(QBĐT) – Để triển khai tốt các quy định của pháp luật, hơn ai hết, người dân rất cần đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) xứng đáng là người “cầm cân nảy mực”, nhất là người đứng đầu các đơn vị, địa phương. Liên quan đến loạt bài viết, phóng viên Báo Quảng Bình đã ghi nhận ý kiến đánh giá và những giải pháp khắc phục của các cơ quan liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực này.
“Tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Long cho biết: Việc TCD, giải quyết KN, TC nhằm bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và luôn được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.
Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KN, TC (gọi tắt là Chỉ thị số 35) của Bộ Chính trị cho thấy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, chủ động, chú trọng công tác TCD, giải quyết KN, TC, phản ánh, kiến nghị (PA, KN). Đặc biệt, công tác đối thoại với nhân dân sau khi có Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những PA, KN của dân đã được thực hiện nền nếp, hiệu quả.
|
Trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD, giải quyết KN, TC; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cấp dưới chỉ đạo giải quyết các vụ việc KN, TC kịp thời, đúng quy định pháp luật ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở; đồng thời kết hợp việc giải quyết KN, TC với việc xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm. Nổi lên trong tham mưu cho cấp ủy trong chỉ đạo giải quyết KN, TC, PA, KN của nhân dân là sự vào cuộc công tâm, quyết liệt, hiệu quả của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Qua đó, nhiều vụ việc oan sai, phức tạp, kéo dài đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Tình hình khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh đã từng bước được kiểm soát, không phát sinh phức tạp làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự coi trọng, quan tâm đến công tác TCD, giải quyết KN, TC, PA, KN. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa xử lý, giải quyết kịp thời KN, TC phát sinh; quá trình giải quyết chưa chú trọng công tác giải thích, vận động; một số vụ việc chưa chấp hành đúng quy định pháp luật về thời hạn giải quyết; xác định sai thẩm quyền giải quyết; thiếu quyết liệt trong thi hành các quyết định giải quyết KN, kết luận TC có hiệu lực pháp luật.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác TCD, giải quyết KN, TC, thời gian tới, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chấp hành quy định về tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý PA, KN, giải quyết KN, TC của người dân, nhất là triển khai có chất lượng, hiệu quả các kết luận đã có hiệu lực thi hành. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cần tập trung rà soát, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, cơ quan, đơn vị giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân trên tất cả các lĩnh vực.
Đối với các vụ việc mới phát sinh KN, TC đông người, dư luận xã hội quan tâm, chủ tịch UBND các cấp phải đề cao trách nhiệm, sâu sát, xác minh cụ thể, quyết liệt, trực tiếp đối thoại với nhân dân, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự.
Điều quan trọng nữa là, qua công tác TCD, giải quyết đơn thư KN, TC còn góp phần phát hiện các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, tham ô, tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, vận động, giải thích, định hướng và nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.
Các cơ quan cấp tỉnh cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong các lĩnh vực dễ phát sinh KN, TC, như: Đất đai, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên rà soát, nắm tình hình xử lý, giải quyết đơn thư của cơ quan, ban, ngành, các địa phương để kịp thời báo cáo, đề xuất phương án giải quyết đối với các vấn đề nổi lên. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần phát huy vai trò giám sát, tuyên truyền, vận động và phối hợp trong thực hiện các quy định về TCD, giải quyết KN, TC.
“Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu”
Theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hà Vĩnh Trung, từ năm 2014 đến nay, các cơ quan Thanh tra đã thực hiện 160 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về chấp hành pháp luật TCD, giải quyết KN, TC tại 269 cơ quan, đơn vị. Qua thanh tra, các cấp đã chỉ đạo nhiều biện pháp chấn chỉnh, xử lý và xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Cơ chế, chính sách, pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc trong áp dụng luật; thủ trưởng, người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm thường xuyên đến công tác TCD, giải quyết KN, TC; vẫn còn tình trạng một số vụ việc KN giải quyết chậm, chất lượng giải quyết chưa cao; một số nội dung đơn KN, TC có diễn biến phức tạp nhưng chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm ngày từ khi mới phát sinh, dẫn đến công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; việc theo dõi đôn đốc giải quyết KN, TC sau khi đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền có lúc chưa thường xuyên, thiếu kịp thời; trình độ cán bộ, công chức làm công tác xử lý, giải quyết KN, TC, nhất là cấp xã, phường, thị trấn còn hạn chế; nhận thức pháp luật của một số người dân chưa cao…
Trước hết phải khẳng định rằng, phần lớn các tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy định về TCD, giải quyết KN, TC thời gian qua có trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu các địa phương, nhất là cấp cơ sở. Bởi, một khi nguyện vọng chính đáng của người dân không được lắng nghe, giải quyết, thì ở đó phát sinh nhiều PA, KN và khiếu kiện. Trong khi đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở phải là “cầu nối” quan trọng giữa người dân và cấp ủy, chính quyền cấp trên.
Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, thời gian tới, Thanh tra tỉnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, người đứng đầu các địa phương, nhất là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác TCD, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC trên địa bàn để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế; đồng thời, giám sát, kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ việc tổ chức thi hành các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết KN, kết luận nội dung TC đã có hiệu lực pháp luật.
Dương Công Hợp (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202409/khi-tham-quyen-nguoi-dung-dau-chua-gan-lien-trach-nhiem-bai-cuoi-can-nguoi-dung-dau-cam-can-nay-muc-2220889/