(QBĐT) – Ngày 26/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dành cả ngày để thảo luận tại tổ. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và điều hành thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 12 (gồm các đoàn Hưng Yên, Quảng Bình, Ninh Bình, Bắc Cạn).
|
Các ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Thị Tuyết Nga và Trần Quang Minh đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; dự thảo Luật Điện lực. Các ý kiến đồng tình và đánh giá cao những kết quả tích cực đã đạt được trong 9 tháng năm 2024.
Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý một số nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí (PCTN, TC và LP), đặc biệt là các giải pháp, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực và bảo vệ người đấu tranh PCTN, TC và LP, kiểm soát tài sản, thu nhập… Các ý kiến cũng phân tích về giải pháp phòng, chống lãng phí nhằm bảo đảm tập trung đồng đều ở cả 4 giải pháp như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; xem xét tiến hành cuộc tổng rà soát tình trạng lãng phí hiện nay trên 2 phương diện chính, gồm: Lãng phí đầu tư công, đầu tư tư và sử dụng, quản lý tài sản công, tài sản tư.
|
Các ý kiến cũng phân tích về kết quả bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới; phòng, chống thiên tai nhìn từ bão YAGI; tạo môi trường thuận lợi cho công tác đổi mới sáng tạo, nhất là lĩnh vực công nghệ; đánh giá lại và phân tích rõ hơn, chính xác hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tập trung chỉ đạo tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và giải quyết dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra và thi hành các bản án đối với các dự án lớn của các địa phương, có phương án tiếp tục thực hiện chương trình, dự án nhằm tránh lãng phí nguồn lực và tạo động lực cho phát triển; vấn đề lừa đảo qua mạng; đào tạo, sử dụng nguồn lao động, việc làm và lãng phí nguồn nhân lực; làm rõ một số vụ điển hình về “thổi giá” bất động sản; lấy thành tích của dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối để làm động lực thi đua đối với các ngành, ghi nhận xứng đáng đối với tập thể, cá nhân và xây dựng điển hình; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đánh giá khách quan, chính xác việc hụt thu, giảm tổng thu nhập, xây dựng dự toán năm 2025 và các năm tiếp theo…
|
Về các vấn đề liên quan đến giáo dục-đào tạo, các ý kiến đã chỉ ra những nội dung bất cập, như: Việc chậm ban hành một số văn bản có ảnh hướng lớn đến định hướng phát triển toàn ngành; công tác quy hoạch, phát triển, sắp xếp trường, lớp; tình trạng thiếu giáo viên; việc dạy thêm, học thêm, hướng nghiệp, phân luồng… Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo; tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
|
Thảo luận về dự án Luật Điện lực, tán thành sự cần thiết sửa đổi, các ý kiến của đại biểu cũng đồng thời chỉ ra những vấn đề cần xem xét và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, như: Chính sách đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cần bổ sung một số quy định để bảo vệ môi trường… Vấn đề hiệu lực thi hành các luật và việc áp dụng vào thực tiễn; về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực; quy định ngừng, giảm cung cấp điện…
Ngọc Mai
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202410/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-ket-qua-thuc-hien-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2221898/