(QBĐT) – Trận lụt do hoàn lưu của bão số 6 đã để lại những hậu quả nặng nề cho Quảng Bình nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng. Đây là một trong những trận lụt to trong 10 năm trở lại đây. Cùng với cơn “đại hồng thủy” năm 2020, trận lụt này khiến chúng ta có nhiều suy ngẫm về phương thức phòng, chống thiên tai khắc nghiệt, nhất là ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Trong ba ngày lũ cuối tháng 10/2024, mưa lớn ở các xã biên giới Lâm Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy cùng với những trận mưa lớn ở đồng bằng khiến nước dâng cao và nhanh đã nhấn chìm toàn bộ các xã của huyện Lệ Thủy. Chưa có khi nào, nước lũ đột ngột đến với các xã vùng ven, vùng trung du: Trường Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Mai Thủy. Có nơi nước lên đến 1,5m, điều này khiến người dân bất ngờ, không kịp đối phó nên có nhiều thiệt hại về phương tiện ô tô, xe máy và vật nuôi.
Thiệt hại gia tăng nghiêm trọng về tài sản và cơ sở hạ tầng ở hầu hết các xã ở vùng giữa: An Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy. Lớp bùn dày khoảng 30cm phủ kín khắp mọi nơi, từ nhà dân đến các công trình công cộng, đường sá và trường học, gây khó khăn lớn trong công tác khôi phục sau lũ. Dòng Kiến Giang, đục ngầu với hàng triệu mét khối nước và bùn đất từ núi rừng, sông ngòi đổ xuống đồng bằng. Nước lũ cuốn theo bùn đất, rác thải làm ngập úng nhà cửa, các công trình công cộng, gây thiệt hại kinh tế lớn. Nhiều gia đình bị cuốn trôi tài sản, mất kế sinh nhai và rơi vào cảnh trắng tay.
|
Trước đó, chính quyền địa phương, các phương tiện truyền thông đã có những cảnh báo và phương án phòng, chống lũ lụt quyết liệt, kịp thời. Song qua trận lụt này đã làm nổi bật một thực tế: Thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt và không thể dự báo một cách chính xác. Cơn bão Trà My có biến đổi khó lường, thay đổi liên tục về hướng đi nên đặt ra những thách thức lớn cho công tác phòng, chống và ứng phó với lũ lụt trong tương lai.
Người dân Lệ Thủy, tuy quen thuộc với cảnh lũ lụt nhưng phải đối diện với một thực tế mới là thời gian hồi phục và khôi phục sau lụt sẽ kéo dài hơn, tốn kém hơn do lụt tác động đến cơ sở hạ tầng và gây ra những hư hại lớn về nhà cửa, trang trại chăn nuôi. Các cấp chính quyền đã có những chỉ đạo kịp thời trong việc sơ tán người dân và triển khai các biện pháp ứng phó nhanh, nhưng vẫn còn đó những vấn đề vượt ra khả năng của con người do sức mạnh không cản được của tự nhiên. Bên cạnh việc ứng cứu kịp thời, lãnh đạo các cấp đã có những cuộc họp khẩn để đánh giá lại các phương án chống lụt, đồng thời đề xuất nâng cấp hệ thống cảnh báo và cải thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ, nhằm bảo vệ tốt hơn cho cuộc sống của người dân.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 3-8/11 miền Trung sẽ có mưa trên diện rộng. Người dân đã bắt đầu tích nước sạch, lương thực dự trữ, kê cao đồ đạc trong nhà.
Những gia đình đang trú ẩn ở các nhà gỗ có rầm (tra) ở các căn nhà lợp ngói và tôn cấp 4 nên lưu ý đường thoát khi cửa chính bị bít bởi lụt. Tốt nhất là gọi điện cho nhà hàng xóm có nhà 2 tầng kiên cố để sang trú ẩn hoặc liên lạc với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã để đến các nhà chống lũ hoặc các trường học để lưu trú. Các nhóm cứu hộ tự phát (nếu có) không nên di chuyển cano vào khu dân cư vì sóng từ cano và thuyền lớn có thể làm đổ tường nhà dân. Nên theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và lực lượng Công an, Quân đội tại chỗ.
Trận lụt trong những ngày qua tại Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung là lời nhắc nhở về sự cần thiết của việc chuẩn bị và phòng, chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Những lớp bùn dày 40cm phủ khắp huyện Lệ Thủy, các xã ngập sâu trong lụt và những bài học từ trận lụt chính là động lực để cả người dân và chính quyền xây dựng một hệ thống ứng phó mạnh mẽ và linh hoạt hơn trước những thách thức mà thiên nhiên đặt ra.
Ngô Mậu Tình
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202411/linh-hoat-ung-pho-voi-thien-tai-2222164/