(QBĐT) – Thời gian qua, các cơ quan thành viên Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã xây dựng nhiều hoạt động tuyên truyền phù hợp đến từng đối tượng, phổ biến kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Nhờ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hướng các hoạt động về cơ sở đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phiên tòa giả định, mô hình giáo dục trực quan
Phiên tòa giả định (PTGĐ) là một trong những hình thức PBGDPL mới mô phỏng quá trình xét xử của một phiên tòa thực tế, thường tập trung vào các vấn đề pháp luật phổ biến, như: An toàn giao thông, bạo lực học đường, ma túy, vi phạm pháp luật hình sự… So với các hình thức tuyên truyền truyền thống, PTGĐ được xây dựng chỉnh chu từ kịch bản, tình huống pháp lý cùng với cách thể hiện trực quan, sinh động nên có sức hấp dẫn đối với người tham dự, nhất là độ tuổi học sinh. Thay vì phải nhớ những điều, khoản, quy định khô khan, người tham dự PTGĐ sẽ nhớ đến hành vi của các bị cáo trong buổi xét xử, biết các hình thức xử phạt để từ đó tránh xa hành vi vi phạm pháp luật. Các tình huống giả định thường dựa trên những vụ việc có tính phổ biến, giúp người tham gia hiểu được hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm.
Năm 2024, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều PTGĐ, xem đây là cầu nối để gắn kết pháp luật với thực tiễn cuộc sống. Nổi bật là tổ chức thành công PTGD về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân tại xã Đức Trạch (Bố Trạch). Từ các tình huống, diễn biến được thể hiện qua PTGĐ đã giúp cho người dân, nhất là các chủ tàu, thuyền đánh bắt hải sản hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, nắm bắt được các mức xử phạt về tội tổ chức cho người xuất cảnh trái phép, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức… Qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, hành động trong việc tuân thủ các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
|
Phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay. Ngoài các hình thức, như: Tổ chức diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi về sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…, các cơ quan chức năng còn tổ chức PTGĐ về xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em trên không gian mạng. Thông qua các tình huống giả định đã bồi đắp thêm kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng nhận diện những hành vi lừa đảo, xâm hại trẻ em đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày mà nhiều người chưa biết.
Tại các trường học, việc PBGDPL được tổ chức dưới nhiều hình thức, như: Thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa… học sinh còn được tham gia các PTGĐ về phòng, chống ma túy học đường, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Nhờ đó, học sinh được phổ biến các nội dung của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhận biết mức xử phạt đối với người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy…
Em Võ Hoàng Như Thảo, học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Tham gia PTGĐ em có thêm nhiều bài học bổ ích, được cung cấp kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, an toàn giao thông. Chúng em được hiểu rõ hơn những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm để tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là việc không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi…”.
Với nội dung được xây dựng sinh động, tình huống sát với thực tế, các PTGĐ được tổ chức tại trường học luôn thu hút rất đông học sinh tham gia, mang lại hiệu quả cao trong công tác PBGDPL.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Cùng với việc tổ chức các PTGĐ, các cuộc thi, sân chơi tìm hiểu về pháp luật, nhiều hình thức PBGDPL cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là sử dụng công nghệ, mạng xã hội, như: Zalo, facebook, youtube, tik tok… để chia sẻ các video ngắn, infographic, giải đáp thắc mắc pháp luật. Năm 2024, một số địa phương, đơn vị đã có những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong PBGDPL, như: Sở Tư pháp đưa vào vận hành kênh tiktok: PBGDPL QUẢNG BÌNH; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có mô hình “Tiếng loa biên phòng”, “Truyền thanh bản xa”; Ban An toàn giao thông tỉnh triển khai mô hình “Bến xe an toàn giao thông” tại các bến xe khách để tuyên truyền cho các lái xe, phụ xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; Công an tỉnh xây dựng mô hình “Điểm bảo đảm an ninh trật tự, chữa cháy và bảo vệ rừng”, “Xã biên giới sạch về ma túy”; Ủy ban MTTQVN các cấp có mô hình “Loa phường”, “Zalo kết nối người dân”; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng PBGD pháp luật tỉnh Hoàng Xuân Tân: Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương cần chú trọng hơn nữa việc đổi mới nội dung, đa dạng về hình thức, phương pháp PBGDPL, như sử dụng tiểu phẩm, sân khấu hóa, PTGĐ… tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với người được tuyên truyền. Mặt khác, tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác PBGDPL, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. |
Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và khai thác tủ sách pháp luật đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn tỉnh có 145/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (96%), có 195 tủ sách pháp luật, trong đó, 128 tủ sách thuộc 16 xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang. Số lượng đầu sách của mỗi tủ sách từ 30-700 cuốn.
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, một số đơn vị, địa phương đã thành lập, nhân rộng mô hình các câu lạc bộ, như: “Gia đình và pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Em yêu đường sắt quê em”, “An toàn giao thông”… Các câu lạc bộ đã lựa chọn từng hình thức và nội dung PBGDPL phù hợp với từng thời điểm, đối tượng, địa bàn để truyền tải kịp thời các chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước đến các thành viên.
Từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đã tạo chuyển biến mới trong công tác PBGDPL. Sự phối hợp đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động này đã cung cấp kịp thời thông tin về các văn bản pháp luật mới, giúp người dân áp dụng đúng đắn trong đời sống, công việc, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
NH.V
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202501/da-dang-hoa-hinh-thuc-pho-bien-giao-duc-phap-luat-2223859/