(QBĐT) – Trong đời sống hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) là nhiệm vụ quan trọng để duy trì bản sắc và kết nối các thế hệ. Những nỗ lực từ các tổ chức, địa phương, sự tâm huyết của các nghệ nhân lão luyện và tiếng nói đầy nhiệt huyết từ thế hệ trẻ đang tạo nên một bức tranh đa sắc về hành trình gìn giữ và phát triển DSVH trong xã hội hôm nay. Đó là hành trình gắn kết quá khứ với hiện tại, mở rộng tầm nhìn đến tương lai.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Với nhiều hoạt động thiết thực, các cấp hội và hội viên Hội DSVH Việt Nam tỉnh đang tâm huyết thực hiện đã góp phần trong việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc trên quê hương “Hai giỏi”.
“Đối với các cấp hội và hội viên Hội DSVH, những việc làm hay, mô hình sáng tạo, cách thức đổi mới trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, chung tay vì mục đích bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, đó là niềm tự hào. Các DSVH không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần cho mỗi cá nhân và xã hội, mà còn là nguồn lực quý giá để phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững”, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam tỉnh Lê Hùng Phi khẳng định.
Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt của hội là luôn luôn tuyên truyền, vận động cộng đồng và toàn xã hội chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVH. Hội đã chỉ đạo các hội, chi hội cơ sở tiến hành sưu tầm, biên soạn và xuất bản gần 30 ấn phẩm văn hóa lưu giữ nhiều tư liệu quý, phản ánh sinh động bức tranh DSVH của mỗi vùng quê, con người, giàu bản sắc và truyền thống cách mạng, như: 10 tập “Tuyên Hóa, quê hương-con người”, 5 tập “Đồng Hới-di sản và danh thắng”, 8 tập “Bố Trạch-miền di sản”…
|
Việc lưu giữ, truyền dạy và phổ biến giá trị của DSVH, sưu tầm hiện vật, bảo tồn, tôn tạo di tích cũng luôn được hội chú trọng và đề cao. Một trong những hoạt động thiết thực và có hiệu quả nhất trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH của các hội, chi hội cơ sở đó là việc thành lập và tổ chức duy trì hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) mà hầu hết nòng cốt các hạt nhân là hội viên hội DSVH. Nổi bật có các CLB, như: Hò biển Nhân Trạch, hát tuồng bội Khương Hà, đàn và hát dân ca Hải Phú (Bố Trạch); các CLB câu hò xứ Lệ, hò khoan Lệ Thủy (Lệ Thủy)…
Có thể nói, hoạt động của các CLB đã định hình được hướng đi, phần nào tự chủ một phần kinh phí, nhưng quan trọng hơn đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng yêu dân ca, bảo tồn và phát huy giá trị của DSVH là loại hình dân ca, dân vũ ở Quảng Bình. Đặc biệt, từ trong các CLB đã truyền dạy, nuôi dưỡng và phát triển các hội viên trẻ, đây chính là lực lượng nòng cốt trong các kỳ hội thi, hội diễn của địa phương và trong nước.
Hương Trà
Giới trẻ với sứ mệnh duy trì bản sắc văn hóa
Nghệ nhân dân gian Hoàng Việt Anh, hội viên Hội DSVH Việt Nam huyện Minh Hóa
DSVH được hình thành, bồi đắp qua một quá trình lịch sử, như những lớp trầm tích nuôi dưỡng hồn cốt, tinh thần, khí phách của dân tộc. Tuy nhiên, DSVH không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Chính vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài. Đó là một hành trình dài, từ giai đoạn này nối tiếp giai đoạn khác, từ thế hệ trước truyền lại thế hệ sau và trong hành trình ấy có vai trò, trách nhiệm rất lớn của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, cần có cơ chế, chính sách, tạo môi trường để thế hệ trẻ thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh cao cả này.
Thực tế hiện nay, nhiều người trong chúng ta, nhất là thế hệ trẻ còn rất mơ hồ về DSVH. Không phải ai cũng hiểu rằng, những đình, đền, chùa… không chỉ là công trình kiến trúc khô cứng; những lễ hội, diễn xướng dân gian… không chỉ là các nghi lễ, trò chơi, văn nghệ…, mà ẩn chứa trong đó là trí tuệ và tâm hồn của dân tộc. Và không phải bạn trẻ nào cũng hứng thú tìm hiểu về những điều này. Vì lẽ đó, theo tôi, giáo dục DSVH cho thế hệ trẻ cần được chú trọng và xem là nhiệm vụ cấp thiết, bởi phải hiểu, phải yêu, phải trân trọng thì mới ra sức gìn giữ, bảo vệ và phát huy.
|
Cần chú trọng việc đưa giáo dục di sản (GDDS) vào trường học, truyền cảm hứng để học sinh biết được cái hay, cái đẹp và giá trị của DSVH trong đời sống hiện đại ngày nay. Công tác GDDS cần được thực hiện với nhiều hình thức: Lồng ghép nội dung dạy học DSVH vào các môn học phù hợp; tổ chức hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao có chủ đề liên quan đến DSVH; tham quan thực tế DSVH; tổ chức chăm sóc di tích… Các trường học nên thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian và thường xuyên tổ chức sinh hoạt, mời các nghệ nhân dân gian đến truyền dạy, tổ chức các buổi liên hoan dân ca trong trường hoặc giữa các trường với nhau.
Các cấp, ngành chức năng cần phối hợp xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về GDDS, như: Hướng dẫn tổ chức học tập ở các di tích, danh lam thắng cảnh…; biên soạn tài liệu giới thiệu DSVH một cách hoàn chỉnh; lập website về di sản; tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý về GDDS…
Gia đình, nhà trường và toàn xã hội có trách nhiệm định hướng cho thế hệ trẻ, gợi mở những điều cần làm và những điều không nên làm; khơi dậy niềm đam mê tìm tòi, khám phá về những giá trị tiềm tàng của DSVH, qua đó tiếp thêm động lực để mỗi người trẻ phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị DSVH…
Tâm An (thực hiện)
Giữ sức sống bền lâu cho dân ca
Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca Cảnh Dương
Để những loại hình văn nghệ dân gian, những giá trị văn hóa tốt đẹp không bị mất bản sắc hoặc mai một do quá trình giao lưu, hội nhập của cuộc sống hiện đại, các nghệ nhân dân gian (NNDG) đã có những nỗ lực trong truyền dạy dân ca cho thế hệ kế cận, nhất là thế hệ trẻ. Tại xã Cảnh Dương, hoạt động này được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động thiết thực như xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) dân ca Cảnh Dương, đưa dân ca vào trường học, chú trọng phát triển NNDG là người trẻ, người tâm huyết với văn hóa truyền thống của quê hương.
Hơn 7 năm thành lập, hoạt động, CLB đã trở thành mái nhà chung cho người yêu dân ca, nhạc cổ, nhất là làn điệu hát ru Cảnh Dương. Đa số thành viên trong CLB có độ tuổi từ 30-50 tuổi. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã xây dựng được nhiều chương trình biểu diễn ấn tượng, giành được các giải thưởng quý giá về vật chất lẫn tinh thần. Điều đáng mừng là CLB có sự tham gia của các thành viên trong độ tuổi thanh thiếu niên (từ 10-30%).
|
Với hình thức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần, CLB luôn đề ra nhiệm vụ phát triển hội viên trẻ, khuyến khích thành viên sưu tầm, viết lời mới cho các làn điệu dân ca. CLB còn tham gia giao lưu đàn hát dân ca với các CLB trên địa bàn huyện, tỉnh và CLB đàn hát dân ca Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh (Sở Văn hóa-Thể thao). Qua đó, tạo cơ hội cho các thành viên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong đổi mới sinh hoạt và hoạt động biểu diễn, góp phần bảo tồn, quảng bá làn điệu hát ru, hò chèo cạn của quê hương. CLB còn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với các trường học trên địa bàn xã để hướng dẫn, truyền dạy dân ca cho học sinh thông qua hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh được hiểu, tiếp nhận những giá trị của văn hóa dân gian; đồng thời tập trung nhiều hoạt động nhằm phát triển NNDG, trang bị kỹ năng truyền dạy cho các nghệ nhân…
Để các làn điệu dân ca, những tinh hoa văn hóa của quê hương mãi được lưu truyền, chúng tôi mong rằng các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và tạo điều kiện cho các CLB đàn hát dân ca phát triển, chú trọng việc đưa dân ca vào trường học ở các cấp học. Tôi cho rằng, đó là giải pháp quan trọng nhất để hát ru, hò chèo cạn Cảnh Dương nói riêng và các làn điệu dân ca khác của mỗi vùng quê được bảo tồn, gìn giữ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân.
NH.V (thực hiện)
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/bao-ton-di-san-van-hoa-hanh-trinh-tu-qua-khu-den-tuong-lai-2222568/