(QBĐT) – Những năm qua, các chương trình vay vốn của Chính phủ được triển khai thông. qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hoàn cảnh yếu thế có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng thực sự đã trở thành điểm tựa, là cơ hội để người nghèo có thể thay đổi tương lai.
Dẫn chúng tôi xem mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình, anh Võ Văn Học, thôn Tây Thiện, xã Dương Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Mô hình chăn nuôi ban đầu chỉ có 3 con hươu, nhưng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gia đình anh đã mở rộng quy mô. Đến nay, ngoài số lượng hươu lấy nhung tăng, anh còn đầu tư nuôi thỏ và lợn.
Anh Học kể thêm, sau thời gian xuất ngũ trở về quê, anh không có việc làm ổn định. Trong một lần tình cờ đến mua nhung hươu của một cơ sở ở Nghệ An, thấy mô hình hay, hiệu quả kinh tế, anh ấp ủ dự định sẽ khởi nghiệp bằng mô hình nuôi hươu. Sau khoảng thời gian học tập kinh nghiệm và học kỹ thuật thu hoạch nhung hươu, anh về quê mua 3 con hươu với số tiền gần 50 triệu đồng để bắt đầu nuôi thử.
|
Nuôi hươu chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, còn nguồn thức ăn là cây lá quanh vườn nên chi phí nuôi không nhiều. Sau thời gian nuôi thử, 3 con hươu phát triển khỏe mạnh và cho thu hoạch nhung lứa đầu tiên. Thấy được hiệu quả kinh tế, anh Học muốn mở rộng mô hình nuôi để tăng thêm thu nhập, tuy nhiên, nguồn vốn tiết kiệm hạn chế khi anh đã đầu tư hết vốn để mua con giống.
“Được sự hỗ trợ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi được vay gần 100 triệu đồng từ chương trình vay giải quyết việc làm. Có vốn, tôi đã mở rộng diện tích chuồng nuôi và mua thêm 10 con hươu để tăng đàn. Nhờ thu hoạch những lứa nhung hươu tôi đã có nguồn thu nhập ổn định để trả lãi hàng tháng và thực hiện dự định mở rộng mô hình chăn nuôi khác”, anh Học tâm sự.
Cần cù, chịu khó và muốn tìm những mô hình nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, gia đình anh tiếp tục làm chuồng trại để nuôi thử nghiệm thêm mấy chục con thỏ. Nguồn thức ăn cho thỏ dễ kiếm lại dễ trồng nên sau đợt nuôi thử nghiệm, anh đã mở rộng chuồng nuôi để tăng đàn lên số lượng trên 100 con/lứa nuôi. Ngoài hươu và thỏ, anh Học còn đầu tư chuồng trại nuôi trên 50 con lợn thịt. “Có thể nói, vốn chính sách xã hội đã giúp gia đình tôi thực hiện được những dự định và mong muốn làm kinh tế của mình”, anh Học chia sẻ.
Cách đây 2 năm, khi cầm trên tay giấy báo nhập học của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng, mẹ con chị Phạm Thị Thanh đã trăn trở với biết bao nỗi lo. Chạy ăn từng bữa hàng ngày còn không đủ, làm sao nghĩ đến chuyện nuôi con học 4 năm đại học.
Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, NHCSXH tỉnh đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội, qua đó giúp nhiều hoàn cảnh có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, đã có hơn 1.343 lượt hộ nghèo, 1.644 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng phát triển kinh tế, 456 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục đến trường… |
Ở thôn Phú Vinh, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) gia đình chị Thanh thuộc diện hộ nghèo. Hoàn cảnh éo le khi chị phải một mình nuôi con trai ăn học. Suốt 18 năm qua, một mình chị phải bươn chải đủ nghề để có tiền lo cho con. Chị tâm sự, thương con, mong muốn con được học hành đàng hoàng như bạn bè cùng trang lứa, mỗi ngày chị đều cố gắng làm việc chăm chỉ. Không có việc làm ổn định nên ai thuê gì chị làm đó, kể cả công việc bốc hàng nặng nhọc ở chợ. Miễn sao công việc có thu nhập để chị có tiền nuôi con.
Dù gia cảnh khó khăn, nhưng thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, con trai chị-Phạm Trọng Thánh học hành chăm chỉ và rất ngoan. Kết quả sau 12 năm cố gắng học hành của Thánh là giấy báo nhập học Trường đại học Sư phạm kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng. “Ngày nhận được giấy báo, vì lo tôi không thể cho con đi học, Thánh đã bày tỏ nguyện vọng sang học một trường nghề để nhanh chóng ra trường đi làm lo cho gia đình. Biết mong muốn được học đại học của con nhưng hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên tôi cũng trăn trở không biết làm sao”, chị Thanh kể. Tưởng như ước mơ được đến trường của Thánh phải khép lại thì niềm vui như vỡ òa khi nhờ sự hỗ trợ của gói vay học sinh, sinh viên của NHCSXH, con đường đến trường của em được mở rộng hơn.
Đến nay, sau 2 năm được vay vốn và đi học, niềm vui vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt lam lũ của chị Thanh. Gọi điện hỏi về tình hình học tập của Thánh, em vui mừng thông báo, với sự nỗ lực của bản thân, 2 năm liền theo học tại trường em đã nhận được học bổng. Đây là món quà mà em muốn dành tặng mẹ.
Đ.N
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/diem-tua-cua-nguoi-ngheo-2222026/