(QBĐT) – Không rực rỡ như hoa mai, hoa phượng, vàng tươi như cúc, tím ngắt như bằng lăng, hoa bưởi với màu trắng tinh khôi thả vào không gian làn hương nồng nàn, quyến rũ. Sắc và hương hoa bưởi như níu chân người đi, gieo vào lòng người niềm thương, nỗi nhớ…
Cứ mỗi độ xuân sang, cây bưởi lại lặng lẽ đơm bông để chuẩn bị dâng đời trái ngọt. Mùa nối mùa, những chùm hoa trắng e ấp khoe sắc trong thảm lá xanh mơn mởn bởi được tưới tắm từ hương xuân. Hoa bưởi đẹp nhất vào lúc bình minh khi những giọt sương chưa kịp tan trên nền lá nhưng quyến rũ nhất vào ban đêm bởi mùi hương nồng đượm.
Người quê quý bưởi như bầu bạn, không nỡ ngắt những chùm hoa dẫu chỉ để “hít hà” hương thơm hay ngắm nhìn cho thỏa thích. Những bông bưởi rụng cũng không bỏ đi mà con gái làng tôi thường tận dụng để trộn cùng bồ kết nấu nước gội đầu. Tôi nhớ có lần, anh bạn hàng xóm tâm sự rằng, cả đời không quên được cái hôm vô tình chạm rồi bị cuốn hút bởi mùi thơm hương bưởi từ mái tóc của cô gái xóm bên…
Nhiều người chơi hoa thường chọn hương hơn sắc nên trồng rất nhiều bưởi trong vườn nhà. Hoa bưởi được ví như người con gái có duyên ngầm mang vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm khiến cho nhiều chàng trai mê đắm.
Mỗi mùa hoa bưởi khoe sắc, tỏa hương thường gợi cho người ta nhớ về nhiều kỷ niệm xa xôi. Đó là cả một bầu trời tuổi thơ trong trẻo với trò nhặt hoa bưởi rụng kết thành vòng tròn cài lên đầu để rồi đứa nào, đứa ấy xinh đẹp như công chúa trong chuyện cổ tích. Gốc bưởi còn là nơi tụ tập của các cô, cậu học trò sau giờ tan học…
|
Bưởi xuất hiện khá nhiều trong ca dao và thơ, như: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” (ca dao), hay “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng” (Xuân về của Nguyễn Bính). Và nổi tiếng nhất là bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn. Bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc là một trong những ca khúc sống mãi với thời gian của âm nhạc Việt Nam.
Hương thầm bắt đầu bằng hình ảnh của đôi thanh mai, trúc mã lớn lên bên nhau mà cây bưởi là nhân chứng cho chuyện tình thầm kín của họ: “Cửa sổ hai nhà cuối phố. Không hiểu vì sao không khép bao giờ. Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp. Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…” để rồi có một ngày cô gái: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay” và “ngập ngừng qua nhà hàng xóm” bởi “Bên ấy có người ngày mai ra trận…”.
Không chỉ đi vào thơ ca, âm nhạc, mùi hương của loài hoa, trái dân dã này còn có trong những món ăn, thức uống của người Việt. Ít có loại cây nào lại nhiều công dụng như cây bưởi. Từ khi còn nhỏ, tôi thường thấy bà và mẹ hái lá bưởi và dùng vỏ bưởi nấu với nước để làm nồi nước xông cho người bị cảm, cúm.
Vỏ bưởi còn là nguồn dược liệu quý mà phụ nữ làng tôi chế thành loại dầu gội đầu đặc biệt để có được mái tóc đen, dày, óng mượt. Quả bưởi có vị thanh ngọt cung cấp nhiều vitamin C rất tốt cho sức khỏe. Hoa bưởi ướp với trà tạo ra thức uống thanh tao của người “sành trà”.
Hương bưởi còn có trong món bánh trôi và các món chay thanh nhẹ cho ngày rằm tháng giêng. Cùi bưởi quyện với đường phèn, đỗ xanh tạo nên món mứt, kẹo, chè có hương vị thơm nồng, ngọt dẻo…
Vào những ngày tiễn năm cũ, đón năm mới hay mỗi dịp lễ, chạp người dân quê thường chọn những quả bưởi, hoa bưởi đẹp nhất để trưng bày trên mâm ngũ quả cúng gia tiên. Hương thơm từ khói nhang hòa cùng hương bưởi dịu nhẹ tạo nên một mùi hương nồng ấm mà với tôi đó là hương vị quê nhà.
Giữa cái nắng vàng nhạt, thỉnh thoảng có “mưa xuân phơi phới bay”, bắt gặp những bông hoa trắng ngần và mùi hương nồng đượm trong khu vườn nhỏ hay trên gánh hoa xuân của người thành phố gợi cho những người xa quê nhớ về miền ký ức đẹp đẽ ngày nào. Đó là nơi có nếp nhà bình dị, nơi mẹ hái hoa bưởi ướp trà cho cha, nơi có cô hàng xóm hong tóc trong gió chiều thoảng mùi hương bưởi và là nơi mà mỗi bóng hình cùng những kỷ niệm cứ vấn vương như làn “hương thầm theo mãi bước người đi”.
Nh.V