(QBĐT) – Trong phạm vi hệ thống sông ngòi Quảng Bình, sông Gianh độc chiếm nhiều cái nhất. Sông Gianh là con sông dài nhất, sâu và rộng nhất. Sông Gianh là con sông nhiều lèn núi, nhiều thác, nhiều nhánh, nhiều cồn nhất. Trong phạm vi cả nước, sông Gianh là con sông bị chia cắt lâu nhất, nơi xảy ra nhiều trận chiến ác liệt nhất. Bởi vậy, thời trung đại nhiều nhà thơ lấy sông Gianh làm nguồn cảm hứng. Có thể kể một số tên tuổi nổi bật: Lê Thánh Tông, Thái Thuận, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Huy Ích, Nguyễn Khuyến, Tùng Thiện Vương… Thơ của người xưa viết về sông Gianh mỗi bài có những đặc sắc riêng. Nếu được chọn 3 bài ưng ý, tôi sẽ chọn: Linh giang hải môn lữ thứ (Lê Thánh Tông), Quá Linh giang ngẫu thành (Thái Thuận) và Độ Linh giang (Nguyễn Du).
Trên đường hành quân chinh phạt phương Nam, sau khi dừng chân cửa sông Roòn, cảm hứng sáng tác bài Di Luân hải môn lữ thứ, vua Lê Thánh Tông cùng hải thuyền tiếp tục di chuyển vào cửa sông Gianh. Tại đây, nhà vua sáng tác bài Linh giang hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển sông Linh).
Nguyên tác chữ Hán: Sơn bảo hồi hoàn hải diểu di/Bố Chính tùng cổ hiệu hoang thùy/Tịnh hà thôn lạc mao vi ốc/Triệt phố quan tân trúc tác kỳ/Nữ thượng phong yêu khoa yển vãn/Dân điều quých thiệt ngữ thù ly/Ký nam thánh hóa hoằng nhu viển/Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi.
Tôi phỏng dịch: “Núi bao biển nước mịt mùng/Từ xưa Bố Chính là vùng biên cương/Mái tranh ôm ấp xóm thôn/Cờ tre che những mảnh vườn ven sông/Gái nguồn khoe tấm lưng ong/Dân quê giọng khướu nghe không hiểu gì/Biên cương xa mấy cũng đi/Giang sơn gìn giữ sá gì gian nan”.
Bốn câu thơ đầu chỉ tả cảnh làng xóm ven sông Gianh với những mái nhà tranh, những lũy tre xanh dân dã, thân thương, bình dị không có gì thật đặc sắc. Sức nặng bài thơ dồn ở bốn câu cuối. Nữ thượng phong yêu khoa yển vãn (Gái nguồn khoe tấm lưng ong), mới đọc qua tưởng cũng bình thường, ngẫm thật kỹ mới thấy có những điểm khác thường. Chi tiết này cho chúng ta biết vua Lê Thánh Tông và đoàn quân chinh phạt dừng lại ở sông Gianh khá lâu nên có điều kiện ngược dòng Linh Giang để quan sát, để khám phá, để chiêm ngưỡng.
Với “con mắt tinh đời”, tác giả phát hiện: Con gái thượng nguồn sông Gianh “khoe tấm lưng ong” và ngầm so sánh vẻ đẹp tự nhiên của các cô thôn nữ thượng nguồn sông Gianh với những cung tần mỹ nữ xúng xính trong những bộ đồ diêm dúa. Từ “khoa” (nghĩa là khoe), chứng tỏ các cô thôn nữ thượng nguồn sông Gianh thời ấy đã có ý thức về vẻ đẹp hình thể của mình.
|
Điều này còn chứng tỏ miền quê thượng nguồn sông Gianh cách đây hơn 600 năm đã nổi tiếng là miền con gái đẹp. Tác giả còn phát hiện: Dân điều quých thiệt ngữ thù ly (Dân quê giọng khướu nghe không hiểu gì). Hai câu kết: Ký nam thánh hóa hoằng nhu viển/Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi. (Biên cương xa mấy cũng đi/Giang sơn gìn giữ sá gì gian nan) thể hiện ý chí của nhà vua trong công cuộc gìn giữ và mở mang bờ cõi).
Bài thơ thứ hai mà tôi chọn là Quá Linh giang ngẫu thành (Qua sông Linh ngẫu nhiên thành thơ) của tác giả Thái Thuận. Nhà thơ Thái Thuận sinh năm 1440 (chưa rõ năm mất), đậu tiến sĩ 1475, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông. Thơ Thái Thuận mới lạ, độc đáo nổi tiếng đương thời. Trong bài Ẩn giả (Người ở ẩn), của ông có hai câu hết sức hiện đại: Đồng giang điếu nguyệt vong quy Hán/Chi lĩnh canh vân lạc khứ Tần (Câu trăng nơi sông Đồng, quên về cùng vua Hán/Cày mây nơi núi Chi, vui lánh nhà Tần).
Mới đây, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đi “câu gió”. Cách đây hơn 500 năm, nhà thơ Thái Thuận đi “câu trăng”. Không chỉ “câu trăng”, nhà thơ Thái Thuận còn hì hục “cày” cả “mây”. Đừng tưởng thơ xưa không hiện đại. Bởi tài thơ như vậy nên khi thành lập Hội Tao đàn, vua Lê Thánh Tông đã cử nhà thơ Thái Thuận làm Phó nguyên súy. Bài thơ Quá Linh giang ngẫu thành được Thái Thuận sáng tác sau bài thơ Linh giang hải môn lữ thứ của Lê Thánh Tông chỉ vài năm. Nguyên tác chữ Hán: Linh giang, giang thủy vọng/Thanh hiểu lộ trùng kinh/Bạch lộ triều thôn túc/Thanh sơn vụ ẩn hình/Yên chưng khư dã hỏa/Thảo nhiễu bạng ngư đinh/Thúc nhĩ dương quang hỏa/Thiên giao túy nhãn tinh.
Tôi phỏng dịch: “Ngước trông làn nước sông Gianh/Sớm qua đường cũ, biếc xanh da trời/Triều lên nuốt chân đê rồi/Sương mù còn giấu núi đồi mờ xa/Lửa đồng thả khói la đà/Cỏ bao quanh mấy xóm nhà ven sông/Mặt trời mọc, hé rạng đông/Khiến cho con mắt say nồng tỉnh ngay”. Nét đặc sắc của bài thơ này là nghệ thuật sử dụng động từ và biện pháp nhân hóa. Đó là động từ “thôn” (nước triều nuốt chân đê), động từ “ẩn” (Sương mù còn giấu núi đồi mờ xa), động từ “chưng” (Lửa đồng thả khói la đà) và động từ “nhiễu” (Cỏ bao quanh mấy xóm nhà ven sông), làm cho bức tranh phong cảnh sông Gianh hết sức sinh động, vừa thực vừa ảo. Tác giả say ngắm đến mức khi mặt trời từ biển nhô lên mới sực tỉnh.
Bài thứ 3 tôi chọn là bài Độ Linh giang (Qua sông Gianh) của Nguyễn Du. Nguyên tác chữ Hán: Bình sa tận xứ thủy thiên phù/Hạo hạo yên ba cổ độ thu/Nhất vọng tân nhai thông cự hải/Lịch triều cương giới tại trung lưu/Tam quân cựu bích phi hoàng diệp/Bách chiến tàn hài ngọa lục vu/Bắc thướng thổ dân mạc tương tị/Táp niên tiền thị ngã đồng châu.
Tôi phỏng dịch: “Bãi dài, nước lẫn với trời/Thu mang khói sóng, bồi hồi bến xưa/Ngước trông cửa biển xa mờ/Giữa dòng ranh giới như vừa mới đây/Lũy tiêu điều, lá vàng bay/Hàng trăm cuộc chiến, cốt đầy bên sông/Dân bờ Bắc có biết không/Ba mươi năm trước ta cùng một châu”. Trọng điểm của bài thơ này rơi vào 2 câu thực và hai câu luận. Sau khi Lý Thường Kiệt đánh đuổi Chiêm Thành (1075) lập thêm 2 châu mới phía nam đèo Ngang, sông Gianh có tên là sông Linh (Linh giang-nghĩa là con sông thiêng).
Nhưng phải đến cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài hơn hai trăm năm (1570-1786) cái tên Linh Giang mới thực sự ứng nghiệm. Sự tranh giành quyền lợi của các tập đoàn phong kiến đã gây nên cảnh huynh đệ tương tàn. Bởi vậy, qua sông Gianh lòng nhà thơ nặng trĩu nỗi buồn thế sự. Tác giả như nghe thấy hàng vạn oan hồn đang gào thét. Tác giả thâu tóm cả một giai đoạn lịch sử bi thương của đất nước trong hai câu thơ giàu chất suy tưởng: “Lũy tiêu điều, lá vàng bay/Hàng trăm cuộc chiến, cốt đầy bên sông”. Hai câu thơ này cùng với câu “Dãi thây trăm họ nên công một người”” trong Văn tế thập loại chúng sinh đã phần nào thể hiện tư tưởng phản đối chiến tranh của Đại thi hào Nguyễn Du.
Dòng sông Giang là dòng sông chứa nhiều huyền thoại, là dòng sông lịch sử, có vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa hùng vĩ vừa kỳ bí. Chính vì vậy mà sông Gianh mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ từ xưa đến nay.
Mai Văn Hoan
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/dong-song-gianh-trong-tho-cua-cac-bac-tien-boi-2224095/