(QBĐT) – Những sai sót từ nội dung phông nền các hoạt động tuyên truyền, hội nghị, hội thảo thường tác động không nhỏ đến nội dung, ý nghĩa của tổng thể sự kiện, đặc biệt là tính chuyên nghiệp cần có ở những sự kiện quan trọng.
1. Một chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật diễn ra ở huyện nọ thu. hút rất đông người dân tham gia, nhất là các bạn trẻ, bởi ứng dụng hình thức tuyên truyền mới sinh động, cụ thể và nhập vai giả định. Tuy nhiên, dòng chữ in trên tấm phông nền của chương trình lại mắc một lỗi diễn đạt nghiêm trọng. Vậy là thay vì ý nghĩa ban đầu, từ tấm phông nền này, người xem lại hiểu chương trình đang tuyên truyền, phổ biến về một hành vi không đúng pháp luật. Sự cố chỉ được phát hiện ra ngay khi chương trình bắt đầu được vài phút khiến ban tổ chức không kịp trở tay. Rất may là chương trình hấp dẫn, ấn tượng nên khán giả không mấy quan tâm đến lỗi sai của tấm phông nền, chỉ có giới báo chí là vất vả chụp ảnh, ghi hình sao cho không để “lọt” lỗi sai này!
Phía ban tổ chức giải thích, bản mẫu của phông nền từ đơn vị cấp tỉnh gửi cho địa phương không có nội dung như vậy, nhưng do địa phương tự ý sửa chữa mà không thông qua hay trao đổi lại, dẫn đến sai sót này. Phía tỉnh cũng chủ quan, không kiểm tra trước khi chương trình diễn ra nên mới để xảy ra lỗi.
2. Cũng tại một hội thảo khoa học nọ, một lỗi thiếu từ lại xuất hiện ngay ở trên tấm phông nền của hội thảo. Lỗi này không dễ phát hiện, nhưng nếu ai quan tâm và theo dõi hội thảo sẽ dễ biết ngay. Đại diện đơn vị tổ chức giải thích “nhẹ”: “Do lỗi đánh máy nên sai sót, rất mong được thông cảm!”. Hay tại một lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, tấm phông nền lại là “nạn nhân” khi một lỗi chính tả “vô duyên” đã xuất hiện ngay trên màn hình chính. Ngay khi phát hiện lỗi, ban tổ chức đã nhẹ nhàng nhờ phóng viên khi chụp ảnh tuyên truyền cố gắng tránh lỗi chính tả này.
3. Đây là những lỗi cơ bản trong quá trình triển khai một chương trình hay hội thảo nhưng rất dễ dẫn đến tác động lớn đến nội dung, ý nghĩa của tổng thể sự kiện, đặc biệt là tính chuyên nghiệp cần có ở những sự kiện quan trọng. Đáng buồn là những lỗi này lại không phải hiếm hoi. Thực tế cho thấy, nếu có sự trách nhiệm, cẩn thận ngay từ ban đầu chắc chắn sẽ không để xảy ra những lỗi tương tự. Đồng thời, sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ cấp trên, không chủ quan, buông lỏng khi giao việc cho cấp cơ sở, địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Có như vậy, “lỗi của anh đánh máy” mới được khắc phục triệt để.
Quảng Hạ
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202411/chuyen-quan-ly-loi-tai-ai-2222143/