(QBĐT) – Những cơn mưa xối xả như trút hết nỗi niềm của trời đất. Mưa đuổi nhau rầm rộ như một cuộc hẹn hò, tụ họp lâu ngày. Mưa thăng hoa, ầm ĩ…
Nước theo mưa lẫn vào đất cũng có cung có bậc. Có nơi ầm ào như thác lũ, có nơi tràn ứ rồi căng lên như một nỗi oan khuất mà ai đó phải gánh chịu. Có khi nghe mưa vào đất như một sự ấm ức, nức nở, buồn thương của một người xa xứ!
Có lẽ muôn kiếp này mưa và người đã xoắn buộc vào nhau. Mỗi lần đứng trước mưa, lòng ta lại mang bao nỗi niềm. Mà những nỗi niềm ấy lại triền miên như mưa vậy! Rồi đâu đó mưa lại êm đềm lắng thấm như một bản nhạc nhẹ nhàng, tưới tắm những niềm vui…
Đối với tôi, mỗi lần mưa là bao cảm xúc, ký ức cứ ùa về.
Có cơn mưa bất chợt gợi nhớ, gợi thương tuổi học trò mơ mộng như trong lời nhạc của Nguyễn Văn Hiên: “Cơn mưa đưa mình vào tháng sáu/Thời gian trôi theo tiếng ve ngân/Nghe mùa hạ bồn chồn gõ cửa/Nhớ không em, kỷ niệm rất nhiều…”.
Thời gian cứ lặng lẽ bước đi. Nắng mưa trời đất âm thầm, mải miết. Mưa cho tôi nhặt gom bao kỷ niệm. Cơn mưa gọi tuổi thơ trong trắng, hồn nhiên. Mưa trước mái hiên với trò tắm tiên, bắt bóng. Những mạch mưa phun vào tóc, vào tai, ướt mèm cả nụ cười mát lạnh! Mưa dột qua mái lá, mái tranh khiến chiếc giường biết co lại. Mưa bạc trắng lên tóc mẹ, tóc cha, nhất là vào những mùa giáp hạt.
Mưa làm tôi nghĩ nhiều, nhớ nhiều về cái đói! Người ta vẫn thường hay nói: Mưa, đói, rét. Tôi vẫn còn nhớ như in, lúc tôi lên chín tuổi, gia đình tôi cũng như bao nhà trong làng phải chạy từng miếng ăn cầm hơi. Nhà vắng cha, một mình mẹ phải ngược xuôi tất tả. Ngoại tôi ở xa, cũng thuộc vùng rốn lũ nên mỗi lần mưa gió, mẹ về quê ngoại nhờ “chi viện” là anh em chúng tôi lại chờ mong thấp thỏm. Năm ấy cũng vào độ tháng mười âm, trời đổ mưa tầm tã, nhà không còn gì ngoài rau má và rau tàu bay, chiến lợi phẩm mà anh em tôi đi chăn bò hái được. Không nỡ lòng nhìn con chịu đói, mẹ tôi quyết định đội gió mưa về ngoại kiếm ít ngô, khoai… Lúc ra đi mẹ dặn dò anh em tôi rất cẩn thận, trời mưa to không được ra ngoài. Nhà có dột thì lấy soong (nồi) hứng nước. Ở nhà đợi mẹ về.
Càng về tối trời càng mưa. Những cơn mưa thượng nguồn như giăng màn, mịt mờ dáng mẹ! Không hiểu sao trời đã chuyển đêm mà mẹ vẫn chưa về. Em tôi còn nhỏ, chờ mẹ, nhớ mẹ rồi khóc. Tôi và chị dỗ mãi em chẳng nín, thành ra mấy chị em ôm nhau nhìn mưa khóc ngóng mẹ như nhau. Trời tối, nhà còn chiếc đèn sắp cạn dầu, chị khơi lại cái bấc và thắp sáng để trấn an nhưng gió mưa liên hồi cứ làm đèn sáng tắt gián đoạn. Tới khuya, em tôi vì khóc và đói nên đã thiếp đi từ lúc nào. Tôi và chị vẫn kiên trì đợi mẹ trong sự lo lắng, hoang mang!
Dường như có điều chẳng lành, trước cổng nhà tôi ánh đèn pin lóe sáng, có tiếng nói vội. Chị em tôi nghĩ đích thị mẹ về nên hớt hải chạy ra định reo hò. Nào ngờ, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là bác nào đó cõng mẹ trên lưng cùng vài người theo sau. Hình dáng mẹ tiều tụy với bàn chân thõng xuống đầy máu. Chị em tôi khóc thét lên vì sợ và thương mẹ! Mẹ được mọi người đưa vào nhà, đặt lên tấm phản mỏng. Tôi chưa kịp định thần thì cô đi cùng mẹ bảo dẫn ra chỗ để muối. Cô bốc một nắm muối bỏ vào cái thau nước nhỏ rồi đưa tay khuấy khuấy, chạy tới chỗ mẹ. Bác cõng mẹ bảo chị tôi tìm tấm vải màn để lau và băng lại vết thương. Tôi nhìn thấy chân mẹ không chảy nhiều máu nữa nhưng sưng húp. Mẹ cố gắng nói nhỏ một vài câu và đưa bàn tay gầy gò lên xoa vào đầu tôi. Tôi cảm nhận hơi mẹ ấm nồng dù ngoài trời vẫn còn mưa lạnh. Mẹ lại nở nụ cười hiền từ như thể xóa hết cơn đói, cơn đau!
Mấy ngày sau mẹ kể, lúc mẹ về, ngoại ốm nặng. Mẹ thương ngoại và xót xa ân hận nán lại chăm sóc, phụ giúp ngoại chuyển và néo buộc đồ đạc. Lúc mẹ về, trời đã chập choạng tối. Đầu mẹ đội thêm thúng khoai ngoại cho. Lên dọc đường, cậu em còn “tăng cường” một xéo thân đu đủ muối. Thế nhưng lúc sắp về tới nhà, trời tối, lại mưa to, nước suối Đá Giăng chảy xiết. Vì lo lắng cho chúng tôi mà mẹ đã liều thân, tìm cách băng mình vượt suối. Chẳng may mẹ sẩy chân, đá cắt, mẹ ngã chới với. Thúng khoai trên đầu cũng theo nước, xuôi dòng. May sao mẹ bíu được gốc cây gần bờ. Mẹ cố bươn và gần như kiệt sức. May thay có ánh đèn của bác bên xóm đi xem mực nước phát hiện được nên đã kịp thời hỗ trợ. Lúc bác dìu được mẹ vào bờ, chân mẹ đau nhức không làm sao bước nổi. Tôi chỉ biết im lặng nhìn mẹ mà không nói được điều gì. Lòng tôi bất chợt nghĩ đến nhưng câu thơ mình đã được đọc, được học mà thầm thương mẹ: “Mấy ngày mẹ về quê/Là mấy ngày bão nổi/Con đường mẹ đi về/Cơn mưa dài ướt lối”.
Mưa! Đôi lúc tôi thầm cảm ơn những cơn mưa vì đã gieo vào lòng tôi bao kỷ niệm, buộc vào tôi sợi nhớ, sợi thương không bao giờ dứt ra được. Mưa muôn hình vạn trạng, theo mưa mà những buồn vui phận người muôn đời gói ghém!
Hoàng Dũng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/ky-uc-mua-2222634/