa xuân là mùa đẹp nhất mở đầu cho một năm mới với bao niềm tin yêu. Tháng giêng đã mở ra cánh cửa tỏa rạng từ tâm hồn con người đến sức sống trỗi dậy đâm chồi nảy lộc của thiên nhiên. Tháng giêng là mùa đi hái lộc xuân, con lại càng thổn thức đồng cảm với những câu thơ chạm đến cõi người, cõi mình của thi sĩ Vũ Dạ Phương: “Mùa xuân/Muốn hái lộc xuân/Hoa thơm tặng bạn/Nụ mầm tặng anh/Giơ tay định ngắt mấy lần/Thấy xuân mớn mởn/Trong ngần/Lại thôi”.
Cái chần chừ, cái luyến tiếc, cái lựa chọn thật nhân văn biết bao. Đó cũng là lúc con nghĩ về mẹ với một tháng giêng tròn đầy, tháng giêng rạo rực non tơ, tháng giêng đi qua bao cũ càng để dâng đời, dâng người bao mới mẻ. Tháng giêng cũng chính là hình bóng mẹ-Mẹ ơi!
Nguyễn Ngọc Phú