(QBĐT) – Bảo tồn giống vật nuôi, cây trồng bản địa đã khó, phát huy, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, thực sự là sinh kế bền vững cho người nông dân lại khó gấp nhiều lần. Bên cạnh tăng cường liên kết chặt chẽ giữa 3 “nhà” (Nhà nước-nhà nông-doanh nghiệp), vẫn rất cần những “đầu tàu” mạnh dạn, táo bạo đi trước thử nghiệm và các chính sách hỗ trợ dài hơi, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, hướng tới Net Zero đang là xu hướng đột phá.
>>> Bài 1: “Thiên thời, địa lợi”, nhưng vẫn khó… thành công
Từ đầu năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Nông (Bố Trạch) mạnh dạn thử nghiệm liên kết trồng thử giống lúa lứt tím bản địa trên diện tích gần 1ha ở huyện Quảng Ninh.
Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ, sau thất bại xây dựng chuỗi liên kết năm 2019 với tổ hợp tác sản xuất gạo Nước Hai (xã Hải Phú, Bố Trạch), chị vẫn nung nấu mong muốn đầu tư phát triển gạo hữu cơ trên địa bàn tỉnh, bởi nhìn thấy tiềm năng lớn từ ngành hàng này. Thực tế cho thấy, thời điểm đó, giá của bà con nông dân đưa ra khá cao, nếu sản phẩm đưa vào xay xát, xây dựng thương hiệu, đến tay người tiêu dùng thì giá thành sẽ “đội” lên cao, thậm chí ngang bằng với giá sản phẩm gạo đã được chứng nhận hữu cơ của châu Âu. Do đó, công ty đành bỏ lỡ cơ hội đưa sản phẩm gạo bản địa quý này đến người tiêu dùng. Thử nghiệm giống lúa lứt tím ở Quảng Ninh là một cơ hội làm lại từ đầu, mặc dù đáng tiếc đây không phải là giống bản địa của Quảng Bình.
Sau gần 1 năm đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ, với sự hỗ trợ từ phía HTX và sự tích cực, chia sẻ, tuân thủ quy trình từ nông dân, 2 vụ gạo lứt tím đã được thu hoạch với gần 2 tấn sản lượng (1 tấn/vụ). Sản phẩm được xây dựng nhãn mác, bao bì “thời thượng”, bày bán trong chuỗi cửa hàng nông sản sạch của công ty và rất được khách hàng yêu thích. Thành công từ thử nghiệm này mở ra nhiều cơ hội để An Nông có thể mạnh dạn “dấn thân” vào hành trình xây dựng thương hiệu gạo sạch, hữu cơ ngay trên chính đồng đất quê nhà, qua đó, không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn nâng tầm sản phẩm địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
|
Chị Lê Thị Thanh Thủy cho biết, thực tế, để bảo tồn và phát huy hiệu quả giống bản địa, ngoài sự thông suốt, chặt chẽ giữa 3 “nhà”, điều quan trọng chính là một cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả dành riêng cho công tác này, trước khi các loại giống cây trồng, bản địa bị suy thoái, khó phục hồi. Trong đó, việc quy hoạch vùng trồng phù hợp, mạnh dạn thử nghiệm cơ chế mới, tạo ưu đãi cho doanh nghiệp, thuận lợi cho nông dân đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho bà con về vai trò, ý nghĩa của giống bản địa cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn trong hành trình bảo tồn khó khăn này.
Năm 2024, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sử dụng giống lúa Nhật Bản Japonica DS1 được thực hiện tại thôn Thống Nhất, xã An Ninh (Quảng Ninh) với sự tham gia của 50 hộ dân. Sau khi thu hoạch, sản lượng đạt 7,5-8 tấn/ha. Đây là giống lúa đạt chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, thích nghi với thời tiết, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, mang lại thu nhập tốt cho bà con.
Theo Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp và Xây dựng Thành Đạt (doanh nghiệp đứng ra thực hiện chuỗi liên kết) Nguyễn Thị Thanh cho biết, quá trình triển khai, công ty đã hỗ trợ bà con tập huấn, lựa chọn vùng canh tác, chất lượng giống, kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu sản phẩm và đưa vào sản xuất theo quy trình VietGAP. Thành công của chuỗi liên kết giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, hướng đến sản xuất hàng hóa, đồng thời chuyển đổi hiệu quả cơ cấu giống lúa trên địa bàn tỉnh. Tới đây, công ty sẽ đầu tư thêm máy móc, mở rộng nhà xưởng, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo với giống Japonica DS1 và một số giống lúa hiệu quả khác. Kinh nghiệm cho thấy trước khi đưa giống lúa nào vào chuỗi liên kết, công ty phải nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, chào mời khách hàng và tạo đầu ra ổn định mới bắt tay vào quá trình sản xuất. Do đó, nếu các giống cây trồng bản địa đáp ứng các điều kiện về thị trường, khi có cơ hội, công ty cũng sẽ nghiên cứu triển khai phù hợp.
Anh Hoàng Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất gạo Nước Hai (xã Hải Phú, Bố Trạch) cho biết, nếu có quy hoạch vùng trồng hợp lý, các chính sách hỗ trợ phù hợp và sự tham gia tích cực của các bên trong chuỗi liên kết giá trị, bà con vẫn sẵn sàng bắt tay phục hồi giống gạo Nước Hai bản địa quý của địa phương. |
Thời gian tới, kỳ vọng thành công, kinh nghiệm trong phát triển chuỗi liên kết đối với những giống lúa, vật nuôi mới như gạo lứt tím hay Japonica DS1 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các giống bản địa của Quảng Bình trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn đó nhiều rào cản và không ít doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng, tự tin để chinh phục hành trình này. Nhưng trên tất cả, đây còn là nhiệm vụ rất cần triển khai để không lãng phí nguồn gen quý từ giống cây trồng, vật nuôi bản địa. Trong đó, trước hết, sự linh hoạt, chủ động, tạo điều kiện của chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt, quyết định sự tham gia của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức của người nông dân. Đặc biệt, việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất đối với các giống cây trồng, vật nuôi bản địa sẽ tạo nhiều điều kiện để đưa sản phẩm đến được với các thị trường tiềm năng, tăng thêm cơ hội bảo tồn nguồn gen quý địa phương.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị giống bản địa cần có sự phối hợp giữa nhiều cấp ngành, địa phương, không nên xem đây là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp hay bất kỳ địa phương nào. Đồng thời, cần phối hợp giữa nhiệm vụ thu thập, phục tráng nguồn gen và triển khai bảo tồn, xây dựng chuỗi liên kết, tìm thị trường đầu ra, hướng đến tạo thương hiệu cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Có như vậy, hiệu quả của công tác này mới thực sự bền vững. Ngoài ra, việc đúc rút kinh nghiệm từ những dự án thất bại, nhìn thẳng vào hạn chế để tìm ra giải pháp phù hợp là việc cần làm ngay, tránh quá muộn màng.
Mai Nhân
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/hanh-trinh-bao-ton-giong-vat-nuoi-cay-trong-ban-dia-bai-2-loi-di-nao-de-nguon-gen-quy-khong-mai-mot-2222186/