(QBĐT) – Gần 70% lao động (LĐ) được qua đào tạo trong năm 2023 là con số khẳng định những nỗ lực của các cấp ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong nâng cao chất lượng LĐ. Dẫu thế, phía trước vẫn là hành trình đầy gian nan khi mà nhận thức của số đông phụ huynh, học sinh (HS) về học nghề và dạy nghề vẫn còn rất nhiều hạn chế.
“Quả ngọt”
Tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu nhấn mạnh: Yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Bình nói riêng, đất nước nói chung đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có kỹ thuật, kỷ luật, có chất lượng đáp ứng nhu cầu trong tình hình hội nhập. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, ngành quan tâm.
Như lời đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, thời gian qua, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt. Những quyết sách, chương trình hành động không còn chỉ là văn bản mà đã thực sự được đưa vào thực tiễn bằng những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Từ văn bản đến hành động đủ thấy sự quyết tâm mạnh mẽ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, coi đây là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Từ những nỗ lực ấy, năm 2023, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh hơn 17.250 người. Trong đó, hệ cao đẳng đạt 107,4%, trung cấp đạt 120,45%, sơ cấp và dưới 3 tháng đạt 99,48%. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo là 68,9%, đạt 100,3% so với kế hoạch. Tỷ lệ LĐ có bằng cấp, chứng chỉ là 29,6%, đạt 100,34%.
Số lượng HS, sinh viên (SV) đăng ký theo học ở nhiều ngành học, hệ đào tạo đạt mức bằng và cao hơn năm trước. Đặc biệt, những ngành “hot” hiện nay như kỹ thuật chế biến món ăn, điện tử, công nghệ ô tô… thu hút một số lượng lớn HSSV đăng ký theo học. Số lượng HSSV sau khi tốt nghiệp các ngành, nghề này tìm được công việc phù hợp, thu nhập ổn định cũng đạt ở mức cao.
Theo ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, nhờ tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm và xuất khẩu LĐ cho HSSV sau khi tốt nghiệp mà tại trường, tỷ lệ HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã liên kết và hỗ trợ nhà trường trong việc tiếp nhận HSSV về thực tập cũng như vào làm việc. Năm học 2023-2024, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình tiếp nhận 540 HSSV, đạt 100% kế hoạch.
|
Vượt khó…
Cùng với công tác tuyển sinh, đến cuối năm 2023, đã có hơn 10.700 người tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề, trong đó hơn 9.900 người tốt nghiệp các lớp sơ cấp và dưới 3 tháng. Để đạt được những kết quả này, năm 2023 thực sự là một năm vượt khó với lĩnh vực GDNN Quảng Bình, nhất là ở thời điểm mà nhận thức của phụ huynh, HS với việc học nghề và dạy nghề vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Kết quả đạt được chính là phép cộng từ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ngành, địa phương, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp trong suốt một năm qua. Những văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời để định hướng công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT. Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an hay hỗ trợ các đối tượng chính sách, HS vùng khó… được đưa ra, kịp thời động viên, khích lệ các em vượt khó để học nghề và làm nghề.
Theo chân các cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN trên địa bàn đi về tận các trường học ở các địa phương, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, chúng tôi mới thấu hiểu hết những vất vả của họ trên hành trình khó. Để tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN tại các trường THCS, THPT trên địa bàn, cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN phải thực sự sâu sát, nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của phụ huynh, HS, giải đáp những thắc mắc, trăn trở của họ trước việc chọn ngành, chọn nghề để đưa ra những tư vấn, hướng dẫn phù hợp. Mỗi mùa tuyển sinh, họ lại lặn lội về tận từng địa phương, ghé thăm từng nhà HS để giới thiệu, tư vấn cặn kẽ. Mỗi một chỉ tiêu tuyển sinh đạt được là bao nhiêu khó khăn, vất vả và là sự nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời gian dài.
Tuyển sinh đã khó, việc đào tạo, giữ chân HSSV càng khó khăn hơn. Theo số liệu từ các cơ sở GDNN, hiện, mỗi năm, số HSSV nghỉ học giữa chừng chiếm từ 20-30% số lượng tuyển sinh. Điều này càng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các trường nghề trên địa bàn, đòi hỏi sự cố gắng miệt mài của cán bộ, giáo viên. Như ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Luật miền Trung thì giáo viên trường nghề chẳng khác gì những giáo viên cắm bản, tìm đủ mọi cách để giữ chân HS.
Từ việc lặn lội đến từng nhà HS để động viên, khuyên nhủ các em trở lại lớp, đến việc tìm cách hỗ trợ tiền học, sinh hoạt phí để ngăn tình trạng các em bỏ học giữa chừng. Để các em thực sự gắn bó và theo đuổi việc học nghề đến cùng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, trong đó, việc đầu tiên là tư vấn cho HSSV lựa chọn đúng ngành nghề, phù hợp với năng lực, sở trường. Đồng thời, mỗi cán bộ, giáo viên cũng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo hứng thú cho người học.
… Vẫn chưa hết khó
Một thực tế nhiều năm qua cho thấy, Quảng Bình có lực lượng LĐ dồi dào, LĐ trong độ tuổi thanh niên khá đông nhưng chất lượng nguồn LĐ lại chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng LĐ. HSSV các cơ sở GDNN chưa được định hướng đào tạo nghề đúng nhu cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng người LĐ không tìm kiếm được việc làm phù hợp trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu hụt LĐ thường xuyên. Điều đó càng đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Năm 2024, Quảng Bình đặt chỉ tiêu tuyển sinh GDNN đạt 17.000 người. Trong đó, hệ cao đẳng 250 người, trung cấp 1.750 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 15.000 người. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt tỷ lệ 69,5% và tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 30,5%. |
Trong một cuộc chuyện trò, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã bày tỏ rằng tuyển sinh, đào tạo nghề vẫn còn là hành trình đầy gian nan. Dù đã rất nỗ lực nhưng công tác này vẫn luôn là bài toán không chỉ gây khó cho các cấp ngành, địa phương mà cả doanh nghiệp và cơ sở GDNN trên địa bàn. Đặc biệt, công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đã được quan tâm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, tỷ lệ HS sau tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là trình độ cao đẳng.
Thực tế nhiều ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN được tổ chức thường niên cho thấy, số lượng HS thực sự có nhu cầu và quan tâm đến học nghề còn khá ít ỏi. Các em vẫn không mấy mặn mà với các gian hàng giới thiệu tuyển sinh hay những hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Những bất cập đó xuất phát từ chính tư duy, nhận thức của phụ huynh, HS về học nghề, coi học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng khi tất cả các cánh cửa khác đều đã khép lại.
Một trong những nguyên nhân khiến công tác đào tạo nghề vẫn đang gặp khó là năng lực đào tạo của các cơ sở GDNN, nhất là các trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên cấp huyện còn hạn chế. Các ngành nghề đào tạo chưa phong phú đa dạng, một số ngành nghề có nhu cầu đào tạo cao nhưng cơ sở không đáp ứng được. Một số nghề chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh.
Diệu Hương