(Quang Binh Portal) – Chiều ngày 30/12/2024, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Năm 2024, hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, xác định công tác đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm quan trọng nhất và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện.
Trong năm, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 08 dự án; tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Tính đến cuối tháng 12/2024, tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên đến 2.021 km. Về giải ngân đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải được giao khoảng 75.481 tỷ đồng, đến hết tháng 12 dự kiến đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch. Với kết quả trên, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là một trong các bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước.
Về sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vận chuyển hành khách ước đạt 4,7 tỉ lượt hành khách, tăng 11,2% so với năm 2023. Cũng trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Về hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; tiến độ các dự án xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn nhất cơ bản được bảo đảm.
Các lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa, đường sắt tiếp tục được chú trọng thúc đẩy phát triển, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, làm tốt công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cắt giảm, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Năm 2025 là năm tăng tốc và về đích để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông vận tải xác định đây là năm mang ý nghĩa chiến lược, thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông, góp phần đi trước mở đường, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ khởi công 19 dự án và hoàn thành 51 dự án hạ tầng để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính trị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2025 được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao dự toán; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp…
Tại hội nghị, các đại biểu phát biểu tham luận, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần khắc phục trong lĩnh vực Giao thông vận tải; đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới như: Công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng thể chế, lập và quản lý quy hoạch; hoạt động vận tải; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; công tác khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó của ngành Giao thông vận tải và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024; đồng thời yêu cầu trong năm 2025, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các dự án trọng điểm của Quốc gia; xác định được các dự án đầu tư trọng điểm; tiếp tục cải cách thể chế với lĩnh vực đường sắt, hàng hải, thủy nội địa, hàng không. Với tư duy phát triển bền vững, ngành Giao thông vận tải cần đi trước mở đường, tạo ra sự kết nối, làm chủ nắm bắt công nghệ, xu hướng phát triển đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý, phát triển hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của đất nước…
PV:NQ
Nguồn: https://quangbinh.gov.vn/chi-tiet-tin-1/-/view-article/1/13848241113627/1735613905504