(QBĐT) – Sau hơn 60 năm rời hang đá, người Rục (dân tộc Chứt) ở xã Thượng Hóa (Minh. Hóa) đã có bước tiến dài trong hành trình hòa nhập cộng đồng. Từ chỗ lạ lẫm với tất cả, đến nay, người Rục đã biết trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ cuộc sống, góp sức cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Vì biên cương bình yên
Men theo con đường độc đạo xuyên núi, vượt thung lũng Hung Trâu, 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ (Thượng Hóa) của đồng bào Rục hiện ra bình yên trước mắt chúng tôi. Sau những trận mưa lớn, núi rừng bao quanh bản làng của người Rục dường như xanh mướt hơn, tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc.
Bước ra từ hang đá, người Rục lạ lẫm với tất cả. Họ được Nhà nước đầu tư dự án làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế và làm nhà ở; được BĐBP dạy cho cách “làm nông” để ổn định cuộc sống. Đến nay, sau hơn 60 năm rời hang đá và hơn một thập kỷ “bứt phá”, cuộc sống, nếp nghĩ của đồng bào Rục đã có nhiều đổi mới.
Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long không giấu được xúc động: “Có được những đổi thay vượt bậc như hôm nay, ngoài sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đồng bào Rục luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP dìu dắt, “cầm tay, chỉ việc” từ những việc làm nhỏ nhất. Thường xuyên “3 cùng” với nhân dân, BĐBP đã dạy cho người Rục biết đọc, biết viết, biết trỉa cây lúa, cây bắp trên rẫy và đặc biệt là biết cách trồng cây lúa nước”.
Theo ông Cao Xuân Long, sau hơn 10 năm, chương trình đưa lúa nước về với đồng bào Rục do BĐBP triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ những ruộng lúa ban đầu, đến nay, bà con đồng bào Rục đang sở hữu 5,3ha lúa nước, 4,7ha ngô. Năng suất lúa hàng năm đạt khoảng 45-50 tạ/ha. Ngoài ra, người Rục còn trồng được hàng trăm ha rừng keo, chăn nuôi hơn 400 con trâu, bò. Kết thúc mùa vụ, nhiều người Rục đi làm nghề khai thác gỗ keo tràm, phụ hồ… để có thêm thu nhập.
Bản làng bình yên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Rục chí thú làm ăn, cuộc sống vì thế ngày càng ổn định và nâng cao. Cộng đồng người Rục, người Sách ở 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ luôn đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
|
Thiếu tá Đinh Lâm Viên, phụ trách tổ công tác Yên Hợp (Đồn BP Cà Xèng) cho biết: Để giữ bình yên cho các bản làng, lực lượng BĐBP luôn bám sát địa bàn, đẩy mạnh thông tin các chủ trương, chính sách và tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân. BĐBP cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân sự, Công an xã thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ cuộc sống bình yên cho bà con…
Tích cực tham gia tuần tra biên giới
Mờ sáng một ngày đầu tháng 11/2024, anh Cao Xuân Lạc (SN 1994), chàng thanh niên người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa bước vội trong sương sớm đến Đồn BP Cà Xèng để tham gia đoàn công tác tuần tra hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới.
Sinh ra và lớn lên ở bản làng biên giới, những chuyến đi rừng đối với anh Lạc là những chuyến đi rất quen thuộc. Vậy mà, lần nào nhận được thông báo mời tham gia tuần tra biên giới, lên với các mốc quốc giới linh thiêng, trong lòng anh cũng không kìm nén được cảm xúc dâng trào.
Bởi lẽ, tuần tra biên giới cùng BĐBP, được tận tay phát quang những cỏ dại và lau sạch cột mốc quốc giới đối với anh là niềm tự hào, là nhiệm vụ thiêng liêng, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim.
Là thế hệ người Rục thứ 2 sinh ra sau khi rời hang đá, anh Cao Xuân Nhàn (SN 1998) ở bản Yên Hợp sớm được học cái chữ nên trình độ hiểu biết xã hội cũng khá ổn. Hăng say lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình, những năm qua anh Nhàn còn tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cà Xèng.
“Tham gia những chuyến tuần tra biên giới, em càng thấu hiểu hơn những vất vả, gian lao của BĐBP đang ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc. Vì thế, mỗi lần đi, em luôn chụp hình cùng cột mốc để mang về giới thiệu đến bà con dân bản. Từ đó, vận động bà con dân bản cùng tích cực chung tay cùng BĐBP và chính quyền bảo vệ biên giới”, anh Nhàn chia sẻ.
Thượng tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn BP Cà Xèng cho biết: Đứng chân trên địa bàn 2 xã biên giới Thượng Hóa và Hóa Sơn (Minh Hóa), Đồn BP Cà Xèng trực tiếp quản lý, bảo vệ 34.175km đường biên giới (tiếp giáp huyện Bua Lạ Pha, tỉnh Khăm Muồn) và 7 mốc quốc giới (từ 530-536).
Hàng chục năm nay, nhân dân 2 xã Thượng Hóa và Hóa Sơn đã đồng hành, chung tay cùng BĐBP gìn giữ từng tấc đất, từng cột mốc biên cương thiêng liêng. Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, rất nhiều đồng bào người Rục đã hăng hái tham gia bảo vệ biên cương như những người lính biên phòng thực thụ.
“Để thực hiện nhiệm vụ, hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải thực hiện tuần tra đến tất cả 7 cột mốc quốc giới, trong đó có những cột mốc ở xa, địa bàn hiểm trở phải mất 5 ngày vượt suối, leo núi mới tới được. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã có 27 chuyến tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới với sự tham gia của lãnh đạo xã, Công an, Quân sự và người dân. Dù nhiệm vụ khó khăn, gian khổ song với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, sự ủng hộ, đồng hành thầm lặng của người dân, đặc biệt là đồng bào người Rục, người Sách, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, anh Dương Đình Hoàn cho biết.
Mỗi cột mốc quốc giới đều mang ý nghĩa thiêng liêng là đánh dấu chủ quyền biên giới, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia. Vậy nên, khi được đặt chân đến cột mốc, ngắm nhìn hai chữ Việt Nam được khắc lên cột mốc quốc giới, có ai không rưng rưng xúc động, không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc! Người viết đã được một lần theo chân đoàn công tác của Sở Ngoại vụ-cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh, đi kiểm tra mốc quốc giới số 567 và 568 (xã Lâm Thủy, Lệ Thủy), trên đoạn biên giới giữa tỉnh Quảng Bình và tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Lào). Trong đoàn công tác có 4 thành viên là nữ và các chị phải vượt qua hơn 4 giờ đồng hồ leo dốc liên tục với những chặng đường vô cùng khó khăn. Khi được chạm tay vào cột mốc quốc giới 567 linh thiêng giữa đất trời biên cương của Tổ quốc, các chị đã cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc. |
Phan Phương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202411/dong-bao-ruc-gop-suc-bao-ve-bien-cuong-2222142/