(QBĐT) – Ngày 3/2/1975, tại xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy), Sư đoàn 341 tổ chức lễ xuất quân vào Nam chiến đấu. Trong không khí cả nước cùng ra trận theo mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”, Sư đoàn 341 được sự chi viện của Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn hành quân bằng phương tiện cơ giới, kịp thời tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Vào thành vững như thành”
Đại tá Hà Thanh Bình, cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 nhớ lại: Đơn vị cơ động vào Nam theo đường Hồ Chí Minh, tới đường 9 rồi vòng sang Lào, Campuchia, cuối tháng 2/1975 thì đến thị xã Phước Long và tham gia chiến đấu ngay trong đội hình Quân đoàn 4, Mặt trận miền Đông Nam Bộ.
Đại tá Lê Thế Soái, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 cho biết: Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị mở màn tiêu diệt “cánh cửa thép” Xuân Lộc của địch. Đây là trận đánh then chốt, tập trung hiệp đồng nhiều quân binh chủng, có trang bị kỹ thuật lớn vào một thị xã. Sáng ngày 9/4/1975, Sư đoàn 341 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 21/4, bộ đội làm chủ trận địa. Chiến thắng Xuân Lộc, “ý chí thép mở toang cánh cửa thép” có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau chiến thắng Xuân Lộc, Sư đoàn 341 tiếp tục đánh điểm đột phá Trảng Bom, phát triển theo trục đường số 1 vào Biên Hòa, Sài Gòn. Đây là trận đánh nằm trong thế trận chung Chiến dịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận sinh lực ở Trảng Bom, phá vỡ tuyến phòng thủ hướng Đông Sài Gòn, mở đường tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, quân binh chủng nhanh chóng phát triển tiến công Biên Hòa, Sài Gòn-Gia Định.
Kết thúc trận đánh, Sư đoàn 341 tiêu diệt và làm tan rã các Chiến đoàn 43, 48, 52 thuộc Sư đoàn 18 ngụy; Chi đoàn 1 và 3 tăng thiết giáp, Trung tâm yếu khu, Sở chỉ huy Chiến đoàn 48, Sở chỉ huy nhẹ Chiến đoàn 43, Tiểu đoàn bảo an và Đại đội biệt lập, bắt 1.215 tù binh, làm tan rã hệ thống chính quyền dân sự, giải phóng đất đai và trên 10.000 dân.
|
Tiếp tục tiến vào Sài Gòn, Sư đoàn 341 chia làm hai hướng, hướng thứ nhất đánh chiếm Tam Hiệp, Long Bình; hướng thứ hai đánh chiếm sân bay Biên Hòa, cùng với đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến đánh Thủ Đức, Tổng nha Cảnh sát, Cảng Bạch Đằng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Tổng cục xã hội, Trường đua Phú Thọ… 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 341 tham gia làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn; chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia. Cuối tháng 11/1980, Sư đoàn 341 trở về Quân khu 4, đóng quân ở 3 huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An).
Ngày 2/9/1976, khi đến thăm Sư đoàn 341, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương cán bộ, chiến sĩ: Là một sư đoàn trẻ tuổi nhất của Quân đội ta, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đã khẩn trương bước vào nhiệm vụ quân quản, Sư đoàn 341 hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân yêu thương, mến phục, nhất là về tác phong, kỷ luật. Các đồng chí “vào thành vững như thành”, làm mẫu mực về xây dựng Quân đội chính quy, các lực lượng ta ở miền Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh ghi nhận: TP. Hồ Chí Minh không bao giờ quên Sư đoàn 341 đã cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng thành phố. Nhân dân TP. Hồ Chí Minh thường nhắc tới Sư đoàn 341 là một đơn vị có kỷ luật nghiêm, chấp hành tốt các chính sách, đoàn kết quân dân. Sư đoàn 341 đi vào lịch sử của thành phố như một chiến công rực rỡ, chói ngời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
|
10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, trước khi về nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ Campuchia gửi thư cho Sư đoàn 341: Tổ quốc Campuchia sẽ mãi mãi ghi vào sổ vàng lịch sử đấu tranh cách mạng của mình những chiến công và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của Sư đoàn 341 nói riêng.
Trong những năm chiến đấu trên đất nước Campuchia, các đồng chí đã để lại những kỷ niệm vô cùng cao đẹp, những hình ảnh trong sáng của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân và Quân đội hai nước Campuchia và Việt Nam. Tên tuổi của Sư đoàn đã ăn sâu vào trái tim và lòng người dân chùa Tháp. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử của dân tộc Campuchia và nhân dân Campuchia đời đời ghi nhớ mãi tên tuổi Sư đoàn 341 anh hùng.
Những người lính anh hùng
Đại tá Hà Thanh Bình, CCB Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 kể: Tháng 6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi về làm việc với tỉnh Quảng Bình đã đến thăm xã Mỹ Thủy, thăm nơi đóng quân của Sư đoàn 341. Trò chuyện với nhân dân và các CCB Sư đoàn 341, Thủ tướng nhận xét, Sư đoàn 341 anh hùng là một đơn vị Quân đội dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng là đội quân “đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến ngày toàn thắng”.
Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Sư đoàn 341 được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu AHLLVTND (năm 1976 và 1979), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ápxala hạng Nhất. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng, vinh danh; nhiều đồng chí sau này trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt… |
Đi qua chiến tranh chống Mỹ và thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, trong đội hình Sư đoàn 341 có những người lính được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) gồm các liệt sỹ: Nguyễn Song Thao, Ngô Khắc Quyền, Nguyễn Xuân Lộc; đặc biệt có AHLLVTND Phạm Văn Lái là một người con quê hương Quảng Bình, quê quán xã Quảng Châu (Quảng Trạch).
Theo lời kể của các CCB Sư đoàn 341 Hà Thanh Bình, Hoàng Văn Xỉu: Anh hùng Phạm Văn Lái (1952-2017) nhập ngũ tháng 5/1972. Khi Sư đoàn 341 được thành lập, ông trở thành một trong những người lính đầu tiên của Sư đoàn. Tại trận đánh Xuân Lộc, Phạm Văn Lái làm liên lạc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266 do ông Trần Văn Bường (nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Bình) giữ chức Chính trị viên.
Ông Trần Văn Bường nhớ lại: Trong hai ngày chiến đấu ở mặt trận cửa ngõ Xuân Lộc, dù bị thương nặng, một mình Phạm Văn Lái đã dũng cảm tiêu diệt 31 quân địch, bắn bị thương hàng chục tên khác. Ngày 20/10/1976, Phạm Văn Lái được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND.
Ngô Thanh Long
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202504/huong-ve-nam-bai-2-di-giua-mua-xuan-dai-thang-2225491/