(QBĐT) – Nhà sát biển. Mỗi sáng, Kiên chỉ cần đi vài bước chân qua khỏi con đường phía trước là đến mép sóng. Đêm, không ngủ được, anh nằm nghe gió trở. Ngoài bãi, mòi nước vỗ vào bờ cát, rất gần mà nghe như rất xa. Con sóng rút ra tít ngoài kia rồi lại cuộn đổ vào bờ. Ì ầm…ì ầm…ì ầm…
Tiếng sóng cứ nhẩn nha dội vào đêm vắng tênh, theo lối gió trùm khắp làng biển, những người buồn càng buồn thêm, những người nhớ càng nhớ thêm. Giường bên, mạ trở mình nói trổng vào đêm “Mọ kêu buồn thiệt!”. Ba lục đục ngồi dậy châm thuốc hút “ Gió lại trở rồi!” Kiên không buồn cũng chẳng nhớ, trong người lửng lửng lơ lơ đã mấy hôm nay. Nguyên cớ bắt đầu từ việc sau hai năm tốt nghiệp đại học vẫn không tìm được chỗ làm. Kiên đã lui tới đến mòn đường chết cỏ những chỗ cần đến nhưng chỉ nhận được mấy câu trả lời chưa nghe đã biết: “Cơ quan đang giảm biên chế!”.
Đợi ba trở về sau chuyến biển, khi ông đang ướt lướt thướt đội chiếc thúng trên đầu như một con sứa khổng lồ và đen trũi bước vào sân, Kiên nói thiệt to: “Chuyến sau con đi biển với ba, ba nghe!” Ba trừng mắt: “Mi nói chi? Tau biết rồi, tau nghe họ nói rồi. Muốn có việc phải chạy. Mai mi đi hỏi, tau thế chấp nhà cho mi!”. Ông vừa bực dọc nói vừa ném mạnh mớ lưỡi câu trong tay vào thúng: “Chuyến ni lỗ tiền dầu! Mi chộ chưa, tau được chi nơi biển mà mi còn theo?!”.
|
Mạ đứng ở chái bếp buông một tiếng thở dài: “Cha chài, mạ lái, con câu/Sống nhờ bọt nước biết đâu mà giàu!”
Kiên biết tính ba, nói là phải làm cho bằng được, nhưng anh vẫn cố vặc lại:
– Mắc chi rứa, kiếm ăn thì kiếm mô chẳng được. Con đi biển. Việc nơi thuyền chơ việc mô mà phải thế chấp nhà!
– Mi bước lên thuyền, tau chặt cẳng…!.
*
Về lục tích làng biển, Kiên nghe các cụ già kể: Khoảng những năm nửa cuối thế kỷ XV, XVI, hai triều đại phong kiến Trịnh-Nguyễn phân tranh, nhà Nguyễn muốn giữ chặt vùng đất phía Nam đèo Ngang đã phái ba vị quan ra vùng đất này để trấn giữ. Vậy nên hiện nay làng biển của Kiên có ba họ: Họ Nguyễn, họ Hoàng và họ Lê. Kiên họ Hoàng, họ lớn nhất làng. Những lúc ngà ngà say, ba thường tự hào: Họ tau con nhà quan ở trong Huế tê! Một lần cũng đã lâu lắm có người đồng niên với ba cự nự lại: Con cháu nhà quan răng không làm ông ni mụ nọ mà cũng đi biển?! Ba cảm thấy mình bị hạ nhục, dòng họ mình bị hạ nhục. Đêm đó ông trở về nhà, kêu bầy con 7 đứa lại:
– Mấy đứa bây, đứa mô học ngu tau quăng xuống biển. Bây đừng mần xấu mặt tổ tiên nghe chưa!
Cả bọn chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng cũng rập ràng dạ ran. May là anh em Kiên sáng dạ, học hành cũng đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc này nọ cả. Ngày Kiên thi đậu vào đại học nông nghiệp Huế, ba như rửa được mối nhục năm nào “Tau biết chơ! Răng rồi con tau cũng làm sáng mặt tổ tiên”.
Nghe tiếng dép lẹt xẹt, Kiên biết ba đã dậy, ngó ra ngoài mùng anh thấy đốm lửa đỏ lừ từ điếu thuốc ông ngậm trên miệng. Anh biết vậy là rít ghê lắm, mỗi khi có chuyện chi bực bội ba thường rít thuốc kiểu ấy. Kiên cản, ba đừng hút thuốc nữa, hại người ghê lắm, ai đời hút thuốc mà nót cả khói vô bụng như ba.
– Kệ tau! Cục tức ứ lên tận cổ không nót xuống thì vất đi mô?!
Ba húng hắng ho khan mấy lần rồi gọi: Thằng Kiên, dậy tau nói!
Kiên lồm cồm chui ra khỏi mùng, ngồi khoanh tròn trên giường nghe ba:
– Mai mi đi hỏi nghe chưa. Mấy tiền tau lo!
– Không, con không đi!
– Răng?
– Nhục lắm! Con đi biển với ba. Có ít ăn ít có nhiều ăn nhiều. Cần chi lắm!
– Mi…!
Ba bật ra một tràng ho dài, sau mỗi cơn ho điếu thuốc trên tay lại cháy đỏ. Kiên nói tiếp:
– Ba yếu rồi. Bữa ni đừng đi biển nữa, để con…
– Mi tưởng dễ à? Tau đi chục chuyến, được ba mất bảy. Bạn tàu bỏ lên bờ cả. Mi đi với ai? Công lao, tiền của tau nuôi mi mấy năm ni vất đi được à?
Kiên không muốn đôi co với ông trong chuyện này. Cha mẹ cho anh hình hài vạm vỡ. 4 năm theo học anh đã có thêm nhiều hiểu biết về chuyên ngành thủy sản. Điều đó không tốt cho nghề đánh cá biển sao?! Thấy ba có vẻ nóng, Kiên hạ giọng dỗ dành:
– Ba à! Cần chi làm cán bộ nhà nước mới ông ni mụ nọ. Ba thấy trên ti vi họ chiếu không, đến cả người nông dân chân lấm tay bùn mà làm ăn giỏi cũng được ca ngợi, báo chí đưa tin rầm rầm đó thôi.
Giường bên kia, mạ trở mình. Mạ ít nói và không tham gia tranh cãi chuyện gia đình. Lâu nay bà nhẫn nại chiều chồng, chiều con nhưng lần này bà lên tiếng:
– Tui e thằng Kiên nói đúng!
Ba nổi nóng: Đúng chi? Mạ con bây hùa theo chắc, tau quăng hết!
Cả nhà im lặng. Ngoài kia tiếng sóng biển thưa nhặt ập vào bờ cát vọng lại buồn tênh. Kiên biết ba vì sĩ diện mà gân guốc với anh theo chuyện công ăn việc làm chứ thực ra ông cũng là người yêu biển đến đắm đuối. Thấy chưa thuyết phục được ba, lại không muốn làm ông bực dọc thêm nữa, Kiên vớ chiếc áo vắt đầu giường mặc vội vào và đi ra biển:
– Mi đi mô?
– Con ra bãi.
Ông nhìn hút theo bóng thằng con trai đầu, rồi cũng đứng dậy đi về phía biển để rơi lại một cơn ho dài. Mạ với theo: Trời không nghe đất thì đất nghe trời. Mần thằng lền ôông rồi để hắn quyết định!
*
Sau cái đêm cha con tranh luận về công việc của Kiên, ba ít nói hẳn. Anh chiều ba nhưng sẽ tìm cách thuyết phục ông cho anh đi biển. Chuyến biển vừa rồi anh lại lân la:
– Ba à, thuyền thiếu người đi bạn ba cho con theo nha. Coi như thuê người thôi mà. Coi như con đi bạn như họ nghe ba!
– Mi đừng phỉnh tau. Thương tau thì ở nhà mà kiếm việc. Đi chi cho cực thân!
Nói rồi ông nhảy phắt lên thuyền, nhổ neo, nổ máy chạy. Đứng trên bờ, Kiên tần ngần nhìn theo dáng ba. Trong chùm nắng rẽ quạt cuối chiều, dáng ông đứng đầu mui thuyền lừng lững, đỏ au như một súc gỗ lim, mái tóc cứng quèo tung lên theo gió. Anh cười thầm, hèn chi cứ đụng chân giường là mạ nghén. Ba anh ăn sóng nói gió, đôi khi cục súc nhưng tình cảm mặn mòi và bạo liệt. Nhỏ không biết, khi đã lớn rồi, cứ sau mỗi chuyến biển ba về là anh thấy mắt mạ lấp lánh, mặc dù chẳng khi nào anh nghe hai người nói với nhau một lời âu yếm.
Nhưng lần này sự trở về của ba lại khác, mắt mạ chưa kịp lấp lánh đã ngập nước. Thuyền ra khơi chưa được nửa ngày thì lừ lừ chạy vô cửa. Người nhảy xuống đầu tiên không phải là ba như mọi bận. Thuyền cập vào cầu đá, người ta cõng ba xuống và đưa thẳng vào viện. Nghe nói ông nổi cơn ho, ho rũ rượi đến lả người rồi phun ra máu tươi. Một người đàn ông như ba mà bị những cơn ho vật đổ là chuyện lạ. Sau rất nhiều xét nghiệm, siêu âm, chụp phim người ta kết luận ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Cầm kết quả khám của ba trên tay, Kiên hoa mắt hoa mũi, cảm giác như có bão đổ trên đầu. Suốt mấy ngày sau đó Kiên ở trong viện, hai cha con gần như chẳng nói gì với nhau ngoài việc ông đòi Kiên cho hút thuốc, giữa những cơn đau ông chỉ nằm nhìn trân trối lên trần nhà, lâu lâu lại buông một tiếng thở dài nghe buồn hơn cả tiếng mọ kêu ngoài bãi. Được chưa đến chục ngày trong khi Kiên đang đứng nhìn trân ra cửa sổ, ông bỗng mở lời: Kiên, lại ba nói. Lần đó ông gần như rút ruột rút gan nói về cuộc đời sóng gió của mình.
– Ba biết, mi như ba. Lền ôông thời loạn không ra chiến trường là hèn. Lền ôông kẻ biển không chém sóng chém gió cũng hèn. Chừ ri ba đau ốm, thôi đành chiều mi, giao chiếc thuyền cho mi cả. Cần câu cơm của cả nhà đó con à, gắng mà nuôi đoàn em nghe con…
Nghe ba nói như lời trăng trối, hai con mắt của Kiên cay xè. Nói xong ông đòi về. Hôm sau, ông xin đi biển. Kiên ngăn, bạn thuyền ngăn. Ông nói mà như van: Cho tau đi chuyến cuối cùng. Bữa sau đã có thằng Kiên! Xong, cũng như mọi ngày ông nhảy phắt lên thuyền, nhổ neo và nổ máy. Chuyến biển ấy, tàu nhà Kiên trúng đậm một mẻ cam cày. Ba anh nghỉ biển, mấy tháng sau thì mất. Kiên giờ giống như ba mọi dạo, là người đàn ông của biển, cũng tráng kiện và đỏ au như một súc gỗ lim. Chỉ mạ là khác, từ ngày ba mất, mắt bà không còn có dịp để lấp lánh nữa mà trở thành hai hố buồn. Đêm nay trời trở gió, mọ kêu ngoài bãi, mạ trằn trọc không ngủ. Biết Kiên cũng vậy, bà lên tiếng:
– Mấy bữa ni răng con?
– Cũng được mạ à. Có máy móc rồi phải khác chơ mạ. Tới đây con mua thêm vàng lưới nữa là đủ đồ làm nghề.
– Ầu, buôn có bạn, bán có phường, mần chi cũng nhớ giữ lấy tình cảm anh em. Thuyền không có người đi bạn là gay lắm. Tôộc rợng mi nhớ nhắc mạ ra bãi phơi ruốc nha!
– Tôộc rợng rồi chi nữa mạ!
Truyện ngắn của Trương Thu Hiền
– Mọ: Tiếng sóng
– Bảm: Nhiều
– Lền ôông: Đàn ông
– Tôộc rợng:Tảng sáng
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/dem-nghe-gio-tro-2222569/