(QBĐT) – Hoạt động kiểm soát giết mổ (KSGM) động vật là một trong những khâu quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh động vật, dịch bệnh lây từ động vật sang người và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thời gian qua, các ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, giám sát chặt chẽ hoạt động giết mổ theo đúng quy định, tuy nhiên tại các địa phương, hoạt động này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh có đàn gia cầm đạt 5,2 triệu con, đàn trâu 30.896 con, đàn bò 93.624 con, đàn lợn 261.744 con. Hiện, toàn tỉnh có 427 trang trại chăn nuôi, trong đó, có 7 trang trại quy mô lớn, 96 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ. Một số trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng biogas…
Toàn tỉnh có 567 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật, trong đó có 6 cơ sở tập trung (1 cơ sở đang dừng hoạt động) và 561 cơ sở nhỏ lẻ; trong đó có 41 CSGM trâu, bò, 445 CSGM lợn, 64 CSGM gia cầm, 11 CSGM hỗn hợp.
|
KSGM động vật từ đầu vào đến đầu ra là ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định số 368/QĐ-UBND phê duyệt mạng lưới CSGM động vật tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, mạng lưới CSGM động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 16 cơ sở, trong đó duy trì, cải tạo 6 cơ sở, xây mới 10 cơ sở. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện xây dựng mạng lưới CSGM tập trung theo đúng quy định của pháp luật; lựa chọn vị trí phù hợp, bảo đảm khoảng cách an toàn vệ sinh khu dân cư; vận động kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng các CSGM tập trung theo công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật…
Mặc dù các ngành chức năng, địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện KSGM gia súc, gia cầm nhưng hoạt động này vẫn còn rất nhiều khó khăn, mức độ KSGM đang ở mức trung bình, đạt khoảng 50%.
Huyện Quảng Ninh hiện có 72 CSGM động vật, trong đó có 2 CSGM tập trung. Thời gian qua, địa phương đã tăng cường công tác KSGM nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Hồng Kỳ, Trạm trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh-Đồng Hới cho biết: KSGM động vật có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật. Từ đó, góp phần bảo đảm sức khỏe con người, hạn chế được dịch bệnh phát sinh và lây lan. Tuy nhiên, KSGM động vật đang gặp rất nhiều khó khăn do các CSGM tại địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán, đa phần là tự phát tại nhà, một số cơ sở chưa bảo đảm điều kiện thú y, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở thường giết mổ gia súc, gia cầm vào nhiều khung giờ khác nhau nên rất khó khăn trong việc thực hiện kiểm soát.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện mức độ KSGM động vật tại một số địa phương đang ở mức thấp, cụ thể: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch đạt 40%; TX. Ba Đồn, Quảng Trạch chỉ đạt 10%. |
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các CSGM gia cầm hầu như chưa được đầu tư xây dựng và cấp phép; hệ thống thú y cấp huyện vừa mới được kiện toàn, một số địa phương không có nhân viên thú y cấp xã; các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện chỉ thực hiện nhiệm vụ KSGM nhưng không có chức năng quản lý nên tính chấp hành chưa cao, phụ cấp cho người thực hiện KSGM còn thấp, cán bộ KSGM còn thiếu và yếu, một cán bộ KSGM phải phụ trách cùng lúc nhiều cơ sở; ngoài ra, ý thức chấp hành của các cơ sở còn hạn chế…
Trong khi đó, công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả, chưa sâu rộng, dẫn đến nhận thức của người tiêu dùng còn kém; nhiều người tiêu dùng vẫn còn thiếu hiểu biết, còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không có dấu KSGM, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp tạo điều kiện cho sự tồn tại của các CSGM nhỏ lẻ, không được chính quyền địa phương cho phép. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại các địa phương chưa được chú trọng, đặc biệt là việc xử lý đối với các CSGM động vật nhỏ lẻ không có giấy đăng ký hộ kinh doanh.
Để tăng cường quản lý hoạt động của các CSGM động vật trên địa bàn, UBND tỉnh cũng vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ động vật để người dân biết và chấp hành; hàng năm, xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra các CSGM động vật, việc thực hiện công tác quản lý giết mổ và quy trình KSGM của nhân viên thú y được giao nhiệm vụ; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật…
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận xác nhận chuyên môn, nghiệp vụ về KSGM cho người làm nhiệm vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra các CSGM bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đúng quy định pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm.
Thanh Hoa
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/kiem-soat-giet-mo-dong-vat-van-con-nhieu-kho-khan-2221815/