(QBĐT) – Lẽ thường, dù ở đâu, ai cũng muốn có một nơi để trở về, để tưởng nhớ quê cha, đất tổ, bởi đó không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, mà còn là nơi gắn kết tình thân ruột thịt. Thế nhưng, với nhiều người, mảnh đất hương hỏa đó phải là sở hữu của riêng mình.
1. Càng về cuối phiên tòa phúc thẩm ngày hôm ấy, lời lẽ của những người anh chị em trong gia đình ấy ngày càng gay gắt. Người đàn ông hơn 70 tuổi là bị đơn và là người kháng cáo cho rằng, cha mẹ ông có 5 người con nhưng chỉ có ông là con trai duy nhất.
Ông có toàn quyền sử dụng, quản lý toàn bộ diện tích đất và ngôi nhà để làm nơi thờ tự ông bà, cha mẹ là hoàn toàn phù hợp với tập quán của người Việt Nam. Hơn nữa, từ năm 2006, 4 chị em trong gia đình đều đã thống nhất viết giấy ủy quyền thừa kế đất và nhà ở đó giao cho ông quản lý và sử dụng. Vì vậy, việc tòa án sơ thẩm quyết định chia di sản thừa kế đó thành 5 phần cho 5 người là hoàn toàn trái pháp luật.
Ngược lại 4 chị em của ông trình bày, việc viết giấy ủy quyền thừa kế đất và nhà lúc trước của họ, nhằm để tạo điều kiện thuận lợi cho ông Cường chuyển đổi thừa kế quyền sử dụng đất và vay tiền tu bổ, sửa chữa nhà của cha mẹ, nhưng nhiều năm qua, ông không thực hiện. Vì vậy, cả 4 chị em đều không chấp nhận kháng cáo của ông Cường và đề nghị tòa chia di sản theo pháp luật.
Ông Cường thì biện minh rằng, sau khi họp gia đình và lập giấy ủy quyền, do bị ốm đau, bệnh tật nên ông chưa làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền sửa chữa lại nơi thờ tự cho cha mẹ được chứ không phải ông không làm.
Lần này, cả 4 người chị em đều đồng thanh vạch tội ông Cường: “Tất cả những lời nói của ông Cường đều biện bạch cho ý đồ muốn chiếm đất của cha mẹ để lại. Chúng tôi sẵn sàng nhường toàn bộ tài sản thừa kế, nếu như ông Cường là người biết suy nghĩ, biết lo lắng, hương khói cho cha mẹ. Đằng này, là con trai duy nhất nhưng ông để cho nơi thờ tự cha mẹ xuống cấp nghiêm trọng (ông Cường sinh sống ở thành phố-P.V).
Khi ngôi nhà xuống cấp, ông Cường tháo mái nhà chính, tự ý dời bàn thờ cha mẹ ra đặt ở nhà phụ. Ngày kỵ giỗ ba mẹ, ông Cường không những không lên nhà thắp hương, mà còn khóa nhà lại, không cho chị em đến hương khói cho cha mẹ. Thử hỏi, ông đã làm đúng trách nhiệm của người con trai với đấng sinh thành”.
|
Thoáng chút im lặng, ông Cường hạ giọng đề nghị hội đồng xét xử tạo điều kiện chia thửa đất di sản cho ông được nhận 3/5 diện tích đất, để ông xây dựng lại nhà thờ thờ tự cho cha mẹ. Ông sẽ có trách nhiệm trả tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế. Còn 4 chị em yêu cầu tòa phân chia cho ông Cường một nửa thửa đất, nhưng ông không được bán và cam kết phải xây dựng lại nhà thờ; đồng thời, các chị em trong gia đình đều có quyền đến thờ cúng cha mẹ tại nhà thờ tự như trước đây.
2. Cho rằng 2 thửa đất của cha mẹ (đã mất) là đất hương hỏa, dùng để làm nơi thờ phụng ông bà, cha mẹ, nên 5 anh em của ông Quân không cho ông chuyển đổi quyền sử dụng đất. Tại phiên tòa phúc thẩm ông Quân trình bày, trước khi mất cha mẹ có di nguyện để lại 2 thửa đất cho ông, nhưng do không hiểu biết pháp luật nên ông chưa kịp làm thủ tục thừa kế và chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Còn ngôi nhà của cha mẹ sinh sống là do ông đã bỏ tiền ra thuê người làm và ông ở từ đó đến nay.
Ngược lại những người anh chị em khác của ông lại nói, ý kiến trình bày của ông Quân không đúng, vì khi cha mẹ còn sống, ông Quân đi làm ăn và xây dựng gia đình ở xa. Hiện, ông Quân đã có nhà đất và gia đình vợ con. Khi cha mẹ mất ông Quân về nhà được ít ngày rồi đi. Cha mẹ cũng không nói cho ông Quân đất, mà chỉ nói sau khi mất, thửa đất có ngôi nhà đó dùng để làm nơi thờ cúng, không được chia cho ai cả.
Khi ông Quân có nguyện vọng muốn về quê sinh sống, anh em trong gia đình đã bàn bạc, thống nhất giao cho ông để ở và quản lý, nhưng ông không được làm thủ tục sang tên. Còn ngôi nhà và các công trình của cha mẹ là do tất cả anh em góp sức làm nên, chứ không phải chỉ một mình ông Quân làm. Do đó, các ông bà không đồng ý việc ông Quân khởi kiện ra tòa án yêu cầu được cấp quyền sử dụng đất đối với di sản của cha mẹ để lại.
Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định giao 1 thửa đất cho ông Quân và buộc ông phải trả lại số tiền chia tài sản cho các đồng thừa kế, vì không thể chia nhỏ di sản. Tuy nhiên, ông Quân không chấp nhận quyết định của bản án sơ thẩm mà kháng cáo toàn bộ bản án, với lý do mong muốn được sở hữu cả 2 thửa đất của cha mẹ để lại. Ngược lại, các đồng thừa kế khác cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giao toàn bộ ngôi nhà và các tài sản trên cho một người anh em khác sở hữu. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng nội dung kháng cáo của ông Quân và các bị đơn không có căn cứ và quyết định của tòa cấp sơ thẩm phù hợp với thực tế, nên không chấp nhận.
Vậy là, từ thửa đất hương hỏa nơi gắn kết tình thân và là nơi chốn để tưởng nhớ cha mẹ, ông bà, nay tình chị em rạn nứt. Di sản cha mẹ để lại trở thành nguyên cớ để anh chị em tranh quyền, đoạt lợi.
Lê Thy
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202412/dat-huong-hoa-2222716/