(QBĐT) – Từ lâu, sử sách chép về núi sông Quảng Bình đều đề cập đến núi Hoành Sơn, tức đèo Ngang, ngọn núi phân chia địa giới tỉnh Quảng Bình ở phía Bắc và tỉnh Nghệ An xưa, nay là tỉnh Hà Tĩnh.
Có một địa danh từ lâu gắn liền với lịch sử sơ khai của vùng đất Quảng Bình đó chính là dãy Hoành Sơn. Trong suốt chiều dài lịch sử, dãy Hoành Sơn là miền biên viễn, luôn xảy ra chiến tranh, xung đột để tranh giành cương vực, lãnh thổ giữa các triều đại. Dấu tích còn sót lại trên dãy Hoành Sơn chính là lũy Hoành Sơn (Lâm Ấp phế lũy).
Những tư liệu lịch sử đều đề cập đến dãy Hoành Sơn không nhiều. Đến năm 1555, khi viết Ô Châu cận lục Dương Văn An mới mô tả chi tiết về danh sơn này. “Ở châu Bố Chính, gần làng Tiêu Sơn, tiếp liền ranh giới Nghệ An. Mạch núi ở tổ sơn dẫn đến, có thế rồng cuộn cọp ngồi, đồi cao ngăn chặn trập trùng, kéo dài ra tới biển, vách dựng đứng hàng vạn nhận, như bức trường thành án ngữ chặt vùng phương Nam”[1].
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 chép “Núi Hoành Sơn ở châu Bố Chính, gần xã Sơn Tiêu tiếp cõi Nghệ An, từ xa thăm thẳm mà đến gò núi chập chùng giăng ngang đến biển giống như dải trường thành”[2]. Còn sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép “Phía Nam giáp giới với huyện Bình Chánh thuộc Quảng Bình, phía Bắc giáp giới với huyện Kỳ Anh thuộc Nghệ An”[3].
Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả khá chi tiết địa danh dãy Hoành Sơn “Ở phía Đông Bắc huyện Bình Chính 42 dặm, giáp địa giới huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Một dải núi giăng ngang, từ núi Giăng Màn (Khai Trường sơn) chạy đến, dằng dặc, có những đồi cao trảng thấp trùng trùng điệp điệp, ngang giáp biển đông, trông như bức trường thành dài, là chỗ hiểm yếu giữa hai miền Nam và Bắc”[4]. Đến bộ Đồng Khánh địa dư chí chép: “Ở phía đông bắc của phủ lỵ, các ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp chạy ngang ra biển. Nửa núi phía bắc thuộc Hà Tĩnh, bên sườn núi đặt quan ải. Trên cửa quan có dựng nhà bia, kính khắc thơ ngự chế của vua”[5].
|
Dãy Hoành Sơn chạy theo hướng từ Tây sang Đông, chia cắt vùng hẹp nhất của đất nước. Cách đó về phía Nam khoảng 20km là dòng Linh Giang (sông Gianh) cũng chạy theo hướng từ Tây đổ về Đông. Với sự kiến tạo tự nhiên độc đáo của hình sông, thế núi đã làm cho vùng đất này có vị trí hết sức hiểm yếu về quốc phòng. Cũng chính trên đỉnh Hoành Sơn có một công trình kiến trúc gắn liền với những năm tháng đầy biến động của lịch sử, đó chính là Hoành Sơn quan.
Trải qua gần 200 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh, cho đến khi vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802, trên núi Hoành Sơn chỉ dựng tạm lán trại đồn trú cho quan, quân canh giữ. Đến tháng 10, năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng mới bàn đến việc xây dựng công trình phòng thủ kiên cố. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép “Vua từng bảo thị thần rằng:“Khoảng năm Gia Long, thành ấy đã từng sửa đắp, mà buổi đầu làm tạm, chưa dùng gạch đá. Trẫm nghĩ Quảng Bình phía nam gần kinh kỳ, phía bắc có Hoành Sơn, là nơi rất xung yếu, thành trì không thể không làm cho kiên cố. Vậy bàn sang năm làm”. Bèn sắc cho các đình thần thuê dân lấy đá núi, một đống đá (vuông 1 trượng, cao 2 thước 5 tấc) cấp cho 15 quan tiền”[6].
Mùa xuân, tháng 3, Quý Tỵ, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), triều Nguyễn chính thức thiết lập cửa ải Hoành Sơn. Đây là dấu mốc, đánh dấu sự ra đời của Hoành Sơn quan. Sách Đại Nam thực lục chép về sự kiện này “Thiết lập cửa ải Hoành Sơn (Hoành Sơn trên liền núi cao, dưới giáp biển lớn, ở khoảng tiếp giáp giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cửa ải ở trên đỉnh núi, chung quanh xây tường bằng đá núi, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước, đằng trước mở 1 cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, xây theo thế núi; bên tả dài 36 trượng, bên hữu dài 39 trượng; có chỗ cao 3, 4 thước, có chỗ cao 5, 6 thước không chừng. Trong dựng một trại lính 3 gian để làm chỗ biền binh đóng giữ. Lấy 300 biền binh ở Quảng Bình và Hà Tĩnh để làm việc xây dựng đó)[7].
Sau đó, liền sai thự Thị lang bộ Công là Đoàn Văn Phú đến quản đốc. Khi Đoàn Văn Phú đi, vua dụ bảo rằng: “Nay Nam, Bắc một nhà, bốn phương vô sự, trong có các cửa ải Quảng Bình, Võ Thắng là nơi hiểm yếu đủ cậy rồi. Còn cửa ải Hoành Sơn này lập nên chỉ để xét hỏi quân gian, cũng là một đồn phân phòng đó thôi. Ngươi nên xét kỹ hình thế, trù tính việc làm, cốt sao đỡ tốn”[8]. Trong mục Quan ải-cửa biển tỉnh Quảng Bình, sách Đại Nam nhất thống chí mô tả Hoành Sơn quan “Ải Hoành Sơn: Ở phía Bắc huyện Bình Chính. Ải này xây đá, dài 11 trượng tám thước, cao 10 thước, ở giữa là cửa ải, hai bên tả hữu xây tường dài 75 trượng, cao bốn thước, hai bên tả hữu và phía sau là bức tường dài 12 trượng hai thước”[9].
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh (chín cái đỉnh), trên Huyền đỉnh có khắc núi Hoành Sơn. Tháng hai, năm Nhâm Dần (1842), trên đường ngự giá Bắc tuần, vua Thiệu Trị đi qua ải Hoành Sơn và đã sáng tác bài “Hoành Sơn quan”. Về sau bài thơ được đem khắc vào bia đá, dựng bia ở bên đường. Năm Kỷ Mùi (1859), nhận thấy thời tiết, khí hậu ở cửa ải Hoành Sơn quá khắc nghiệt, vua Tự Đức liền cho cắt giảm quân số đồn trú. Sách Đại Nam thực lục chép “Vua cho là cửa ải Hoành Sơn, không phải là nơi xung yếu, mà khí lam chướng rất nặng, biền binh không tiện đóng lâu. Sai rút (trước phái đi 200 lính Quảng Bình, Nghệ An) về, chỉ lưu lại 40 người, chọn đất cho đóng, cắt lượt nhau đi tuần xét”[10].
Trong 27 khoản của bản Hòa ước Quý Mùi (1883) hay còn gọi là Hòa ước Harmand, triều Nguyễn ký với Pháp có một số thông tin liên quan đến địa danh đèo Ngang. “Khoản thứ ba: Quân Pháp đóng giữ ở núi đèo Ngang và ở Thuận An. Khoản thứ sáu: Từ tỉnh Khánh Hòa ra đến đèo Ngang thì quyền cai trị thuộc về triều đình. Nhưng khoản sau nói rằng viên khâm sứ ở Huế được quyền tự do ra vào yết kiến nhà vua. Còn đất Bắc Kỳ kể từ đèo Ngang trở ra thì nước Pháp đặt công sứ ở các tỉnh để kiểm soát công việc của quan Việt Nam”[11].
Trên Hoành Sơn quan còn nguyên biển ngạch bằng đá xứ Thanh đề 3 chữ Hán đại tự “Hoành Sơn quan” dãi dầu mưa nắng hơn 192 năm nay đã in dấu rêu phong. Và cũng chính địa danh Hoành Sơn làm nên nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca vô tận cho biết bao nhiêu tao nhân, mặc khách mà nổi tiếng nhất có lẽ là bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện thanh quan.
Nhật Linh
[2] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2015, tr.78.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB Hà Nội, 2023, tập 6, tr.240.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, NXB Lao động, 2012, tập 1, tr.501.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, NXB Thế giới, Hà Nội, 2003, tr.1354.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2022, tập 2, tr.239.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 3, tr.500.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 3, tr.500.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tập 1, tr.525.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Sđd, tập 7, tr.618.
[11] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Văn học, Hà Nội, 2021, tr.591.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202501/dia-danh-hoanh-son-qua-cac-giai-doan-lich-su-2223639/