(QBĐT) – Lau đã trổ bông… Tôi nhớ câu nói đó như nhớ cái niềm mong muôn thuở của con người sinh ra và lớn lên nhờ khoai sắn ở vùng đất bão hay đổ vào. Dải đất đòn gánh mỗi năm thường đón vài cơn bão đến từ vùng nước ấm bao la mà ta thường gọi là Thái Bình Dương. Có nhẵn quen mặt bão đến mấy thì dân quê tôi vẫn thấp thỏm âu lo khi chia tay mùa gió phơn ào ạt tràn xuống từ dãy Trường Sơn trùng điệp. Hết mùa nắng nóng lại tới mùa mưa bão, cái điệp khúc thời tiết ấy ám vào vùng đất tôi sinh ra như một mặc định nghiệt ngã hàng ngàn năm nay rồi.
Và, những cơn cuồng phong sẽ ngớt khi từng lọn gió lạnh từ phương Bắc đã tràn về cùng mùa đông chính thức có mặt ở dải đất níu tựa vào Trường Sơn để không bị trôi ra biển này. Như đã hẹn, lưng đồi, lưng đèo những khóm lau xào xạc trổ bông trắng muốt phất phơ trong gió. Lau đã trổ bông rồi tề… ui chao, năm ni bão đã hết! Ai thốt lên câu đó. Bà tôi. Mẹ tôi. Bố tôi. Rồi đến lượt tôi cũng thảng thốt cất lên. Chẳng biết, sau này, con tôi, cháu tôi và đến chắt của tôi có nói câu đó nữa không?
Lau đã trổ bông… Chẳng mấy đận nữa năm sẽ hết và Tết sẽ đến. Tết chính là hình dung yêu dấu vô cùng lãng mạn với tôi từ thời nảo, thời nào. Sinh ra và lớn lên ở miền nghèo, tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã nghèo và… nhà nghèo, nên có lẽ cầu mong lớn nhất của tôi chính là sự thuận hòa mưa gió. Trời đừng gây ra bão lũ dữ dằn để cho bồ lẫm của nhà tôi và của những nhà khác nữa không bị trơ trống vào kỳ giáp hạt, cho tôi có cái ăn để đến trường, cho mấy đứa em tôi đừng khóc đứng, khóc ngồi vì đói.
|
Năm thuận hòa sẽ cho bát cơm kẻ khó đầy hơn, miếng thịt lợn ngày cuối năm của tháng chạp ta bớt mỏng đi và chúng tôi những đứa trẻ gầy gò xanh xao được hít hà mùi thơm áo mới vào sáng mồng một cùng với niềm sung sướng không thể nào diễn tả hết khi cầm trên tay tờ một hào tươi đỏ vừa được lì xì. Tôi đang kể chuyện cổ tích đấy sao. Câu chuyện rất dễ mủi lòng làm rưng rưng những kẻ ưa hoài niệm như tôi. Cuộc sống đã đổi thay quá nhiều, sự sướng khổ không bị ướm khít vào cái ăn, cái mặc bao nhiêu nữa, Tết bây giờ là “Tết chơi” chứ không còn là “Tết ăn” nữa. Nhiều cách chọn lựa cho “Tết chơi” trong đó du lịch là một.
Nói là nói vậy thôi, chứ thời nào người ta cũng cầu mong trời yên biển lặng cả. Biến đổi khí hậu đang trở thành mối nguy số một cho sự sống trên hành tinh xanh này. Năm 2024, nhân loại được biết tới những cơn bão trăm năm có một. Gọi đúng tên nó là siêu bão. Cuồng phong được xếp vào ở những cấp cao nhất của bão tố. Yagi. Milton. Những siêu bão trong năm 2024 làm kinh hoàng nhân loại. Đã đạt tới mức cao nhất về cấp độ bão mà con người có thể chịu đựng.
Ngưỡng chịu đựng của “Hành tinh xanh” cũng chỉ ở mức đó thôi, sự hủy diệt là điều khó tránh khỏi. Nguyên do cũng bởi phần lớn tại con người đối xử thiếu chừng mực với chính nơi mình cư trú, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, biển ấm lên do hiệu ứng nhà kính làm tăng năng lượng cho những xoáy bão vốn xuất phát từ đại dương bao la.
Trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2024 thí sinh Võ Quang Phú Đức đến từ Thừa Thiên-Huế đã làm không ít người sửng sốt khi giải mã được câu “Vượt chướng ngại vật” lúc chưa có dòng chữ nào xuất hiện. Đó là Net zero (đưa thế giới về trạng thái phát thải ròng bằng không càng sớm, càng tốt chậm nhất là năm 2050) để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Chẳng phải bây giờ mà từ lâu rồi, thời ta hay nói là ngày xửa ngày xưa ấy, tổ tiên ông cha ta đã “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng…”
Cảm thức về sức mạnh vô tận của vũ trụ luôn thường trực trong cổ nhân, một thời ta nghĩ ấy là do con người chưa thấu hiểu, chưa làm chủ được thiên nhiên. Hóa ra, sự ngây thơ ấu trĩ lại thuộc về con người hiện đại thích tồn tại bằng cách áp đặt, áp chế, “bóc lột” thiên nhiên… May mà đến lúc con người cũng tỉnh ngộ ra để biết tìm cách sửa sai, biết quay về với cách sống nương tựa vào thiên nhiên để tồn tại.
Thì nào, sự trả giá của con người với thiên nhiên thế là đã đủ, chớ dại dột làm điều gì tồi tệ hơn. Cho trái đất xanh trở lại. Cho nơi hơn 8 tỷ con người đang chen chúc sống trên đó trở lại trong sạch. Net zero. Mục đích và chương trình hành động thế kỷ ấy chẳng của riêng quốc gia nào, vùng miền nào, gia đình nào, thậm chí của người nào.
Nó phải trở thành chuyện thường ngày, việc thường ngày của chúng ta nhưng trước hết phải là cam kết chắc chắn và hành động quyết liệt của các quốc gia, nói là làm, làm phải được. Có thế mới cứu được loài người khỏi nguy cơ tận thế. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của tôi thì đấy rõ ràng là một việc khó. Đến hôm nay, ngư dân mổ bụng những chú cá ngừ đại dương vẫn thấy trong đó có màn hình ti vi hay những chiếc đinh ốc vít. Dưới đáy biển thăm thẳm vẫn có những container hàng bị chìm hay hàng nghìn, hàng nghìn tấn rác thải nhựa.
Người ta tính ra rằng ở 28 tỉnh ven biển của Việt Nam mỗi năm có khoảng 14,03 triệu tấn chất thải rắn (ước chừng 38.500 tấn mỗi ngày). Đừng nói chuyện gì xa xôi nữa, ngay chuyện bỏ dần và tiến tới bỏ hẳn đi cái túi nhựa đựng đồ mua hàng cũng rất khó thực hiện rồi. Bao giờ cho tới ngày xưa đây, khi người phụ nữ đi chợ xách theo chiếc làn mây, đồng quà tấm bánh được gọi trong những mảnh lá chuối, lá dong quen thuộc.
Bình yên. Đấy chính là khát khao lớn nhất của con người. Ở thời nào, góc độ nào tôi cũng thấy điều đó không sai. Mong lắm bốn mùa bình yên mà chặng khởi niên bao giờ cũng được con người ướm đặt nhiều hy vọng nhất. Lau trổ bông, cái dấu hiệu không còn những cơn bão trong năm nữa được truyền tụng lại như một trải nghiệm dân gian mang trong nó nhiều cảm xúc quá.
Chẳng thế, mà khi qua đèo hay lên núi hoặc gặp ở đâu những bông lau trắng phất phơ trong gió lạnh lòng tôi lại bâng khuâng. Gặp lại hình ảnh thân thuộc của quê hương, gợi nhắc những mảnh hồi ức yêu dấu của một thời. Cái đã qua trở lại như sự luân khúc của mùa màng, cây cỏ có chút ngậm ngùi xao xác, cả sự tiếc nuối mơ hồ và lâng lâng những hy vọng. Hình như ở độ tuổi nào cũng thế thôi, hy vọng vẫn là cái không dễ mất đi trong tâm cảm mỗi người. Trải qua nhiều nhọc nhằn bầm dập, nhiều chìm nổi lênh đênh thì hy vọng càng hướng tới sự bình dị trong trẻo.
Khi con người thấm thía cái lẽ trời cao đất dày là sẽ biết bằng lòng với cái ta đã có, đang có, biết tối giản hóa cuộc sống của mình, không tham lam và cũng không lãng phí kể từ một khắc thời gian trở đi hay chỉ là một bát cơm ăn dở. Trộm nghĩ, chẳng có cái gì là vô tình cả, mọi sự sắp đặt trong thiên nhiên đều hữu ý. Một ráng trời đỏ rực hay một áng mây vàng hươm. Con chuồn chuồn bay thấp và lũ kiến rối rít bò lên cao…
Bình yên. Lời chúc năm mới cần thiết nhất có lẽ cũng chỉ vậy thôi. Bình yên. Cho mỗi gia đình. Cho quê hương. Cho Tổ quốc. Cho nhân loại. Cho mỗi người, biết sống thật tử tế để lòng nhẹ nhàng thanh thản. Khi bình yên con người sẽ hạnh phúc. Đến tuổi này, tôi tin điều đó là đúng nhất!
Nguyễn Hữu Quý
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/lau-da-tro-bong-2224030/