(QBĐT) – Nhà thơ Xuân Hoàng từng ở Thủ đô Hà Nội, cố đô Huế, TP. Hồ Chí Minh nhưng dù ở đâu ông cũng nhớ về Đồng Hới-nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi ông từng gắn bó lâu dài và góp phần quan trọng làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn. Có thể nói những bài thơ hay nhất, lãng mạn nhất, day dứt nhất của ông là những bài thơ ông viết về Đồng Hới thân thương. Đồng Hới luôn ở trong tâm thức của ông.
Kể từ khi chia tay Nhà xuất bản Văn học (vào năm 1961) về công tác Quảng Bình, nhà thơ Xuân Hoàng đã thổi vào văn nghệ quê nhà một luồng gió mới. Ông là một thi sĩ tài hoa, chân thật, phóng khoáng và lãng mạn. Đồng Hới xưa vốn được mệnh danh là “thị xã hoa hồng” có một vẻ đẹp hết sức quyến rũ, qua ông lại càng quyến rũ hơn.
Hãy xem ông tả cảnh Bàu Tró vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước:
Buổi chiều Bàu Tró bình yên
Hồ thanh thản nghỉ, chiều lên khói chiều
Cát vàng lắng tiếng dương reo
Cánh chim cun cút cắt vèo thinh không
(Chiều Bàu Tró)
|
Hình ảnh “cánh chim cun cút cắt vèo thinh không” giờ chỉ còn lại trong thơ Xuân Hoàng mà thôi. Câu thơ gợi nhớ Bàu Tró cái thời vẫn còn hoang sơ. Các bậc cao niên ở Đồng Hới đọc những vần thơ này của ông cứ tưởng như quá khứ xa xôi hiện về trước mắt.
Còn đây là những vần thơ ông viết về cửa sông Nhật Lệ:
Chim hải âu quấn quýt bên mình,
Cửa sóng mở một làn ánh sáng.
Thị xã biển gối lên mặt nắng,
Bỗng dập dềnh như muốn cất mình bay.
(Một chiều Đồng Hới)
Phải đánh đường sang Bảo Ninh, khi “tà tà bóng ngả về tây”, đứng trên ban công nhà cao tầng quan sát, mới cảm hết cái hay, cái tinh tế của những câu thơ này.
Cũng bên cửa sông Nhật Lệ, nhà thơ từng sánh bước cùng người đẹp giữa khung cảnh thật thơ mộng: Chỉ một bước là chân kề mép sóng/Biển và bờ. Ở giữa, chúng ta đi (Biển và bờ). Dọc bờ biển có những động cát vàng và những chùm hoa tứ quý: Em đi trên nắng đỉnh đồi/Chung quanh em ngát bao lời của hoa (Lại nói về hoa tứ quý). Cả trong thời chiến tranh, Đồng Hới cũng không hề đánh mất đi những khoảnh khắc thơ mộng ấy: Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm/Dạ lan hương thơm ngát những canh dài/Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển/Bài thơ lành anh đến ngủ bên vai (Trường ca Đồng Hới). Đây là những câu thơ được nhiều thế hệ độc giả chép truyền nhau.
Trong giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc (1964-1972), TX. Đồng Hới gần như bị bom đạn san bằng, chỉ còn lại gác chuông nhà thờ Tam Tòa và cái tháp nước đứng chơ vơ giữa đống gạch đá đổ nát, hoang tàn. Nhà thơ Xuân Hoàng đau đớn thốt lên: Có lý nào sắt thép ở bao nơi/Lại quy tụ vào một vùng đất hẹp? Cứ mỗi lần từ nơi sơ tán (ở xóm Phú Vinh, Cộn) nhìn thấy máy bay B.52 rải thảm, trái tim ông quặn thắt: Ba đợt liền nhau thành vùng chớp B.52/Dù xa đến đâu, đó vẫn là Đồng Hới/Trong ánh lửa, lòng vang lên tiếng gọi:/Đồng Hới ơi! Đồng Hới ơi!
Nhà thơ nói thay tình cảm sâu nặng của những người con Đồng Hới trong những tháng ngày buộc lòng rời xa nơi chôn nhau cắt rốn:
Chúng tôi đi
mang Đồng Hới đi bao nơi
Trong giấc ngủ, tiếng căm thù vẫn thức
Đâu có lửa, đó là vùng có chớp
Tiếng gọi cháy lòng:
Đồng Hới của ta ơi!
(Gởi về Đồng Hới)
Ông dồn hết tâm sức viết hẳn cả một bản trường ca về Đồng Hới. Trong đó có một số đoạn được nhiều người nhắc nhở, trích dẫn, bình phẩm. Riêng tôi, tôi rất tâm đắc với bốn câu thơ sau đây:
Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta
Sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ
Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở
Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà.
Vào thời điểm cuộc chiến đang diễn ra hết sức khốc liệt, nhà thơ vẫn lạc quan, vẫn giữ vững niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng. Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/Sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ-điều này giúp tôi càng thấu hiểu hơn vì sao Đồng Hới được mệnh danh là “thị xã hoa hồng”. Người Đồng Hới vốn yêu thích hoa hồng. Truyền thống đó được lưu giữ cho đến tận bây giờ. Bên cạnh hoa hồng, sau ngày chiến thắng, người Đồng Hới còn yêu thêm hoa thược dược bởi màu sắc, hình dáng hoa thược dược giống hình dáng, màu sắc những tấm huân chương. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù, người Đồng Hới nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung xứng đáng được gắn Huân chương Chiến thắng. Thế cho nên: Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà. Đó là một ý tưởng hết sức độc đáo của thi sĩ.
Đồng Hới trong tâm thức của nhà thơ Xuân Hoàng không chỉ thể hiện qua thơ mà còn qua thiên hồi ký Âm vang thời chưa xa. Cuối đời, ông cùng gia đình vào định cư ở TP. Hồ Chí Minh, trong một bức thư, ông tâm sự với tôi: “Nhiều khi mình nhớ Đồng Hới quay quắt, nhớ đến phát điên”. Có lần, nhớ quá, ông liều mạng trốn vợ con “đánh đường” ra quê, làm bà Bình (vợ ông) hốt hoảng điện hỏi khắp nơi. Biết ông đang ở Đồng Hới, bà vội vàng bay ra “tháp tùng” ông vào lại Sài Gòn.
Ngày ông giã từ dương thế, tôi viết vội mấy dòng tiễn biệt ông, nhắc lại tâm thức của ông về Đồng Hới: Nhìn chùm hoa tứ quý/Tôi cứ nhớ về anh/Dạ lan hương phố cũ/Thơm suốt thời chiến tranh/Đồng Hới với hoa hồng/Cánh buồm sông Nhật Lệ/“Âm vang thời chưa xa”/Nhắc tháng năm tuổi trẻ…
Mai Văn Hoan
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/dong-hoi-trong-tam-thuc-nha-tho-xuan-hoang-2222565/