(QBĐT) – Với những người “gác rừng” ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), giữ màu xanh cho di sản không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao. Ở đây, họ luôn âm thầm, lặng lẽ, dù còn nhiều vất vả, khó khăn; cùng quyết tâm giữ màu xanh trên những cánh rừng ở di sản…
Chuyện những người “gác rừng”
Hung Lầm (xã Xuân Trạch, Bố Trạch), trước đây được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng người dân địa phương thường lợi dụng thời gian Tết và sự lơ là, mất cảnh giác của lực lượng bảo vệ rừng (BVR) để có những hành vi xâm hại đến rừng di sản. Nhưng, kể từ khi Trạm Kiểm lâm Chà Nòi đặt chốt BVR tại đây, tình trạng này đã giảm đáng kể.
Gần 20 năm gắn bó với ngành Kiểm lâm VQG PN-KB, năm nay, anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1983) ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) lại đón giao thừa trên những cánh rừng giữa lòng di sản. Với anh Chiến, để giữ màu xanh cho rừng, anh cùng đồng nghiệp phải gác lại những tình cảm riêng tư, hàng ngày túc trực, tuần tra, ngăn chặn tận gốc, không để rừng di sản bị xâm hại.
Anh Chiến chia sẻ, trước đây chốt Hung Lầm cũng chỉ tạm bợ với một vài tấm ván được dựng lên làm chốt. Nay, đã được Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB cho đầu tư, xây dựng nhà ở, sinh hoạt bằng tồn, sắt khá chắc chắn. Hiện, tại chốt có 5 anh em thay phiên nhau trực, thực hiện nhiệm vụ tuần tra BVR và phòng, cháy chữa cháy rừng từ mốc 33 đến mốc 50 với diện tích khoảng vài nghìn ha. Nơi xa nhất, để đến thực hiện nhiệm vụ BVR phải đi hơn 3 ngày.
|
“Dù vất vả nhưng được sự quan tâm động viên kịp thời của BQL VQG PN-KB, Hạt Kiểm lâm nên tất cả anh em trong chốt đều yên tâm công tác, động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ màu xanh của những cánh rừng nơi đây. Anh em trong chốt mỗi người mỗi quê. Dịp Tết vừa qua, cũng luân phiên đổi ca cho nhau để tranh thủ về với gia đình sum vầy. Nói thật với anh, nếu mình mà bỏ chốt, không túc trực, tuần tra thường xuyên, nguy cơ đa dạng sinh học trong rừng bị xâm hại là rất lớn…”, anh Chiến cho biết.
Rời chốt Hung Lầm, tôi đi ngược lên đỉnh đèo Đá Đẽo, đây là ranh giới phân định giữa hai huyện Minh Hóa và Bố Trạch. Ở đây, Trạm Kiểm lâm Chà Nòi đã đặt một chốt BVR để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, BVR đặc dụng của VQG PN-KB và rừng cộng đồng của xã Thượng Hóa (Minh Hóa).
Có hẹn từ trước nên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Chà Nòi Trần Quang Đồng có mặt khá sớm ở chốt. Vừa uống nước, tôi cùng mấy anh em trong chốt rôm rả kể chuyện núi rừng, chuyện gia đình, xã hội. Nơi đây, sóng điện thoại rất yếu, nếu muốn liên lạc với người thân, anh em phải đi ra khỏi chốt vài trăm mét.
Trạm trưởng Trần Quang Đồng quê tận xã Mai Hóa (Tuyên Hóa), nơi làm việc của anh cách nhà khoảng gần 100km. Đồng bảo với tôi, vợ anh là giáo viên ở xã, một mình ở nhà lo cho hai đứa con. Thi thoảng, anh cũng tranh thủ những ngày được nghỉ, ghé về nhà ít bữa rồi lại khăn gói lên rừng. Anh Đồng có hơn 20 năm gắn bó với ngành Kiểm lâm, năm nào anh cũng đón Tết giữa rừng. Những năm đầu tiên còn cảm thấy bỡ ngỡ, nhưng sau dần quen.
|
“Trạm Kiểm lâm Chà Nòi được giao quản lý hơn 18.716ha rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng với 18 tiểu khu, 150 khoảnh, trên địa bàn huyện Minh Hóa và Bố Trạch. Trạm có 3 chốt BVR. Chốt đỉnh đèo Đá Đẽo đóng ở vị trí quan trọng nhất bởi nơi đây là ranh giới giữa rừng của VQG và rừng cộng đồng do người dân bảo vệ nên rất dễ xảy ra tình trạng người dân xâm hại…”, anh Đồng thông tin.
Trong câu chuyện với những người “gác rừng” ở chốt đỉnh đèo Đá Đẽo, được biết, trong những ngày Tết vừa qua, anh em trong chốt phải thay nhau túc trực và đi tuần tra rừng ở những khu vực nhạy cảm nên tương đối vất vả. Công việc rất áp lực, nên hàng ngày thường động viên, chia sẻ với nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lúc nào tranh thủ được thì thay nhau về nhà ăn Tết với vợ con rồi lại lên chốt vì công việc không thể bỏ rừng được. Sau Tết, anh em đã tổ chức đi tuần tra BVR ở những khu vực trọng yếu, như: Hung Lầm, Cợp Khỉ, mốc 37,40,41,50…
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Phạm Văn Tân cho biết: Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB là đơn vị trực thuộc BQL VQG PN-KB được giao nhiệm vụ quản lý hơn 124.499ha rừng. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 121.325ha, rừng phòng hộ hơn 3.152ha và rừng sản xuất hơn 20ha. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, lực lượng Kiểm lâm của đơn vị đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp với phương châm “bảo vệ rừng tận gốc”; đồng thời tăng cường tối đa lực lượng, phối hợp với các đơn vị, chính quyền các xã, thị trấn để thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng tại các địa bàn phức tạp và vùng giáp ranh…
Tháo gỡ những khó khăn
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Phạm Văn Tân, những năm qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của BQL VQG PN-KB; sự hỗ trợ của các đơn vị, cơ quan chức năng; đặc biệt là chính quyền địa phương của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh với 13 xã, thị trấn trong vùng đệm. Vì vậy, công tác BVR trong lâm phận được giao, quản lý được giữ vững.
|
Năm 2023, đơn vị đã thực hiện được hơn 2.000 lượt tuần tra quản lý, BVR với hơn 3.600 ngày, 1.639 đêm, quãng đường tuần tra trên 21.485km; tháo gỡ hơn 2.565 sợi dây bẫy; phá hủy 9 điểm nghỉ tạm bợ; đẩy đuổi 51 lượt người dân xâm nhập vào rừng trái phép; đồng thời trong quá trình tuần tra đã phát hiện và quan sát được 1.498 lượt cá thể động vật rừng với 302 lượt đàn.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB cũng thông tin thêm, dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác BVR ở đơn vị còn tồn tại rất nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ, như: Diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ lớn, trải dài trên 160km; địa hình nhiều đồi núi, khe suối hiểm trở. Đồng thời, lâm phận rừng quản lý tiếp giáp với nước bạn Lào, nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện (Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh) và tiếp giáp với 13 xã vùng đệm có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống chuyên dựa vào rừng, do đó, vẫn còn tình trạng người dân địa phương vào rừng khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật hoang dã.
“Đề nghị BQL VQG PN-KB quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho đơn vị để tổ chức các đợt tuần tra, truy quét dài ngày trong rừng ở những khu vực xa, địa hình khó khăn, hiểm trở, nơi thường xuyên xảy ra việc bắt, bẫy động vật rừng, khai thác lâm sản trái phép; đồng thời cơ quan, đơn vị liên quan cần giải quyết nhanh những khó khăn về các chính sách, chế độ; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho lực lượng Kiểm lâm…”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Phạm Văn Tân cho biết thêm. |
Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp, chồng lấn đất rừng VQG giữa các hộ dân có diện tích rừng trồng giáp ranh với VQG xảy ra từ rất lâu, nhưng chưa tham mưu giải quyết dứt điểm; một số cán bộ Kiểm lâm trong thực thi nhiệm vụ được giao đôi lúc chưa bám sát địa bàn, còn lơ là, chủ quan, trách nhiệm chưa cao; chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời vẫn để xảy ra một số vụ vi phạm và tình hình bẫy bắt động vật rừng chưa được ngăn chặn triệt để.
Mặt khác, mức thu nhập của lực lượng Kiểm lâm của đơn vị còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế; tình trạng chăn thả gia súc tự do của người dân vùng đệm, đồng bào dân tộc thiểu số, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đối với các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn…
Ngọc Hải