Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên về nạn lãng phí, Người căn dặn: Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…
|
|
Lãng phí, câu chuyện “biết rồi, nói mãi” luôn hiện hữu trong cuộc sống từng ngày, từng giờ, trên tất cả các lĩnh vực mà những ai quan tâm đều có thể nhận diện được, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ngày ngày, cư dân TP. Đồng Hới di chuyển trên những “con đường đau khổ” bị đào lên, lấp xuống, bụi mù mịt vào mùa khô, bùn đất, ổ gà, ổ voi đọng nước vào mùa mưa bởi tác động từ dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới do Ban Quản lý Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư đang triển khai.
Dự án có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD; trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 30 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD, vốn đối ứng 7,8 triệu USD. Dự án triển khai trong 5 năm (2017-2022) và được gia hạn đến ngày 31/12/2024. Mặc dù đã gần hết năm 2024, nhưng xem ra dự án thêm một lần “lỡ hẹn”, để lại nhiều hệ lụy cho người dân, trở thành minh chứng về sự lãng phí thời gian, tiền bạc.
|
Một công trình quy mô khác cũng được dư luận đề cập về sự lãng phí là dự án Cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Hàn Quốc gần 14 triệu USD, được khởi công từ tháng 7/2015, hoàn thành tháng 9/2019.
Quy mô dự án với gần 400 điểm cấp điện, trên 3.000 tấm pin mặt trời, tổng công suất gần 750KWp, cung cấp nguồn điện sinh hoạt cho 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công tại địa bàn 40 thôn, bản vùng sâu, vùng xa của 4 huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa. Sau khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn thì bị hư hỏng, ngưng trệ, chỉ còn một vài điểm có thể cấp điện nhưng không ổn định.
|
TP. Đồng Hới với những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, trong giai đoạn “nóng” đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở các khu “đất vàng” Bảo Ninh, Quang Phú, Đồng Phú, Phú Hải.
Giai đoạn phát triển “nóng” qua đi, hàng loạt dự án khách sạn, khu thương mại, dịch vụ tọa lạc tại các vị trí đắc địa xây dựng dang dở phải tạm dừng lại, hoặc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ nhiều lần.
Kết quả, nhiều tòa nhà cao tầng bị bỏ mặc cho mưa nắng, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu, quyết toán, gây ra sự lãng phí không hề nhỏ.
|
Năm 2023, tuyến đường nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh TP. Đồng Hới giá trị đầu tư trên 165 tỷ đồng hoàn thành. Mục tiêu lớn xác định ban đầu, tuyến đường sẽ tạo nguồn lực cho sự phát triển chung TP. Đồng Hới và các xã, phường: Phú Hải, Bảo Ninh, Đức Ninh Đông, Đức Ninh và Nghĩa Ninh; kết nối hạ tầng liên tục từ Đông sang Tây qua cầu Nhật Lệ 2, nối trung tâm thành phố với khu du lịch Bảo Ninh…
Tuy nhiên đến nay, tuyến đường đang nguy cơ biến thành “ngõ cụt” khi chủ đầu tư BOT không chấp thuận cho đấu nối vào tuyến đường tránh. Đường làm xong, không có lưu thông… thành lãng phí.
Còn nhiều công trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nguy cơ lãng phí…
|
|
Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Lương Bình, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ nhiều tồn tại, như: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công. Cổ phần hóa, xử lý thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm.
Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau…
Vì thế, chống lãng phí như là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp như phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cần phải đặt ngang hàng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là nhận thức mới của Đảng, trở thành phương châm hành động xuyên suốt, nhất quán. Nếu xem lãng phí là thứ “giặc trong lòng” thì bản thân mỗi một cá nhân, cán bộ, đảng viên cần “gạn đục, khơi trong”, làm những gì lợi ích chính đáng cho cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, quốc gia, dân tộc thì nên làm.
|
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Lương Bình nhấn mạnh: Đối với tỉnh Quảng Bình, quy mô nền kinh tế phát triển chưa lớn, nhân dân Quảng Bình có truyền thống “hai giỏi”, “cần, kiệm”, nên tình trạng lãng phí mặc dù tồn tại nhưng chưa phát hiện các vụ, việc lớn gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong thực tế, tình trạng lãng phí về thời gian, thời cơ, nguồn nhân lực, đầu tư, đầu tư công; sử dụng, quản lý tài sản công vẫn còn. Đặc biệt, việc chưa phát hiện, chậm phát hiện lãng phí trên tất cả các lĩnh vực sẽ tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu.
Để ngăn ngừa, phòng chống lãng phí hiệu quả, trước hết chúng ta phải nhận diện được muôn mặt về sự lãng phí đang tồn tại mà Tổng Bí thư chỉ ra trong bài viết “Chống lãng phí”.
|
Nội dung và ảnh: NGÔ THANH LONG
Thiết kế & đồ họa: HẢI PHƯỢNG
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/Multimedia/emagazine/202412/lang-phi-mot-thu-giac-trong-long-2222717/