|
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN tại các huyện, thị xã và thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.
Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh.
|
Trong giai đoạn 2022-2023, Sở KH-CN đã phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện 56 mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN, nhiệm vụ KH-CN liên kết trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với tổng số tiền ngân sách sự nghiệp chi hỗ trợ là hơn 8,8 tỷ đồng.
Trong đó có 21 nhiệm vụ trong lĩnh vực trồng trọt, 16 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 7 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thủy sản, 7 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xã hội nhân văn, 5 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Sở KH-CN cũng đã thực hiện hỗ trợ thêm 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và các cuộc hội thảo khoa học.
|
Đồng thời, sở đã tổ chức thẩm định, có ý kiến về công nghệ 33 dự án đầu tư, nhằm lựa chọn các công nghệ tiến tiến, hiện đại; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong sử dụng cân ô tô tại 28 cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tiến hành khảo sát đánh giá chất lượng phân bón, thức ăn chăn nuôi của 40 cơ sở sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh…
|
Trên cơ sở đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố, Sở KH-CN đã chủ trì tổ chức đoàn tham quan tại học tập kinh nghiệm trong hoạt động quản lý KH-CN tại các Sở KH-CN Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.
Kết quả, các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố đã và đang triển khai ứng dụng một số mô hình trên địa bàn, như: Mô hình nuôi trai lấy ngọc tại huyện Tuyên Hóa; dự án trồng cây trong nhà màng và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN…
|
Tuy nhiên, hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế-xã hội, chưa tạo được mối liên kết 4 nhà (nhà khoa học-nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà nông), nên sản phẩm hoạt động nghiên cứu KH-CN chưa thực sự đi sâu vào thực tiễn đời sống sản xuất; các cơ chế chính sách khuyến khích đưa tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống chưa đáp ứng được yêu cầu…
|
Hội nghị đã thống nhất đề xuất các nhóm giải pháp về hoạt động KH-CN, quản lý công nghệ và hoạt động tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng. Theo đó, khuyến khích các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong nghiên cứu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN; đầu tư phát triển một số sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, như: Lúa, gạo; gỗ rừng trồng và sản phẩm từ gỗ; lợn, gà; tôm, cá nuôi; kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.